“Át chủ bài” của hải quân Pháp
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:45, 14/06/2022
Mới đây, Pháp chính thức đưa tàu ngầm tấn công hạt nhân Suffren vào hoạt động. Tàu ngầm này được đặt theo tên của Đô đốc Pierre André de Suffren de Saint Tropez ở thế kỷ 18-một trong những chỉ huy hải quân vĩ đại nhất của Pháp.
Đây là chiếc tàu đầu tiên trong nhóm 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ mới lớp Barracuda được đặt đóng với tổng chi phí khoảng 9,1 tỷ euro. Các tàu ngầm thế hệ mới này được chế tạo để thay thế các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Rubis già cỗi vốn ở trong biên chế Hải quân Pháp từ thập niên 1980.
Được khởi đóng từ năm 2007 và hạ thủy vào năm 2019, Suffren là sản phẩm do các kỹ sư từ Cơ quan Mua sắm quốc phòng Pháp (DGA), Tập đoàn Công nghiệp quân sự Naval Group và Công ty chuyên về kỹ thuật hạt nhân TechnicAtome phát triển.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Suffren. Ảnh: Naval Post |
Suffren được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến chống ngầm, chống tàu mặt nước cũng như tấn công các mục tiêu trên bờ. Ngoài ra, chúng còn hỗ trợ hoạt động tác chiến của lực lượng đặc biệt, thu thập thông tin tình báo, hộ tống tàu sân bay hoặc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Tháng 11-2020, Hải quân Pháp nhận bàn giao tàu Suffren.
Kể từ thời điểm đó, tàu ngầm này được vận hành thử nghiệm và hiện đã hoàn toàn sẵn sàng cho các nhiệm vụ chiến đấu.
Về thông số kỹ thuật, Suffren có chiều dài 99,5m, lượng giãn nước khi nổi là 4.765 tấn, khi lặn là 5.300 tấn. Suffren có thể lặn sâu tới 350m và di chuyển với tốc độ 46km/giờ. Tàu ngầm này có thể hoạt động liên tục trong 70 ngày. Về vũ khí trang bị, Suffren mang theo hệ thống vũ khí hiện đại và mạnh mẽ như ngư lôi hạng nặng F21, tên lửa hành trình MdCN, tên lửa chống hạm Exocet SM39 và thủy lôi FG-29.
Suffren có thể mang tới 20 ngư lôi và tên lửa, gấp đôi số lượng ngư lôi và tên lửa mà tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Rubis có thể mang theo. Suffren cũng là tàu ngầm đầu tiên của Pháp mang theo tên lửa hành trình, có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền với tầm bắn lên tới 1.000km.
Việc tích hợp các cảm biến hiện đại cũng mang lại cho Suffren khả năng tác chiến chống ngầm và năng lực tình báo, giám sát, trinh sát vượt trội. Đặc biệt, Suffren không sử dụng kính tiềm vọng như các tàu ngầm trước đây của Pháp.
Thay vào đó, Suffren được trang bị cột buồm quang điện tử. Thiết bị này mang lại hình ảnh chất lượng cao, cho phép phát hiện mục tiêu ở phạm vi xa hơn. Trên tàu còn có khoang chứa một tàu lặn mini có thể chở theo lực lượng làm các nhiệm vụ đặc biệt.
Khi di chuyển, Suffren phát ra ít tiếng ồn hơn tàu ngầm lớp Rubis. Vỏ tàu còn được phủ một lớp vật liệu đặc biệt giúp tàu có khả năng tàng hình rất cao và khó bị phát hiện. Theo Denfense News, tàu ngầm Suffren là sản phẩm có tính đột phá cao về công nghệ.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy Pháp tăng cường khả năng răn đe hạt nhân. Theo Le Monde, nước này đã tăng số lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân được triển khai thường trực trên biển. Do đó, đối với Paris, việc đưa tàu ngầm Suffren vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Với tốc độ di chuyển nhanh, khả năng tàng hình cao cùng hàng loạt vũ khí hiện đại hơn so với các tàu trước đây, Suffren sẽ giúp Hải quân Pháp có một bước nhảy vọt quan trọng về khả năng tác chiến dưới nước.
Quân đội Pháp đặt mục tiêu đến năm 2030, các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Barracuda sẽ dần thay thế các tàu ngầm lớp Rubis. Theo kế hoạch, cuối năm 2022, Hải quân Pháp sẽ tiếp nhận Duguay-Trouin-chiếc tàu ngầm lớp Barracuda thứ hai.
Ba tàu ngầm khác thuộc lớp Barracuda đang ở các giai đoạn chế tạo khác nhau, còn chiếc tàu ngầm cuối cùng vẫn chưa được đặt đóng. Le Monde nhận định, các tàu ngầm tấn công hạt nhân thế hệ mới sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì sức mạnh của Hải quân Pháp trong những thập kỷ tới.
LÂM ANH