Nga kiếm được 98 tỉ USD từ xuất khẩu nhiên liệu trong 100 ngày chiến sự ở Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:48, 14/06/2022
Nga đã thu được 98 tỉ USD từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong vòng 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine, trong đó Liên minh châu Âu (EU) chính là bên nhập khẩu nhiều nhất, theo một nghiên cứu mới.
Báo cáo này được đăng tải trong hôm 13/6 bởi Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), một cơ sở nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Phần Lan. Báo cáo xuất hiện trong lúc các lực lượng Nga tiếp tục đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc trong chiến dịch của họ tại khu vực Donbass, Ukraine.
Mỹ và EU đã viện trợ vũ khí và tiền để hỗ trợ Ukraine chống lại bước tiến của Nga, đồng thời áp lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt chưa từng có nhằm vào Moscow.
Tuy nhiên, chính quyền Kiev vẫn đang kêu gọi các nước phương Tây cắt đứt mọi quan hệ thương mại với Moscow, hy vọng rằng sẽ cắt được nguồn tài chính rót cho chiến tranh của Nga. Trước khi cuộc chiến bùng phát, Nga cung cấp tới 40% tổng lượng khí đốt mà EU nhập khẩu, và 27% lượng dầu thô nhập khẩu của khối này.
Đầu tháng trước, EU nhất trí ngừng nhập khẩu phần lớn dầu thô của Nga, cùng lúc hướng tới giảm 3/4 lượng khí đốt nhập từ Nga trong năm nay.
Theo báo cáo của CREA, EU đã đã nhập tới 61% tổng lượng nhiên liệu hóa thạch mà Nga xuất khẩu trong vòng 100 ngày đầu tiên của cuộc chiến, tổng giá trị khoảng 60 tỉ USD. Xét tổng thể, các nước nhập khẩu hàng đầu năng lượng của Nga bao gồm Trung Quốc (13,2 tỉ USD), Đức (12,7 tỉ USD), Italy (8,2 tỉ USD), Hà Lan (8,4 tỉ USD), Thổ Nhĩ Kỳ (7 tỉ USD), BA Lan (4,6 tỉ USD), Pháp (4,5 tỉ USD) và Ấn Độ (3,6 tỉ USD).
Doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch đầu tiên phải kể tới dầu thô (48,2 tỉ USD), tiếp đến là khí đốt cung cấp qua đường ống dẫn (25,1 tỉ USD), các sản phẩm dầu (13,6 tỉ USD), khí hóa lỏng (5,3 tỉ USD) và than (4,8 tỉ USD).
Mặc dù lượng xuất khẩu của Nga đã giảm mạnh trong tháng 5, nhưng do nhiều nước và công ty hứng chịu cảnh khan hiếm nguồn cung do chiến sự, nên giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Điều này giúp Nga thu lợi nhuận khủng, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục.
Giá xuất khẩu trung bình của Nga cao hơn khoảng 60% so với năm ngoái, theo CREA.
Một số quốc gia tăng lượng nhập khẩu từ Nga, trong đó bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, UAE và Pháp, theo báo cáo.
“Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu lớn sản phẩm dầu thô của Nga, khi mua tới 18% tổng lượng xuất khẩu của nước này”, CREA nói, thêm rằng “một phần đáng kể lượng dầu thô đó được tinh chế và tái xuất khẩu”, cung cấp cho thị trường Mỹ và châu Âu.
“Trong lúc EU còn đang cân nhắc về lệnh cấm khắc nghiệt hơn nhằm vào Nga, Pháp đã tăng lượng nhập khẩu và trở thành nước mua khí hóa lỏng lớn nhất trên thế giới”, chuyên gia phân tích Lauri Myllyvirta của CREA cho hay.