Sống chung với ung thư tuyến giáp

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 20:26, 14/06/2022

Với nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp, việc điều trị có thể loại bỏ hoặc phá hủy khối u tuyến giáp. Họ có thể thấy an tâm hơn sau khi hoàn thành điều trị nhưng vẫn lo lắng về việc ung thư tái phát.

Đây là lo lắng rất thường gặp của người từng mắc ung thư. Đối với một số người khác, ung thư tuyến giáp có thể không khỏi hoàn toàn hoặc bị tái phát ở một bộ phận khác của cơ thể. Những người này có thể cần điều trị bằng hóa chất, xạ trị, hoặc các phương pháp khác nhằm kiểm soát bệnh trong thời gian lâu nhất có thể.

Theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp

Theo Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, nếu người bệnh đã hoàn thành việc điều trị, họ vẫn cần theo dõi bệnh của mình một cách chặt chẽ. Việc đến tất cả các buổi hẹn tái khám theo lịch của bác sĩ là rất quan trọng. Trong các lần tái khám, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng, khám bệnh và có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc xạ hình.

Việc theo dõi là rất cần thiết để kiểm tra xem liệu ung thư có tái phát hoặc lan rộng hay không cũng như phát hiện những tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị. Đây cũng là thời gian mà người bệnh có thể hỏi bác sĩ bất kỳ câu hỏi nào và thảo luận về các mối quan tâm lo lắng của họ.

Hầu như phương pháp điều trị ung thư nào cũng có những tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ có thể kéo dài vài tuần tới vài tháng, nhưng một số có thể lâu hơn. Một số tác dụng phụ có thể sau nhiều năm kết thúc điều trị mới xuất hiện.

Vì vậy, người bệnh sau điều trị ung thư tuyến giáp cần thông báo cho bác sĩ biết bất kỳ triệu chứng hoặc vấn đề sức khỏe nào mới xuất hiện vì chúng có thể do ung thư giáp tái phát hoặc một bệnh mới xuất hiện, hoặc một bệnh ung thư thứ hai gây ra.

Hầu hết người bệnh sẽ có sức khỏe ổn định sau điều trị, nhưng việc theo dõi và tái khám là rất quan trọng. Hầu hết ung thư tuyến giáp đều tiến triển chậm và có thể tái phát ngay cả khi đã kết thúc điều trị 10-20 năm.

Tái khám và làm các xét nghiệm theo dõi

Bác sĩ sẽ giải thích cho người bệnh những xét nghiệm cần làm và tần suất cần thực hiện các xét nghiệm đó. Lịch tái khám và làm xét nghiệm sẽ phụ thuộc vào mức độ bệnh ung thư ở thời điểm chẩn đoán ban đầu, loại ung thư tuyến giáp, phương pháp điều trị và các yếu tố khác.

Sống chung với ung thư tuyến giáp - 1
Khám định kỳ giúp phát hiện sớm ung thư tái phát

Ung thư thể nhú hoặc thể nang: Nếu người bệnh mắc ung thư giáp thể nhú hoặc thể nang và đã được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, thông thường bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm xạ hình tuyến giáp với iod, đặc biệt nếu người bệnh có yếu tố nguy cơ tái phát cao. Xét nghiệm này thường được thực hiện sau 6-12 tháng. Nếu kết quả là âm tính, thông thường người bệnh sẽ không cần thực hiện thêm xét nghiệm trừ khi có các triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm bất thường khác.

Xét nghiệm máu cần thực hiện thường quy là định lượng TSH và thyroglobulin. Thyroglobulin được sản xuất bởi mô tuyến giáp. Do vậy sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, nồng độ thyroglobulin sẽ ở mức rất thấp hoặc không tìm thấy trong máu. Nếu nồng độ thyroglobulin bắt đầu tăng dần, đó có thể là dấu hiệu của ung thư quay trở lại. Khi đó, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm khác, thông thường sẽ là chụp xạ hình iod và có thể cần chụp PET-CT và làm các xét nghiệm khác.

Với những người nguy cơ tái phát thấp, mắc ung thư thể nhú nhỏ đã được điều trị bằng cắt một thùy tuyến giáp, thông thường sẽ chỉ cần tái khám định kỳ, siêu âm tuyến giáp và làm các xét nghiệm máu liên quan tới tuyến giáp.

Ung thư thể tủy: Nếu người bệnh mắc ung thư tuyến giáp thể tủy, bác sĩ sẽ cần kiểm tra nồng độ nồng độ calcitonin và CEA trong máu. Nếu nồng độ các chất này tăng, các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm vùng cổ hoặc cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) sẽ được thực hiện để phát hiện tổn thương tái phát.

Hà An