Tình cảnh chưa từng có của Mỹ, viễn cảnh tồi tệ ở phía trước

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:47, 14/06/2022

Nước Mỹ vừa ghi nhận thêm một cú sốc khi lạm phát lên cao kỷ lục, trái với hầu hết dự báo trước đó. Nền kinh tế lớn nhất thế giới khó tránh khỏi một kịch bản tồi tệ.

Lạm phát lên đỉnh cao mới

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức lạm phát này là cao nhất kể từ 1981 và cao gấp hơn 4 lần so với mức chuẩn 2% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra để đảm bảo nền kinh tế phát triển lành mạnh.

Như vậy, tình hình đã không tốt đẹp như kỳ vọng. Sau khi vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm hồi tháng 3: 8,5%, lạm phát tại Mỹ đã giảm xuống 8,3% trong tháng 4 nhưng đang có xu hướng tăng trở lại.

Trong khoảng thời gian dài, Fed đã có những nhận định sai lầm về tình trạng lạm phát của nước Mỹ. Chủ tịch Fed Jerome Powell và các thành viên nhiều lần cho rằng lạm phát của nước Mỹ chỉ là “tạm thời” do sự đứt gãy nguồn cung do đại dịch Covid-19. Gần đây, nhiều tổ chức còn cho rằng, mức 8,5% hồi tháng 3 đã là đỉnh và lạm phát Mỹ có xu hướng giảm trở lại.

Lạm phát Mỹ lên mức cao nhất trong 42 năm qua.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lạm phát vẫn chưa ngừng tăng và vừa lập đỉnh cao mới trong 42 năm qua. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ xuống mức thấp hơn so với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, trong phiên điều trần trước Quốc hội tuần qua, thừa nhận rằng nước Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao và kéo dài, tiếp tục đặt mức 6,3% cho năm 2023.

Lạm phát Mỹ gia tăng trở lại và lên đỉnh cao mới chủ yếu do giá năng lượng tăng vọt, tăng thêm 34,6% trong vòng một năm qua. Trong khi đó, giá lương thực tăng hơn 10%. Giá xăng dầu, hàng hóa và dịch vụ ở Mỹ đồng loạt tăng cao. Riêng trong tháng 5, giá xăng tại Mỹ tăng thêm 4,1%, lên khoảng 27 nghìn đồng/lít.

Lý do là bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, việc Trung Quốc đóng cửa để kiểm soát dịch và một số nhà máy lọc dầu lớn tạm đóng cửa.

Lạm phát tiếp tục dâng cao là mối đe dọa đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Cuộc xung đột đã đẩy giá khí đốt và thực phẩm trên thế giới tăng cao. Trong khi, Ukraine và Nga là những nước cung cấp lúa mì và ngô chính của thế giới song xuất khẩu bị đình trệ. Ukraine có 20 triệu tấn ngũ cốc phải lưu trữ và đang tìm cách xuất khẩu.

Theo một khảo sát của ABC News trong tuần trước, có tới 71% người Mỹ không đồng tình cách Tổng thống Biden xử lý lạm phát. Nhiều người cao buộc chính quyền Biden chi tiêu mạnh tay, khiến lạm phát tăng và chính sách chống nhiên liệu hóa thạch của ông dẫn tới tăng giá nhiên liệu.

Giá cả hàng hóa tăng vọt.

Kinh tế Mỹ khó thoát suy thoái

Theo CNBC, các chuyên gia cho rằng, nước Mỹ khó tránh khỏi một cuộc suy thoái, có thể bắt đầu vào quý III/2022 khi lạm phát tăng vọt trong khi tâm lý người tiêu dùng tụt dốc và tiết kiệm của người dân sụt giảm.

Trước đó, trong quý I, Mỹ đã ghi nhận tăng trưởng âm 1,4%.

Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ánh sự lo ngại của giới đầu tư với việc chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 900 điểm (tương đương hơn 2,7%), trong khi đó chỉ số công nghệ tụt giảm hơn 3,5%, còn chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm hơn 2,9%.

Giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, cái kết là nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái. Thậm chí, tình trạng đình lạm xảy ra - kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao.

Fed đã nâng lãi suất hai lần trong năm nay, một lần thêm 25 điểm phần trăm trong tháng 3 và một lần 50 điểm phần trăm trong tháng 5. Lãi suất cơ bản của Mỹ đã từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên mức 0,75-1%.

Theo những tín hiệu từ Fed và tín hiệu từ thị trường, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 50% điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6 và một mức tăng tương tự trong cuộc họp tháng 7.

Theo CME Group, lãi suất tại Mỹ sẽ tăng lên 2,75-3% vào cuối năm nay.

Nỗi lo đối với các nhà đầu tư là: ngân hàng trung ương Mỹ có thể tạo ra một sai lầm nữa, sau sai lầm coi nhẹ lạm phát trong năm trước. Sai lầm lần này có thể dìm nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.

Thị trường tài chính thế giới chao đảo

Ngay sau cú sốc tại Mỹ, thị trường tài chính thế giới chao đảo. Giá vàng tăng vọt, từ mức quanh 1.830-1.850 USD/ounce có lúc lên gần 1.890 USD/ounce. Thị trường chứng khoán nước nước tụt giảm mạnh. Thị trường tiền số cũng chịu áp lực bán ra. Giá đồng Bitcoin tụt từ ngưỡng 30.000 USD xuống 26.000 USD.

Nước Mỹ đặt mục tiêu giảm lạm phát là ưu tiên số 1, trong khi châu Âu cũng có những bước đi đầu tiên. Trong cuộc họp hôm 9/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ nhưng cho biết sẽ nâng lãi suất bắt đầu từ tháng 7, thêm 25 điểm cơ bản. Đồng thời, ECB còn để ngỏ khả năng nâng lãi suất mạnh hơn (có thể là 50 điểm phần trăm) vào tháng 9 trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục, nhiều nước ghi nhận mức tăng 2 con số.

Như vậy, lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, nhiều khả năng ECB sẽ nâng lãi suất và chấm dứt chương trình mua tài sản quy mô lớn vào ngày 1/7.

Hội đồng Thống đốc ECB cũng dự kiến sẽ “nâng lãi suất dần dần nhưng kéo dài”.

Theo lộ trình này, lãi suất cơ bản của khu vực sẽ tăng lên ít nhất lên mức 0% vào cuối quý III/2022, từ mức -0,5% hiện tại. Kỷ nguyên lãi suất âm kéo dài 8 năm qua sẽ chấm dứt và nó cũng đánh dấu sự kết thúc của nhiều năm thực hiện kích thích kinh tế của ECB.

Tổng cộng, hơn 60 ngân hàng trung ương các nước đã nâng lãi suất trong năm 2022 để chống lại lạm phát.

Hôm 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống còn 2,9%, so với mức dự báo 4,1% do tổ chức này đưa ra hồi tháng 1/2022; đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể suy thoái khi nền kinh tế nước họ rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn (stagflation) giống như thời thập niên 70.

M. Hà