Chuyện về bộ quần áo 15.000 đồng và quả bóng lá chuối của Quan Văn Chuẩn
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 10:45, 14/06/2022
Bộ quần áo khởi nghiệp
Sinh ra ở miền quê nghèo ở thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, thủ môn Quan Văn Chuẩn của U23 Việt Nam trải qua tuổi thơ vất vả. Cái tên “Chuẩn không phải chỉnh” của thủ thành này mang theo sự tích vô cùng đặc biệt, dựa theo phong tục lâu đời của người dân tộc Tày tại Tuyên Quang.
Theo tập quán từ thuở xa xưa, nếu người Tày sinh con vào ngày 15 hàng tháng thì gia đình phải cúng 3 con lợn để chào đón đứa bé ra đời. Nhưng lúc lọt lòng, Văn Chuẩn ra đời vào ngày 14, khi mẹ của anh trở về nhà thì mời thầy cúng ngay. Đẻ vào ngày này thì gia đình chỉ phải cúng 1 con lợn. Khi đó, bác ruột của chàng trai mới quyết định đặt cháu trai là Văn Chuẩn vì đẻ vào giờ… rất “chuẩn”, giúp gia đình tiết kiệm.
Từ năm 4 tuổi, Văn Chuẩn đã rất biết cách “làm phiền” bố mẹ. Bà Ma Thị Bình - mẹ của Quan Văn Chuẩn - nhớ lại: “Thời điểm đó nhà đất, có 1 bức tường ngăn 2 gia đình, con chơi bóng và hay sút vào tường nên bố mẹ cũng không ngủ được. Tôi cũng nhắc nhở con đừng đá bóng nữa, để bố mẹ nghỉ trưa, chiều còn đi làm tiếp. Được 1 lúc thì thấy Chuẩn rủ các bạn cùng lứa phân chia thành 2 đội để đá bóng”.
Văn Chuẩn vượt qua khó khăn để chơi bóng một cách đơn giản như bao bạn cùng trang lứa. Không có cầu môn thì đã có đôi dép để làm “vạch” xác định bàn thắng. Không có một trái bóng như ý, Văn Chuẩn bẻ lá chuối khô tự cuộn lại thành quả bóng để chơi bên nhà.
Năm 9 tuổi, thời điểm đó thôn Bản Chỏn làm đường, bố mẹ ra bờ suối gom cát. Chuẩn cũng vác xẻng đi gom cát ở bờ suối để bán. Các bác hàng xóm cũng thương, vác cát hộ mỗi người 1 tay. Tiền bán cát là 20.000 đồng, Chuẩn dùng để mua bóng, mẹ cũng bù thêm tiền để mua trái bóng đầu tiên cho con trai với giá 35.000 đồng.
Cơ duyên tập bóng đá đến với Văn Chuẩn năm anh học lớp 4. Nhà trường tổ chức tập đội bóng trẻ, báo về gia đình rằng Chuẩn được lên huyện thi đấu và có người từ tỉnh về tuyển chọn. Gia đình anh đồng ý để thầy giáo đưa con trai thử sức và mẹ anh cũng gói ghém đồ đạc theo con trai.
Bà Bình kể: “Tôi và con đi trước ra Chiêm Hoá để chuẩn bị mọi thứ từ quần áo và đồ đạc. Đi từ 5h sáng, đường đi rất khó do chưa có đường nhựa, phải đi đường đèo, đi bằng xe máy mất 1 tiếng đồng hồ. Đến cửa hàng bán quán quần áo, Chuẩn thích bộ đồ màu cam, mẹ cũng chiều ý con. Thời điểm đó, mua áo hết 15.000 đồng, tính cả tiền ăn uống, đi lại cũng hết hơn 100.000 đồng, khoảng 2-3 ngày công làm nông của bố mẹ”.
Buổi thi đấu diễn ra như ý. Văn Chuẩn nhận được nhiều lời khen và còn được đề nghị gia nhập đội U11 Tuyên Quang. Trên đường trở về nhà, chính niềm vui và sự háo hức của Văn Chuẩn thúc giục bà Bình quyết định để con trai xa nhà đi học bóng đá.
Nỗi niềm người mẹ và sự chờ đợi xứng đáng
“Tôi thương con vì xa bố mẹ, xa gia đình khi con nhỏ quá. Về sinh hoạt, bố mẹ vẫn lo cho con, giờ ở xa thì con phải tự làm hết mọi thứ. Nhưng vì con quyết tâm quá nên bố mẹ cũng không đành. Tối hôm trước ngày đi, Chuẩn tự giác ngủ riêng 1 mình, không ngủ chung với bố mẹ nữa” - bà Ma Thị Bình hồi tưởng lại quá khứ.
Hành động của con trai càng khiến bà Bình thương con hơn. Khi mới xuống thành phố Tuyên Quang, Chuẩn muốn mẹ ở lại ngủ với mình thêm 1 tuần. Lúc bà Bình lên xe trở về Chiêm Hoá, Chuẩn còn chạy theo mẹ dặn dò phải gọi diện cho mình. Có hôm, cậu bé này còn gọi cho mẹ lúc 12h đêm.
“1 năm sau, tức là năm 10 tuổi, Chuẩn chuyển xuống Hà Nội và tôi cũng xuống thăm cháu sau 1 tháng làm quen với môi trường mới. Đó cũng là lần cuối mà Chuẩn ngồi vào lòng mẹ, con chững chạc và trưởng thành hơn. Đợt đó mỗi lần xuống thăm con, bố mẹ cũng mua cho con 2 dây sữa, con thích lắm” - mắt bà Bình ánh lên sự hạnh phúc.
Không có điều kiện khá giả nhưng bố mẹ Văn Chuẩn luôn dành những điều tốt nhất cho con trai. Với một gia đình người dân tộc Tày ở miền núi, số tiền 300-400.000 đồng không quá lớn nhưng cũng không hề nhỏ. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền ấy và đôi khi là vay mượn để xuống thăm con, mua quà bánh cho con trai.
Quan Văn Chuẩn không để tình thương của bố mẹ uổng phí. Tập luyện chăm chỉ và sớm có thành tích với các đội trẻ của câu lạc bộ Hà Nội. Số tiền thưởng này anh chỉ giữ lại chút ít tiêu xài nơi phố phường, số còn lại thủ thành sinh năm 2001 gửi về phụ giúp gia đình, giúp bố mẹ vơi bớt nỗi vất vả đồng áng suốt nhiều năm.
Thủ môn Văn Chuẩn chơi ấn tượng ở vòng chung kết U23 Châu Á - đó là dấu ấn đầu tiên của anh ở các cấp độ đội tuyển quốc gia. Nhưng với bà Ma Thị Bình, xen lẫn sự tự hào vẫn là nỗi âu lo thường trực của một người mẹ.
“Mọi người đều cổ vũ cho cháu, nhưng hai vợ chồng tôi trong lòng cũng lo lắm. Tôi cứ sợ con vào thi đấu không được. Và cái nữa, tôi cũng mong là con không gặp chấn thương, với tôi như vậy là đủ rồi” - bà Bình bồi hồi.