Đối thoại Shangri-La: Lần đầu tiên sau 8 năm, một Thủ tướng Nhật Bản tham dự, trọng tâm chính sẽ là gì?

Đối ngoại - Ngày đăng : 13:46, 10/06/2022

Ngày 10/6, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo đã lên đường đến Singapore tham dự Đối thoại Shangri-la diễn ra từ ngày 10-12/6.
Đối thoại Shangri-La: Lần đầu tiên sau 8 năm, một Thủ tướng Nhật Bản tham dự, trọng tâm chính sẽ là gì? (nguồn: Reuters)
Các nhà phân tích dự đoán, Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ tận dụng Đối thoại Shangri-La để gửi thông điệp tới Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Đây là lần đầu tiên sau 8 năm, một Thủ tướng Nhật Bản tham dự đối thoại này, kể từ lần tham dự của ông Abe Shinzo vào năm 2014.

Dự kiến Thủ tướng Kishida sẽ có bài phát biểu quan trọng vào ngày 11/6, trong đó đề cập nỗ lực của Nhật Bản nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như các chính sách ngoại giao, an ninh của quốc gia này hiện nay.

Nhân chuyến công du tới Singapore, Thủ tướng Kishida cũng sẽ hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Lý Hiển Long. Trước đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng tham dự Hội nghị Tương lai châu Á được tổ chức tại thủ đô Tokyo vào cuối tháng 5 vừa qua.

Các nhà phân tích cho rằng, Thủ tướng Nhật Bản Kishida sẽ tận dụng bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La nhằm gửi đi lời cảnh báo tới Trung Quốc về sự nguy hiểm của việc sử dụng vũ lực để đạt được các mục đích.

Giáo sư Masato Kamikubo từ Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) cho biết, ông Kishida sẽ tìm cách gửi đi thông điệp giống với những gì ông đã nói tại cuộc họp của nhóm Bộ tứ (Quad) hồi tháng trước, rằng việc đơn phương "thay đổi hiện trạng bằng vũ lực" là không thể chấp nhận được ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo các nhà phân tích, Tokyo coi Đối thoại Shangri-La và Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Tây Ban Nha vào cuối tháng này là cơ hội để thúc đẩy phương Tây tham gia nhiều hơn trong các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phó Giáo sư Ra Mason từ Đại học East Anglia ở Anh cho rằng, trọng tâm chính của Thủ tướng Kishida là "duy trì một hệ thống dựa trên luật lệ", trong bối cảnh Tokyo đang tìm cách khẳng định mình là một bên chính trong vấn đề an ninh khu vực.

Bên lề sự kiện lần này, dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi sẽ có cuộc gặp trực tiếp với những người đồng cấp phía Trung Quốc, Singapore và tham dự các cuộc gặp ba bên Nhật-Mỹ-Hàn, Nhật-Mỹ-Australia. Cuộc gặp trực tiếp dự kiến với người đồng cấp Hàn Quốc có thể sẽ bị hoãn lại do không đủ thời gian.

Nếu cuộc gặp giữa ông Nobuo Kishi với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa diễn ra theo kế hoạch thì đây sẽ là lần đầu tiên lãnh đạo Quốc phòng hai nước Nhật-Trung gặp trực tiếp kể từ tháng 12/2019.

Bảo Hà