Sốt xuất huyết tăng cao, nhiều bệnh nhân “suýt tử vong” do chủ quan

Tin Y tế - Ngày đăng : 10:50, 11/06/2022

Không chỉ có nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc, mất nước hoặc suy đa tạng vì sốt xuất huyết, ghi nhận tại các bệnh viện, nhiều bệnh nhân dù tuổi đời còn trẻ, có thể trạng tốt nhưng khi mắc sốt xuất huyết vẫn chuyển nặng nhanh chóng, thậm chí là phải chạy ECMO.
Sốt xuất huyết tăng cao, nhiều bệnh nhân  “suýt tử vong” do chủ quan
Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện cấp cứu. Ảnh: Nguyễn Ly

Tỉ lệ tử vong cao nếu chủ quan khi mắc sốt xuất huyết

Anh Trần Đình Ph (36 tuổi, ngụ ở TPHCM) là một huấn luyện viên thể hình nên có sức khoẻ rất tốt. Sau khi xuất hiện những triệu chứng sốt, anh Đình Ph đi mua thuốc tại hiệu thuốc gần nhà và được bán cho thuốc cảm cúm, sốt về nhà uống nhưng tình trạng sốt không giảm. Ngay lập tức, anh Ph đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ và được các bác sĩ chẩn đoán bị sốt xuất huyết, cho toa thuốc về nhà tự điều trị tiếp tục.

Sau 5 ngày điều trị toa thuốc ngoại trú, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng đi cầu lỏng, sốc nhiệt, mạch nhanh, huyết áp giảm. Đặc biệt, bệnh nhân mắc hội chứng cô đặc máu, suy đa cơ quan, bội nhiễm trùng nên được cấp cứu tại Bệnh viện Quân Y 175.

BS.CKII Vũ Đình Ân - Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân Y 175 cho biết: “Bệnh nhân nhập viện muộn nên tình trạng rối loạn đông máu, suy đa cơ quan và nhiễm trùng vô cùng nghiêm trọng. Đồng thời, bệnh nhân bị tổn thương phổi rất nặng nên chúng tôi tính toán phương án đặt ECMO, lúc này khó khăn lớn nhất nếu chạy ECMO thì việc điều trị rối loạn đông máu vô cùng phức tạp ở gan, thận, máu… Sau khi hội chẩn, các bác sĩ vẫn quyết định vừa chạy ECMO song song với lọc máu. Tiên lượng tỉ lệ tử vong gần như 100%”.

Đối với những bệnh nhân thông thường, việc lọc máu chỉ diễn ra khoảng 3-4 lần có thể ổn định. Nhưng đối với bệnh nhân Đình Ph phải thay máu 14 lần (tổng thể tích huyết tương thay thế là 56 lít), lọc máu 10 lần mới hồi phục chức năng cơ thể.

Qua 47 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân Đình Ph phục hồi thần kỳ, trong sự ngạc nhiên của gia đình và lực lượng y bác sĩ.

Bệnh nhân Trần Đình Ph chia sẻ trong buổi ra viện: “Trước khi nhập viện tôi chuẩn bị hôn mê, cảm thấy bụng chướng lên và khó thở rất nhiều. Trải qua sinh tử, tôi thật sự cảm ơn các bác sĩ và điều dưỡng đã sinh ra tôi lần thứ hai”.

PGS.TS.BS Trương Đình Cẩm - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 - chia sẻ, 47 ngày điều trị cho bệnh nhân Ph là một thách thức cho bệnh viện, có những thời điểm tưởng không giữ được bệnh nhân vì liên tục diễn tiến nặng. Vừa rồi cũng có một số ca tử vong vì sốt xuất huyết nặng như vậy, nên bệnh nhân phục hồi được là một điều vô cùng may mắn và kỳ tích.

Đa dạng dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết chuyển nặng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Quân Y 175 tiếp nhận khoảng hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện. Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện chiếm 70% bệnh nhân là sốt xuất huyết đang điều trị tại đây, trong đó có nhiều ca nặng vì nhập viện muộn.

Trung tá BS.CKI Phan Bá Hiếu - Phó Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân Y 175 - cho biết: "Trong tuần qua Khoa truyền nhiễm luôn trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn nặng, tổn thương đa cơ quan, gan, thận, nhiễm trùng máu… Trung bình mỗi ngày khoảng 15 bệnh nhân nặng. Qua quan sát, tôi nhận thấy năm nay bệnh nhân chủ yếu nhiễm tuýp 1 và tuýp 2 (thuộc thể nặng của sốt xuất huyết)".

Hiện nay, khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân có tâm lý chủ quan nên ở nhà tự uống thuốc và điều trị. Điều này dẫn đến không ít trường hợp bị sốc sốt xuất huyết, điều trị vô cùng khó khăn.

Cũng theo Trung tá BS.CKI Phan Bá Hiếu, đặc trưng của sốt xuất huyết là sốt từ từ, cảm giác bứt rứt và khó chịu, có rất nhiều trường hợp vẫn có thể đi lại được nhưng khi đến bệnh viện đo huyết áp lại bằng 0 (tức không đo được huyết áp). Lúc này khả năng bệnh đã chuyển nặng rất cao.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thị N (43 tuổi, ngụ ở huyện Hóc Môn, TPHCM) là một bệnh nhân may mắn dù nhập viện trong tình trạng nặng và muộn nhưng đã được bác sĩ cấp cứu, điều trị kịp thời nên đang dần ổn định.

Theo chị N chia sẻ, trước đó chị cảm thấy sốt và mệt nhưng nghĩ bị cảm lạnh, 2 ngày sau chị vẫn không đỡ sốt nên đi khám ở phòng khám gần nhà được chẩn đoán sốt xuất huyết và cho thuốc về nhà uống. 3 ngày sau khi đi phòng khám về, chị N vẫn sốt không giảm kèm theo đó là đau bụng, nhức toàn cơ thể, khi nhập Bệnh viện Quân Y 175 cấp cứu thì tiểu cầu đã tụt nhanh chóng. May mắn, bệnh nhân chưa hôn mê và suy đa tạng nên được điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia, khi bệnh nhân có những dấu hiệu đau sườn bên trái, đau bụng dữ dội, huyết áp giảm, kinh nguyệt đến sớm hoặc muộn trong giai đoạn đang sốt, người có bệnh lý nền về tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, sốt trên 3 ngày, chảy máu chân răng… cần nhập viện cấp cứu để được xét nghiệm máu và chẩn đoán kịp thời, tránh tỉ lệ chuyển nặng và tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021), 7 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, đa số nhập viện trong tình trạng muộn dẫn đến tổn thương đa cơ quan.

Theo HCDC, hiện nay TPHCM đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Đồng thời, người dân cũng cần sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

Nguyễn Ly