Cầu 80 tỷ đồng 6 năm chưa xong, dân "liều mình" đi cầu phao cũ nát
Xã hội - Ngày đăng : 16:11, 10/06/2022
Ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vừa chỉ đạo UBND huyện Lạc Thủy khẩn trương đưa dự án đường từ xã Phú Lão (nay là xã Phú Nghĩa) đi xã Liên Hòa (nay là xã Thống Nhất) vào khai thác sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trước đó, cuối năm 2016 UBND huyện Lạc Thủy khởi công xây dựng dự án đường từ xã Phú Lão (nay là xã Phú Nghĩa) đi xã Liên Hòa (nay là xã Thống Nhất). Dự án có tổng chiều dài khoảng 4km, trên tuyến đường xây dựng cầu vượt sông Bôi dài khoảng 180m, kết cấu xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng mức đầu tư là 83 tỷ đồng, thời gian thực hiện 5 năm (2016 - 2020).
Thời điểm dự án được khởi công xây dựng, người dân địa phương rất phấn khởi, vui mừng. Khi dự án cầu và đường bắc qua sông Bôi đưa vào sử dụng, người dân sẽ không còn cảnh phải "gồng mình" đi qua cây cầu phao cũ nát nguy hiểm rình rập.
Tuy nhiên, dự án cầu đường 83 tỷ đồng này thi công chậm như "rùa bò", khiến người dân luôn trong trạng thái mong ngóng, đợi chờ và không hiểu nguyên nhân vì sao.
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường xây dựng cây cầu và đường, cây cầu đã hợp long nối đôi bờ sông Bôi nhưng nhiều hạng mục vẫn đang còn ngổn ngang, dang dở. Trên mặt cầu, lượng lớn sắt thép đang nằm chỏng chơ, bất động, đã bị hoen rỉ do phơi mưa phơi nắng nhiều ngày mà không được che đậy bảo bảo…
Lãnh đạo xã Phú Nghĩa chia sẻ, chính quyền và người dân xã Phú Nghĩa luôn mong mỏi cây cầu bê tông cốt thép, kiên cố bắc qua sông Bôi sớm hoàn thiện để thuận tiện cho việc đi lại của người dân và giao thương buôn bán. Khi mùa lũ về, không còn cảnh lo âu qua sông trên cầu phao cũ nát.
Đại diện UBND huyện Yên Thủy cho hay, đến nay dự án hoàn toàn phù hợp với tiến độ. Cụ thể, năm 2018 trên cơ sở kế hoạch vốn được giao không thể đảm bảo để tiếp tục triển khai dự án, UBND huyện Lạc Thủy đã báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện điều chỉnh, cắt giảm quy mô, giãn hoãn tiến độ đến điểm dừng kỹ thuật.
Đầu năm 2022, dự án đã được bố trí 21,5 tỉ đồng để hoàn thiện các hạng mục còn lại, nhưng đến nay mới thi công được 460m nền đường và cống thoát nước. Còn lại hơn 1km đường dẫn lên cầu vẫn chưa được triển khai, thi công. Dự án đã hoàn thiện được 80%, đơn vị đang yêu cầu các nhà thầu cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành dự án trong năm 2022.
Cách dự án cầu mới này không xa, hàng ngày người dân vẫn phải "liều mình" đi qua cây cầu phao cũ nát đã 30 tuổi. Ông Trần Thanh Bình - người xây dựng cây cầu phao phục vụ nhu cầu đi lại của bà con trong vùng chia sẻ, mỗi ngày có gần 100 lượt người và phương tiện đi qua cây cầu phao này.
Điều ông Bình lo lắng là thời điểm này mùa mưa bão đã cận kề, cầu mới vẫn chưa làm xong, cầu phao cũ thì đã hư hỏng nhiều chỗ nhưng hàng ngày vẫn phải oằn mình chống chọi lại sức nặng của các loại phương tiện.
"Cầu phao hiện nay đã hư hỏng nhiều nơi, vì cầu mới chưa làm xong nên gia đình tôi phải "vá víu" nhiều nơi để đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi qua sông. Chỉ mong sao dự án cầu kiên cố sớm hoàn thành để gia đình tôi giải tỏa cầu phao, hàng ngày không phải thay phiên nhau canh trực ở cầu phao để hàn lại các thanh sắt bị hỏng" - ông Bình nói.
Ông chủ cầu phao cho biết thêm, trên khúc sông này hầu như năm nào cũng có lũ lớn. Vào năm 2017, mấy nhịp cầu phao cũng đã từng bị cuốn trôi xuống tận Yên Bồng. Những lúc cầu phao bị chia cắt, dừng hoạt động khiến người dân không thể qua lại được.
Ông Nguyễn Văn Hoàn người dân sống gần cây cầu tâm sự: "Chúng tôi ở hai bên bờ sông ai cũng mong mỏi cây cầu hoàn thiện để bà con đi lại đỡ vất vả, đặc biệt là trong mùa mưa lũ được an toàn hơn. Giờ hàng ngày mỗi lần đi qua cầu phao là người lại run lên bần bật, nguy hiểm vô cùng.