Sững sờ trước bức thư chiêu mộ nhân tài của Steve Jobs: Không chức danh, không triển vọng nhưng khiến đối phương tiếc nuối cả đời
Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:05, 10/06/2022
11 năm sau khi đồng sáng lập Apple, Steve Jobs bị sa thải một cách tàn nhẫn khỏi công ty do ông thành lập. Ông gần như đã bán tất cả cổ phiếu của mình (11% cổ phần của Apple) mà chỉ giữ một cổ phiếu duy nhất. Theo đánh giá của giới chuyên môn lúc đó, đây không phải là hành động của một người sẽ muốn quay lại công ty vào một ngày nào đó. Dường như ông đã quyết định sẽ từ bỏ Apple mãi mãi.
Vào năm 1985, Jobs đã gom tất cả tham vọng và số tiền 12 triệu USD để thành lập NeXT. Đây là công ty giúp ông tạo ra để chế tạo máy tính cho các trường cao đẳng và nhà nghiên cứu. Nhiều năm sau, một phần lịch sử trong sự nghiệp của biểu tượng công nghệ đã được công bố trước công chúng.
Bức thư "giành" nhân viên từ Apple
Năm 1989, một năm sau khi NeXT phát hành chiếc máy tính đầu tiên, Steve Jobs đã đưa ra một quyết định táo bạo. Khi đó, ông đã gửi lời mời làm việc "cực kỳ tuyệt vời" cho David Nagy, người đang làm giám đốc sản phẩm tại Apple vào thời điểm đó. Jobs đã đề nghị Nagy mức lương 80.000 USD mỗi năm, trả trước hàng tháng, để anh gia nhập NeXT.
Theo Cục Thống kê Lao động, mức lương 80.000 USD mà Jobs đưa ra sẽ trị giá gần 180.000 USD ngày hôm nay.
Theo thư mời mà RR Auction có được, vai trò này không có chức danh cụ thể. Nếu chấp nhận lời mời, David Nagy sẽ nhận khoản tiền thưởng ký hợp đồng trị giá đến 5.000 USD cùng với các quyền chọn mua 5.000 cổ phiếu phổ thông NeXT và bảo hiểm theo kế hoạch chăm sóc sức khỏe nhân viên của công ty.
Cuối bức thư của Jobs là dòng chữ viết tay - "Tôi chấp nhận lời đề nghị tuyệt vời điên rồ này!!!". Tuy nhiên, lời mời của ông chủ NeXT khi đó chưa thể thuyết phục Nagy. Ông đã từ chối cơ hội để ở lại Apple cho đến năm 1993.
Trước khi đưa ta lời đề nghị với Nagy, NeXT đã gặp phải một số vấn đề trên thị trường. Chiếc máy tính trị giá 10.000 USD của họ không thể bán trên thị trường cho đối tượng mong muốn là các nhà giáo dục và nhà khoa học. Jobs muốn nhờ Nagy "phát triển các chiến lược và kế hoạch sản phẩm, quan hệ đối tác bên thứ ba và các chương trình tiếp thị", giống như khi ông ấy đang làm ở Apple.
Sau này, Nagy đã thú nhận dù ông biết NeXT khi đó chỉ là một công ty chưa nhìn rõ tương lai nhưng ông vẫn hối tiếc vì đã từ chối công việc. "Lời đề nghị rất bất thường ở chỗ không có chức danh công việc, phòng ban, hoặc lĩnh vực phụ trách cụ thể", Nagy viết trong thư. "Tôi yêu thích công việc của mình tại Apple và không nghĩ rằng NeXT sẽ thành công, nhưng khi nhìn lại rõ ràng tôi nên nắm lấy cơ hội đó."
Trọng dụng nhân tài: Làm vì đam mê, đừng vì tiền
Từ những ngày Apple mới được hình thành, bản thân Steve Jobs đã quan niệm rằng công ty của mình phải được xây dựng để thành công. Khi đó, Apple đã mời hai nhà quản lí "chuyên nghiệp" về làm việc. Nhưng sau đó Jobs ngay lập tức cho họ nghỉ việc.
Ông bật mí lý do đằng sau là vì "Cách làm việc chẳng mấy hiệu quả. Họ biết cách quản lí nhưng lại chẳng biết làm một cái gì cả". Sau khi sa thải những chuyên gia hàng đầu, Jobs chia sẻ rằng ông tìm kiếm nhân tài bằng một tiêu chuẩn rất khác: Sự đam mê.
Cố CEO của Apple giải thích: "Chúng tôi cần những người thể hiện sự cuồng nhiệt của họ trong những điều họ đã làm, chúng tôi không cần những chuyên gia nửa mùa. Những người vốn dĩ đã có kĩ năng và họ có đam mê lẫn sự hiểu biết về sự phát triển của công nghệ, những điều họ có thể làm được với những công nghệ đó".
Jobs không quan tâm đến những thành tích ấn tượng trong CV, hoặc các ứng viên đã từng làm việc ở đâu. Ông chỉ muốn có được những người chuyên giải quyết các vấn đề với tất cả sự đam mê.
Lúc này Jobs mới giải thích rằng những nhân viên tuyệt vời không nhất thiết phải bị quản lí bởi ai đó. Nếu họ có đủ đam mê, thông minh lẫn động lực, họ hoàn toàn có thể tự quản lí chính mình. Và những gì họ thực sự cần biết đó chính là tầm nhìn của một công ty mà thôi.
Sự quay trở lại của một huyền thoại
Năm 1997, Apple mua NeXT với giá 429 triệu USD. Sự kiện này cũng đánh dấu màn quay trở lại của Steve Jobs tại đế chế Apple. Jobs ban đầu giữ vai trò cố vấn. Tuy nhiên thay vì bán hết số cổ phiếu của mình trong thoả thuận với Apple, Jobs đã tập hợp một đội ngũ quản lý có thẩm quyền với mục tiêu xoay chuyển Apple.
Guy Kawasaki, một nhân viên đã làm việc cho Apple trong suốt những năm 1980 và 90, cho biết làm việc cho Jobs "đôi khi rất khó chịu và luôn đáng sợ".
Kawasaki tiết lộ trong một bài viết trên CNBC Make It rằng: "Trong Bộ phận Macintosh, bạn phải chứng tỏ bản thân hàng ngày, nếu không công việc sẽ loại bỏ bạn. Ông ấy yêu cầu sự xuất sắc và buộc tất cả mọi người phải giữ phong độ đỉnh cao… nhưng điều đó đã thúc đẩy nhiều người trong chúng tôi làm công việc tốt nhất trong sự nghiệp của mình".
Khó ai có thể tưởng tượng được người đàn ông luôn coi mình là thiên tài, người đã tạo ra Macintosh - sản phẩm tiến bộ bậc nhất thời điểm đó của Thung lũng Silicon - lại bị đuổi khỏi Apple. Jobs thậm chí còn phải đối mặt với thực tế rằng cổ phiếu Apple đã tăng gần 7% sau thông báo ông rời công ty.
Nhưng đó không bao giờ là lý do khiến Steve Job tuyệt vọng hay đánh mất niềm tin vào năng lực của bản thân và những tiêu chuẩn về một sản phẩm máy tính đỉnh cao. Ông đã đã dành tất cả tâm huyết và tài năng của mình để tạo nên NeXT. Mục tiêu của ông là tạo ra những sản phẩm có thể bán cho các trường cao đẳng và đại học.
NeXT là một sản phẩm đặc biệt đắt đỏ vì nó chứa đựng toàn bộ những thói quen và đam mê có phần cực đoan của Jobs. Sản phẩm được tung ra thị trường vào giữa năm 1989, muộn khoảng hai năm so với dự kiến với giá lên tới 6.500 USD.
NeXT có một số tính năng tuyệt vời, chẳng hạn như từ điển Oxford và các tác phẩm hoàn chỉnh của Shakespeare; đĩa đọc/ghi quang học có dung lượng, nhưng không có đĩa mềm dự phòng và lại chạy chậm. Dù có nhiều lợi thế về mặt kỹ thuật, sản phẩm này lại thất bại ngay từ khi ra mắt với chỉ 400 chiếc được tiêu thụ mỗi tháng so với doanh số kỳ vọng là 10.000.
Tuy nhiên, NeXT lại có vai trò là bước đệm trong con đường sự nghiệp của Steve Jobs sau khi rời khỏi Apple. Sản phẩm này cũng mang lại cho Jobs những bài học quý giá về việc không nên tạo ra một sản phẩm bất khả thi về mặt thương mại, thử nghiệm hiệu quả của các tính năng trong một sản phẩm máy tính mà ông luôn mong ước, và trên hết, nó đã mở đường cho việc quay trở lại Apple của Jobs.
Việc mua lại NeXT giúp Apple hệ thống lại và phát triển thành công phiên bản hệ điều hành Mac OS X. Cùng với sự dẫn dắt của Steve Jobs, Apple cũng chuyển hướng tập trung hơn vào các sản phẩm liên quan đến các thiết bị di động, âm nhạc và sau này là nhiều lĩnh vực khác.
(Theo Trí Thức Trẻ)