Trung Quốc cảnh báo Mỹ hãy tránh xa eo biển Đài Loan, ông Austin bác bỏ
Đối ngoại - Ngày đăng : 22:38, 13/06/2022
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 12/6, trong những tháng gần đây, các quan chức quân sự Trung Quốc liên tục tuyên bố trong các cuộc đàm phán với người đồng cấp Mỹ rằng eo biển Đài Loan không phải là vùng biển quốc tế, làm dấy lên lo ngại trong nội bộ chính quyền Biden.
Nguồn tin này cho biết các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần đưa ra tuyên bố ở nhiều tầng với chính phủ Mỹ, thách thức quan điểm của Mỹ về luật pháp quốc tế. Mỹ và các đồng minh cho rằng phần lớn eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế và họ thường xuyên cho tàu hải quân đi qua eo biển Đài Loan như một phần của các cuộc diễn tập về thực thi tự do hàng hải.
Từ lâu nay, Trung Quốc luôn khẳng định eo biển Đài Loan là một phần của vùng đặc quyền kinh tế của họ và cho rằng việc qua lại của tàu chiến nước ngoài trong vùng biển này cần phải bị hạn chế. Mặc dù Trung Quốc thường xuyên phản đối các hành động quân sự của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, nhưng địa vị pháp lý của eo biển Đài Loan trước đây không phải là chủ đề thảo luận thường xuyên trong các cuộc hội đàm giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc.
Thứ Sáu tuần trước (10/6), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong một cuộc họp mà hai bên đã đối đầu nhau về vấn đề Đài Loan. Tác giả chuyên mục Josh Rogin của Washington Post hôm thứ Bảy (11/6) viết, theo một quan chức Mỹ, ông Austin đã đối thoại với ông Ngụy Phượng Hòa về mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan và phá hoại hiện trạng vốn mong manh lâu nay. Ông Austin cũng thẳng thừng bác bỏ lập luận của Trung Quốc nói eo biển Đài Loan thuộc sở hữu hoàn toàn của Bắc Kinh.
Mỹ thường xuyên cho tàu đi xuyên eo biển Đài Loan, thách thức quan điểm của Trung Quốc coi vùng biển này thuộc sở hữu của họ. |
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Martin Meiners cho biết trong một email gửi trả lời phỏng vấn Bloomberg: "Mỹ sẽ tiếp tục bay, chạy tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả đi qua eo biển Đài Loan".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời các yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm thứ Bảy (11/6), ông Austin cảnh báo Trung Quốc đang định đơn phương thay đổi hiện trạng vấn đề Đài Loan. "Chính sách của chúng tôi không thay đổi", ông nói, "nhưng thật không may, điều đó dường như không đúng với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".
Ông Austin nói: “Chúng ta đang chứng kiến sự bắt nạt ngày càng nhiều hơn từ Bắc Kinh. Chúng ta đã chứng kiến các hoạt động quân sự khiêu khích và phá hoại sự ổn định ở gần Đài Loan đang gia tăng; bao gồm kỉ lục về số lượng máy bay quân sự của Trung Quốc hoạt động ở gần Đài Loan mấy tháng qua, hầu như họ bay mỗi ngày".
Ông Austin nói: "Duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan không chỉ là lợi ích của Mỹ. Đó là vấn đề cả quốc tế quan tâm”.
Sau phát biểu của ông Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm Chủ nhật (12/6) đã nói: “Nếu ai dám chia cắt Đài Loan khỏi Trung Quốc, chúng tôi sẽ không do dự chiến đấu”. Ông nhắc lại lập trường lâu dài của Bắc Kinh đối với Đài Loan: “Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng".
Ông Ngụy Phượng Hòa khi phát biểu về "Tầm nhìn của Trung Quốc về trật tự khu vực" đã nói rằng Đài Loan là Đài Loan của Trung Quốc, vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông nói: "Việc thống nhất đất nước là tuyệt đối phải thực hiện, không ai được đánh giá thấp quyết tâm, ý chí và năng lực mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc".
Ông Ngụy Phượng Hòa cũng nói rằng Mỹ "sẽ phạm phải sai lầm lịch sử và chiến lược nếu họ khăng khăng coi Trung Quốc là một mối đe dọa, đối thủ hoặc thậm chí là kẻ thù". Ông cũng tuyên bố: “Nếu Đài Loan tuyên bố độc lập, Trung Quốc sẽ không chậm trễ áp dụng hành động quân sự”. Nhưng ông Ngụy Phượng Hòa đã không đề cập rõ ràng đến địa vị pháp lý của eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều thứ Hai (13/6) đã tuyên bố: Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan, các tuyên bố quốc tế liên quan rằng đây là vùng biển quốc tế là nhằm mục đích thao túng vấn đề liên quan đến Đài Loan đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc Đại Lục.
Trước những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin về eo biển Đài Loan, ông Uông Văn Bân chỉ trích phía Mỹ đã liên tục tung tin thất thiệt nhằm bôi nhọ Trung Quốc; các thế lực Đài Loan độc lập và sự dung túng của Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với eo biển Đài Loan.
Vấn đề Đài Loan luôn là trở ngại lớn trong quan hệ Trung - Mỹ. |
Hiện không rõ liệu những khẳng định gần đây của Trung Quốc về eo biển Đài Loan có gây thêm đối đầu trong khu vực hay không. Các tàu chiến của Mỹ thỉnh thoảng thực hiện một chuyến đi qua eo biển Đài Loan và hầu như lần nào Trung Quốc cũng nhảy dựng lên phản đối.
Lần gần đây nhất là vào ngày 10/5, một tàu chiến của Mỹ đã đi xuyên qua eo biển Đài Loan ngay sau khi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần eo biển Đài Loan. Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Port Royal đã “định kì” đi qua eo biển Đài Loan trong vùng biển quốc tế "phù hợp với luật pháp quốc tế".
Trong một tuyên bố vào thời điểm đó, Hạm đội 7 nói: "Con tàu đi qua một hành lang trên eo biển. Hành lang này không nằm trong lãnh hải của bất kỳ quốc gia ven biển nào". Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Đông của Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã theo dõi chặt chẽ chiếc tàu chiến Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông để thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc xung quanh các đảo tranh chấp.
Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Mark Langford khi trả lời phóng viên trang Đông Phương, Hồng Kông đã nói, các tàu Hải quân Mỹ trong nhiều năm qua đã lợi dụng eo biển Đài Loan để đi qua Biển Đông và Biển Hoa Đông theo luật pháp quốc tế.
Ông Langford tiếp tục cho rằng trong các nhiệm vụ đi biển thông thường, tàu Mỹ thường tương tác với tàu chiến và máy bay quân sự nước ngoài, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và không ảnh hưởng đến hoạt động. Ông lấy lý do chính sách để từ chối bình luận về các hoạt động của tàu Mỹ trong tương lai.