Hơn 100 ngày chiến tranh ở Ukraine: súng vẫn nổ, máu và nước mắt vẫn chảy
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 20:37, 10/06/2022
Vào ngày thứ 105 cuộc tấn công vào Ukraine của người Nga, giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn ở miền Đông khi các lực lượng Nga tìm cách củng cố quyền kiểm soát khu vực và mở đường tiếp cận trên bộ tới Crimea. Các cuộc tấn công bằng pháo binh và tên lửa tiếp tục trút xuống các thành phố, thị trấn và làng mạc xung quanh.
Tháng 4/2019, diễn viên hài Vlodymyr Zelenskyy đắc cử Tổng thống Ukraine và ông không ngờ cái nghề suốt ngày phải cười và mang lại tiếng cười cho xung quanh của mình được thay bằng những ngày tháng căng thẳng với nước mắt, giận dữ và đau đớn.
Kể từ khi người Nga vào Ukraine, hầu như không có hình ảnh nào của ông trên truyền thông diễn tả một nụ cười hay câu nói đùa như thường thấy. Sân khấu đã thay bằng những cuộc gặp mặt căng thẳng với các nguyên thủ quốc gia và những chuyến thăm tiền đồn, những dãy nhà đổ nát…
Hơn 100 ngày chiến cuộc cuốn mọi người dân Ukraine vào cuộc chiến. Tổng thống Zelensky đã thường xuyên kết thúc các bài phát biểu hàng đêm trong thời chiến của mình bằng cách công bố các giải thưởng nhà nước cho các binh sĩ Ukraine. Nhưng tối Chủ nhật 8/5 vừa qua, ông đã kết thúc việc làm thường nhật ấy bằng vinh danh một chú chó giống Jack Russell có tên Patron. Người lính 4 chân này đã được tặng thưởng huân chương vì có công phát hiện ra hơn 200 quả bom hạng nặng của Nga ở thành phố Chernihiv.
Patron trong tiếng Ukraine nghĩa là “đạn”. Trên trang Facebook của S.E.S. Ukraine, video về công việc của chú chó này thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ. Một tờ báo của Mỹ đã viết: “ở Ukraine, đến cả một chú chó cũng hăng hái tham gia vệ quốc”.
Hơn 100 ngày kể từ khi Nga nổ súng, vẫn chưa có con số cụ thể nào đủ sức thuyết phục về thiệt hại nhân mạng, tài sản lẫn khí tài, quân số của cả hai bên. Nhưng vào lúc này, sự chính xác của con số không còn quan trọng nữa, vì đau thương cứ nhìn bằng mắt là thấy. Thế giới nhìn về Ukraine và định lượng những mất mát đó bằng những tính từ: “tàn khốc”, “tang thương”, chết chóc”, “chìa lìa” hay “tuyệt vọng”, thay cho con số.
Đầu tháng 6/2022, Liên Hiệp Quốc công bố đã có hơn 14 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa vì chiến tranh, phân nửa số đó lang bạt khắp các tỉnh trong nước và hơn 6,9 triệu người đã di tản sang các nước láng giềng. Ba Lan là nước tiếp nhận đông nhất dân Ukraine với hơn 3,6 triệu người.
EU đã cấp cho người Ukraine quyền ở lại và làm việc tại 27 quốc gia thành viên trong thời hạn tối đa 3 năm. Người tị nạn được đưa vào các trung tâm tiếp nhận nếu không tìm được người thân để nương tựa. Tất cả đều được cung cấp thực phẩm và chăm sóc y tế, được hưởng các khoản trợ cấp xã hội và tiếp cận nhà ở, giáo dục.
Nhưng dù có được vỗ về, chăm sóc ở mức nào, vết thương lòng và thể xác của người Ukraine cũng khó liền lại khi phải rời bỏ quê nhà trong hoảng loạn, chia lìa và tương lai bất định. Những tòa nhà đổ nát, xác người vùi dưới bê tông và nghĩa địa mới mọc lên nhan nhản khắp đất nước sẽ là vết thương khó liền da.
Hơn 100 ngày của cuộc chiến, cuộc sống thường nhật đã bắt đầu trở lại ở nhiều nơi, dòng người tị nạn đã lần mò trở về để dựng lại những gì đã đổ nát. Theo công bố của Liên Hợp Quốc, đã có hơn 2,1 triệu người Ukraine đã quay trở về. Cơ quan biên phòng Ukraine thống kê mỗi ngày có khoảng hơn 30.000 người trở về từ bên kia biên giới.
Ở Kyiv, Nga đã rút đi và hàng quán bắt đầu mở lại. Thị trưởng Vitali Klitschko cho biết dân số của thành phố đã trở lại 2/3 mức trước chiến tranh. Các phương tiện giao thông công cộng đang hoạt động, các nhà hát và rạp chiếu phim đang mở cửa và giao thông ở hai bờ sông Dnipro đã được nối lại.
Ngay cả những thành phố chết chóc kinh hoàng như Mariupol, Bucha… sự sống cũng bắt đầu trở lại. Văn phòng đăng ký kết hôn đã có thể đón khách, các quán bar đã sáng đèn và đường dây điện thoại đã được kết nối…
Nhưng vẫn chẳng có gì hứa hẹn về một cuộc thái bình toàn vẹn ở Ukraine trong những ngày tháng gần nhất. Ở nhiều vùng, tiếng súng vẫn nổ và có tin là mỗi ngày Ukraine thiệt quân đến hơn 200 lính.
Người Ukraine vẫn phải sống và chiến đấu.