Liên tiếp trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích trong mùa hè
Tin Y tế - Ngày đăng : 15:15, 13/06/2022
Liên tiếp trẻ nhập viện
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, vào mùa hè, ngoài việc lo phòng tránh bệnh dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng… phụ huynh nên chú ý đến những tai nạn sinh hoạt ở trẻ.
Trẻ em, đặc biệt trong độ tuổi từ 1 đến 3, có thể bị các tai nạn thương tích tại nhà như dị vật đường thở, điện giật, bỏng, ngạt nước, uống nhầm hóa chất, chấn thương,...
Thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị tai nạn thương tích. Đơn cử, bệnh viện cấp cứu thành công trẻ bị tai nạn sinh hoạt do dây ba lô quấn cổ, suy hô hấp, thiếu ôxy não. Vết xây xát da vùng cổ phải dài 4cm, rộng 0,5cm.
Được biết, bé gái khi đang chơi ở nhà trẻ đã tới gần balô treo ở vách tường, vô tình đưa đầu vào vòng dây balô qua cổ, trẻ xoay người làm dây siết cổ, nguy hiểm tính mạng.
Hay trường hợp khác là trẻ vô tình nuốt 5 viên bi nam châm gây đau bụng, nôn ói. May mắn, trẻ được đưa đến bệnh viện kịp thời. Sau nội soi gắp dị vật, trẻ tỉnh táo và tiếp tục được theo dõi tổn thương niêm mạc ruột cũng như chức năng đường tiêu hóa.
Các bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố cũng tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ nhập viện cấp cứu do tai nạn thương tích, thậm chí, có trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã lấy thành công 2 đồng xu trong thực quản bé trai 8 tuổi, không cần phải nội soi. Gia đình cho biết, cách nhập viện 1 ngày, trẻ ngậm và nuốt đồng xu, sau đó khó nuốt, không ăn uống được, nôn ói. Hiện tình trạng sức khỏe của trẻ đã ổn sau thủ thuật và ăn uống bình thường.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cấp cứu 2 trẻ (8 tuổi và 3 tuổi) bị bỏng nặng. Bé 8 tuổi bị bỏng do cầm chai cồn chạy qua khu bếp đang nấu thức ăn. Hậu quả là lửa bén vào quần áo, khiến trẻ bị cháy trong một phút trước khi gia đình giội nước cứu.
Còn bé 3 tuổi bị bỏng xăng do bất cẩn làm đổ chai đựng xăng sau khi chiết ra ngoài. Xăng lan xuống khu vực nhà bếp, phát hỏa.
Cảnh báo phụ huynh
Vào mùa hè, trong những lúc thiếu sự quan tâm, lơ là của người lớn, những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ, thậm chí để lại những hậu quả nặng nề. Do đó, việc quan tâm phòng tránh các tai nạn thương tích cho trẻ cần được người lớn chú ý nhiều hơn. Nhiều tình huống có thể dẫn tai nạn thương tích ở trẻ.
Bác sĩ Minh Tiến cho biết, hằng năm vào dịp hè, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận các trẻ ngạt nước, ong đốt, rắn cắn, phỏng, điện giật, uống nhầm hóa chất, dị vật đường thở, sặc sữa, sặc cháo, tai nạn té ngã, vết thương do vật sắc nhọn… Vì vậy, phụ huynh có con nhỏ hết sức cẩn thận.
"Cách phòng ngừa chung nhất là luôn có người giữ trẻ, để ý trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Thiết kế, trang trí ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn cho trẻ, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ mà phụ huynh cảm nhận, ý thức được" - bác sĩ Tiến khuyến cáo.