Người mắc bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM sẽ được điều trị như thế nào?
Tin Y tế - Ngày đăng : 10:33, 12/06/2022
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu vừa ký văn bản về hướng dẫn tạm thời giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn. Sở Y tế TP định nghĩa rõ ràng về 2 trường hợp: Trường hợp nghi ngờ và trường hợp có thể.
Trường hợp nghi ngờ là người đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng như sốt (> 38°C), nổi hạch đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược.
Trường hợp có thể là trường hợp nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như:
Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát, có tiếp xúc với ca bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ cùng cá nhân của người bệnh.
Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Hoặc có các triệu chứng bệnh nêu trên đến mức phải nhập viện.
Đo thân nhiệt khách nhập cảnh
Theo hướng dẫn tạm thời của Sở Y tế, tại các cửa khẩu hàng không, hàng hải, bộ phận Kiểm dịch y tế giám sát người nhập cảnh phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt qua máy đo. Giám sát các triệu chứng nghi ngờ của người nhập cảnh thông qua thông báo của tiếp viên hàng không hay người nhập cảnh tự khai báo....
Tại cộng đồng, người dân khi bị phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu như: sốt 38°C, nổi hạch, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, cần báo ngay cho Trạm y tế nơi lưu trú.
Khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, nhân viên y tế cần thăm khám, khai thác thông tin hành chính, lập phiếu điều tra dịch tễ.
Nội dung phiếu điều tra dịch tễ gồm những nơi đã đi qua, tiếp xúc động vật hoang dã, kể cả thịt, máu và các bộ phận của chúng; tiếp xúc gần với người nghi ngờ hoặc xác định bệnh...trong vòng 21 ngày. Nhân viên y tế báo cáo nhanh cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) và hướng dẫn “trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể” tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.
Cách ly, theo dõi ra sao?
Đối với trường hợp nghi ngờ: đối tượng tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong thời gian đó, nếu có dấu hiệu nặng cần đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để được khám bệnh và theo dõi kịp thời. Người bệnh mang khẩu trang y tế, di chuyển bằng xe cá nhân hoặc gọi Tổng đài 115 để được hỗ trợ, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Đối với trường hợp đủ yếu tố xác định là “trường hợp có thể”: tuân thủ đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc. Tư vấn người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được khám bệnh và theo dõi. Nếu người bệnh đồng ý, khuyến khích di chuyển bằng xe cá nhân đến bệnh viện, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Nếu người bệnh không đồng ý, hướng dẫn di chuyển về nơi lưu trú bằng xe cá nhân, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng, để tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. HCDC thông báo cho Trung tâm y tế nơi đối tượng lưu trú để giám sát và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Nếu “trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể” có các dấu hiệu nặng cần nhập viện, Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chăm sóc và điều trị.
Truy vết, giám sát khi có ca bệnh
Với trường hợp có thể, nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm theo hướng dẫn và gửi về HCDC để điều phối mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM hoặc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh sẽ được cách ly y tế, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. HCDC điều tra các trường hợp có tiếp xúc gần với “trường hợp xác định” để lập danh sách, theo dõi giám sát theo quy định.
Liên quan đến tình hình đậu mùa khỉ, từ ngày 13/5 đến 6/6, thế giới đã ghi nhận hơn 1.000 ca đậu mùa khỉ ở khoảng 30 quốc gia ngoài châu Phi - nơi lưu hành phổ biến của bệnh. Trong đó, Vương quốc Anh có nhiều bệnh nhân nhất (302 người), tiếp theo là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada và Đức. Khoảng 60 đã tử vong vì căn bệnh này tính từ đầu năm.
Trong các đợt bùng phát trước đây, phần lớn các ca mắc mới đã tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc động vật nhiễm bệnh. Nhưng trong một số trường hợp, người ta nhận thấy, lây truyền qua không khí là cách giải thích phù hợp duy nhất.
Linh Giao