'Sốt đất' hạ nhiệt, nhà đầu tư bỏ cọc tiền tỷ 'tháo chạy'
Kinh doanh - Ngày đăng : 16:32, 10/06/2022
Thị trường hạ nhiệt
Gần đây, thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng sau thời gian dài "nóng sốt" cục bộ ở nhiều địa phương. Nhiều khu vực làng quê có giá đất tăng phi mã khiến nhiều người lao vào kinh doanh bất động sản và làm môi giới, cò đất.
Tháng 11/2021, anh Nguyễn Đức Khánh (Hoàng Mai, Hà Nội) chi hơn 4 tỷ đồng để mua 2 lô đất ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) nhằm đầu tư. Thời điểm mua vào, giá đất tại khu vực này đang tăng cao, nhiều nhà đầu tư ồ ạt kéo về đây để "lướt sóng".
Tuy nhiên, khoảng 2 tháng sau, thị trường bất động sản khu vực này trầm lắng, giá đất tại khu vực này bất ngờ chững lại, thậm chí còn giảm đi một phần so với thời điểm mua vào.
Cũng từ cuối tháng 3 năm nay, anh Khánh "đứng ngồi không yên" vì bán mãi không được, kể cả bán thu hồi vốn cũng khó tìm được khách mua.
"Số tiền hơn 4 tỷ đồng trên tôi vay ngân hàng và người thân. Giờ gồng không nổi lãi suất nữa nên tôi quyết định bán thu hồi vốn, nhưng rao bán mãi cũng chưa thấy người mua", anh Khánh nói.
Tương tự anh Khánh, nhiều nhà đầu tư "tay ngang" tham gia đầu tư bất động sản khi thị trường "nóng sốt" giờ đang đứng ngồi không yên. Khi thị trường hạ nhiệt, họ rất khó thanh khoản được những lô đất đã mua vào, thậm chí chấp nhận bán cắt lỗ cũng khó tìm được người mua.
Ngoài Hà Nội, thị trường đất nông nghiệp, đất đồi, đất ven sông, hồ ở nhiều tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên đã hạ nhiệt thấy rõ. Trên các hội, nhóm, diễn đàn mua bán nhà đất nghỉ dưỡng, đất view đẹp ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... thông tin rao bán đất xuất hiện dày đặc.
Anh Trần Văn Thuần - môi giới nhà đất ở Đắk Nông - cho biết, vài tháng trước, khi mới xuất hiện thông tin có doanh nghiệp lớn sắp đầu tư vào khu vực hồ Tà Đùng (huyện Đắk Glong) để làm dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng thì giá đất khu vực này "nhảy múa" liên tục.
Có nhiều mảnh đất khách vừa đặt cọc đã tăng giá 2-3 lần, người mua chỉ sang tay tiền đặt cọc là có thể lời gấp đôi trong vài tuần. Nhưng đến nay, thị trường lắng dịu thấy rõ, một số người trót ôm đất giá cao đang phải chạy vạy khắp nơi tìm khách hàng bán lại.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá nhà tăng nhưng thanh khoản thấp là tín hiệu cho thấy đã xuất hiện "bong bóng cục bộ".
Đáng chú ý, giá nhà cũng leo thang theo giá đất và lập mặt bằng giá mới ở nhiều nơi, song lượng giao dịch chỉ đạt mức thấp. Để ổn định thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đang đẩy mạnh củng cố hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản.
Trong đó, các địa phương nhanh chóng thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn. Thậm chí, nhiều tỉnh thành ra văn bản dừng các hoạt động phân lô, bán đất nền khiến thị trường bị chững lại.
Mặt khác, giá bất động sản thời gian qua đã bị đẩy lên quá cao ở nhiều địa phương và khi trải qua nhiều cơn "sốt đất" liên tục khiến nhà đầu tư phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định rót vốn.
Bỏ cọc tiền tỷ
Thời điểm thị trường "sốt nóng", hoạt động đấu giá đất ở nhiều địa phương có người tham gia đông khiến việc trúng giá cao. Tuy nhiên, có nhiều cá nhân được công nhận trúng đấu giá quyền sử dụng đất đã không nộp tiền, hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian quy định.
Đơn cử, UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa có quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc tham gia đấu giá tại một số vùng quy hoạch dân cư.
Theo huyện này, việc hủy bỏ kết quả do khách hàng được công nhận kết quả trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền đúng thời hạn theo quy định.
Cụ thể, từ tháng 2 đến nay, huyện Diễn Châu có 73 lô đất với tổng diện tích 13.418 m2 tại các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ có người tham gia trúng đấu giá đất nhưng bỏ cọc với số tiền trên 15 tỷ đồng. Trong số này, có một nhà đầu tư ở Hà Nội trúng 19 lô nhưng chấp nhận bỏ số tiền cọc đã nộp hơn 7 tỷ đồng
Tương tự, UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cũng ra 3 quyết định về việc hủy bỏ quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất tại khối phố Ngọc Tam, phường Điện An do cá nhân trúng đấu giá trước đó. Giá trị 3 thửa đất cá nhân này trúng đấu giá là hơn 16 tỷ đồng. Lý do hủy quyết định trúng đấu giá là do người trúng chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Trước đó không lâu, UBND thị xã Điện Bàn cũng đã ra 11 quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của một cá nhân ở Đà Nẵng đối với 11 lô đất diện tích từ 118 m2 đến 134 m2, ở khu Lô Tháp tại thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng. Lý do là người trúng đấu giá 11 lô đất chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
11 lô đất có giá khởi điểm 5,3 tỷ đồng, người trúng đấu giá trả lên cao gần 13 tỷ đồng, có nhiều lô được trả giá cao gấp hai lần so với giá khởi điểm. Để tham gia đấu giá, cá nhân trên đã nộp tiền cọc 975 triệu đồng.