Đề xuất cho VNG Limited gom 47,3% cổ phần, VNG “dọn đường” IPO?
Bất động sản - Ngày đăng : 07:16, 12/06/2022
CTCP VNG (VNG) vừa công bố chương trình nghị sự tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (AGM 2022) bao gồm nhiều nội dung đáng chú ý liên quan tới việc triển khai chào bán cổ phiếu quỹ, ESOP và chuyển nhượng cổ phần của nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, ban lãnh đạo VNG đề xuất AGM 2022 thông qua việc miễn trừ chào mua công khai đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần của VNG Limited – một pháp nhân mới được thành lập vào ngày 1/4/2022 tại ‘thiên đường thuế’ Cayman Islands.
Cụ thể, VNG Limited dự kiến sẽ nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài tại đây. Thương vụ cũng phải đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 49%.
Danh sách các cổ đông ngoại hiện hữu ở VNG dự kiến chuyển nhượng cổ phần cho VNG Limited |
Hồi tháng 12/2021, tờ Bloomberg đưa tin cho biết, VNG đang tìm cách huy động thêm 200 – 300 triệu USD từ các nhà đầu tư trước khi niêm yết tại Mỹ.
Hãng tin này cũng từng đề cập đến việc VNG cân nhắc nhiều phương án gọi vốn, bao gồm cả việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập ngược với SPAC, theo một thoả thuận được cho là sẽ định giá VNG ở mức từ 2 – 3 tỉ USD. VNG sau đó được tin rằng sẽ không thực hiện theo cách thức này, thay vào đó, công ty sẽ niêm yết thông qua hình thức IPO truyền thống.
Nên biết, vào năm 2017, VNG đã đạt được biên bản ghi nhớ (MOU) với sàn Nasdaq về việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Kế hoạch chuyển nhượng cổ phần ở VNG phần nào có sự tương đồng với trường hợp của Tiki. Cả hai doanh nghiệp này được tin rằng đang tìm cách IPO ở nước ngoài với mức định giá không dưới tỉ USD.
Như VietTimes từng đề cập, Tiki đã hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phiếu cho Tiki Global Pte. Ltd (Tiki Global) – một pháp nhân có địa chỉ tại Singapore. Hậu giao dịch, Tiki Global nắm giữ 90,5% cổ phần Tiki, qua đó giành được quyền kiểm soát, chi phối sàn thương mại điện tử này.
Thời điểm đó, đại diện Tiki cho biết, công ty muốn thành lập một ‘thực thể’ tại Singapore nhằm phục vụ nhiều mục tiêu, mà trọng tâm là việc IPO thuận lợi hơn.
"Tại Việt Nam, 1 nhà đầu tư nước ngoài mua 1 cổ phần thôi thì chúng tôi cũng phải làm các thủ tục theo quy định, mất từ 4-5 tháng mới có thể hoàn thành được. Quy trình này không thuận lợi cho một công ty tại Việt Nam muốn IPO tại thị trường quốc tế”, vị này nói.
Lưu ý rằng, VNG cũng có khoản đầu tư vào Tiki. Vào tháng 7/2021, VNG đã hoàn tất hoán đổi khoản đầu tư ở Tiki thành 4,6 triệu cổ phiếu Tiki Global, trị giá 0,43 USD/cp. Tính đến cuối quý 1/2022, VNG cho biết đang nắm giữ 15,2% quyền sở hữu của Tiki Global và có quyền chỉ định 2 trên 10 người của ban giám đốc tại đây.
Lùi thời gian chào bán cổ phiếu quỹ?
Trong chương trình nghị sự tại AGM 2022 sắp tới, ban lãnh đạo VNG còn đề nghị cập nhật thời gian thực hiện kế hoạch chào bán cổ phiếu quỹ với thời gian dự kiến ‘trong năm 2022 hoặc năm 2023’ thay vì ‘trong Quý 3/2021 hoặc Quý 4/2021’ mà AGM 2021 đã thông qua.
HĐQT VNG cho hay đã không triển khai thực hiện phương án chào bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ theo tờ trình đã được phê duyệt do ‘phải đối mặt với nhiều thách thức và biến động to lớn bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam và toàn cầu’ trong năm 2021 vừa qua.
Ở chiều hướng ngược lại, như VietTimes từng đề cập, số dư khoản đặt cọc mua lại cổ phiếu đã phát hành của VNG tại thời điểm cuối quý 1/2022 chỉ còn 5,9 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 335,3 tỉ đồng ghi nhận hồi đầu năm. Trong khi đó, VNG vẫn giữ nguyên vốn cổ phần, cũng như giá trị số cổ phiếu quỹ đã mua lại trên báo cáo tài chính. Đáng chú ý, doanh nghiệp này bắt đầu ghi nhận khoản hợp tác đầu tư 335,3 tỉ đồng tại thời điểm cuối quý 1/2022, được phân loại vào các khoản phải thu ngắn hạn khác và chưa có thuyết minh cụ thể.
Không chào bán được cổ phiếu quỹ, VNG cũng dừng luôn việc mua lại cổ phiếu quỹ? |
VNG còn đề xuất xem xét thay đổi toàn diện chương trình ESOP nhằm phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
Theo đó, trong năm 2021, VNG dự kiến phát hành lượng quyền mua 414.772 cổ phần, bao gồm 88.492 cổ phần giá 20.000 đồng/cp và 326.280 cổ phần giá 30.000 đồng/cp. Tuy nhiên, chương trình đã không được thực hiện như dự kiến và công ty cũng không tiến hành phát hành như kế hoạch đã đề ra.
Năm 2022, VNG đặt mục tiêu doanh thu 10.178 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến cho công ty âm khoảng 993 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm khoảng 311 tỉ đồng.
VNG cho biết sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hoá. Đặc biệt, công ty sẽ tập trung phát triển payment, AI và Clound để tham gia vào làn sóng công nghệ tiếp theo.
Cụ thể, ban tổng giám đốc VNG sẽ tập trung triển khai các dự án đã đề ra. Thêm vào đó, phát triển các dự án, cơ hội đầu tư cho công ty liên quan đến các sản phẩm thế mạnh về Zalo, Zalopay, Clound, AI và các sản phẩm đầu tư hiện hữu./.