Ái nữ nhà Thaksin gây chú ý trên chính trường Thái Lan

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:18, 13/06/2022

Việc cô con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hoạt động tích cực hơn trong thời gian qua đã khiến chính trường Thái Lan nóng lên, với các đồn đoán về sự tái xuất của gia tộc nổi tiếng này.
Ái nữ nhà Thaksin gây chú ý trên chính trường Thái Lan - 1

Cô Paetongtarn Shinawatra, con gái út của ông Thaksin (Ảnh: AFP).

Paetongtarn Shinawatra, 35 tuổi, có một nửa triệu người theo dõi trên Instagram. Trên tài khoản mạng xã hội này, cô tự mô tả mình là "con gái bé nhỏ" của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Cô con gái út của cựu Thủ tướng Thái Lan hiện đang tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị trước thềm cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào năm sau.

Theo giới quan sát, những động thái này có thể tiếp tục gia tăng tầm ảnh hưởng của gia tộc Shinawatra lên một thế hệ cử tri mới ở Thái Lan. Nó cũng đánh dấu vòng đấu mới nhất trong cuộc cạnh tranh kéo dài 20 năm giữa gia đình ông Thaksin với giới tinh hoa quân sự và những người quan điểm bảo hoàng của Thái Lan.

Giờ đây, dù cô Paetongtarn có vai trò âm thầm trong đảng đối lập Pheu Thai, nhưng cô được cho sẽ được đề cử trở thành ứng viên thủ tướng khi lịch trình bầu cử được công bố.

Ông Thaksin, 72 tuổi - người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2016, thường xuất hiện trên tài khoản mạng xã hội của con gái. Cô Paetongtarn cho biết, cô có được sức mạnh từ "sự ủng hộ không thay đổi" của cha và cô sẽ luôn là "con gái bé nhỏ" của ông Thaksin.

Đây được xem là một thông điệp nhằm đưa cô Paetongtarn tới gần hơn những nhóm người ủng hộ ông Thaksin, những người đã đưa ông tới chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 2001 và 2005.

"Chúng tôi cần cô. Chúng tôi nhớ cha cô", một người nói với cô Paetongtarn khi cô đi vận động tranh cử cho Pheu Thai ở cuộc bầu cử địa phương tại Bangkok tháng trước.

Tuy nhiên, điều này cũng được cho sẽ thu hút sự quan tâm của đảng cầm quyền, cũng như phe tinh hoa quân sự và những người có quan điểm bảo hoàng, khi gia tộc Shinawatra là đối thủ mạnh hàng đầu của họ.

Các đảng phái chính trị có liên quan tới ông Thaksin đã thắng hầu hết ghế tại mọi cuộc bầu cử diễn ra ở Thái Lan kể từ năm 2001 tới nay. Tuy nhiên, nhiều chính phủ được lập ra sau các cuộc bầu cử này cũng đã đối mặt với việc bị đảo chính, hoặc bị đưa ra tòa xét xử.

Ông Thaksin hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài để né tránh cáo buộc tham nhũng - điều mà ông bác bỏ và mô tả là bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị.

Em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, trúng cử năm 2011 nhưng bị quân đội lật đổ vào năm 2014. Bà cũng đang sống lưu vong ở nước ngoài.

Ái nữ nhà Thaksin gây chú ý trên chính trường Thái Lan - 2

Cô Paetongtarn được xem đang thừa hưởng di sản chính trị của cha khi thu hút sự quan tâm rộng rãi (Ảnh: AFP).

Giờ đây, cô Paetongtarn không che giấu tham vọng của bản thân, khi cô muốn biến Thái Lan thành "đất nước tràn đầy cơ hội và hy vọng cho chúng ta và các thế hệ tương lai".

Cuộc đua đang dần nóng lên từ cuộc bầu cử địa phương ở Bangkok khi vào tháng trước, ứng viên do Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-O-Cha ủng hộ đã thất bại trước ứng cử viên từng là bộ trưởng dưới thời chính phủ của đảng Pheu Thai.

Thái Lan trong 5 năm dưới sự lãnh đạo của ông Thaksin đã chứng kiến sự phát triển về kinh tế và chú ý tới các chính sách cho người nghèo. Cô Paetongtarn cho biết cô tự hào về thành quả mà cha cô đã đạt được.

Theo giới quan sát, theo cục diện hiện tại, Pheu Thai có khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm sau. Nếu điều này xảy ra, điều đó có thể sẽ đánh dấu sự tái xuất của ông Thaksin. Năm ngoái, ông tuyên bố sẽ trở lại Thái Lan "bằng cửa trước".

Tuy nhiên, để giành lại được quyền lực, Pheu Thai và cô Paetongtarn cũng phải đối mặt với những thách thức. Để trở thành thủ tướng, một ứng viên cần được đa số 500 ghế trong hạ viện và 250 ghế trong thượng viện ủng hộ.

Thượng viện Thái Lan hiện được xem là có sự góp mặt của nhiều nhân vật có quan điểm ủng hộ quân đội. Năm 2019, Pheu Thai từng thắng phần lớn ghế ở hạ viện, nhưng thượng viện cho phép ông Prayut lập chính phủ liên minh. Đây có thể được xem là trở ngại nếu Pheu Thai muốn lên nắm quyền trở lại.

Đức Hoàng