Apple phụ thuộc vào Thượng Hải ra sao?
Cuộc sống số - Ngày đăng : 13:44, 10/06/2022
Đây là nhận định trong báo cáo mới của các chuyên gia đến từ hãng tài chính Credit Suisse. Thượng Hải, thành phố tập trung các hoạt động sản xuất cao cấp, bắt đầu mở cửa trở lại từ ngày 1/6 sau hai tháng phong tỏa để kiểm soát Covid-19. Các thành phố lân cận cũng tạm ngừng kinh doanh để kiềm chế sự lây lan của virus.
Nhà phân tích Edmond Huang nhận xét, sản xuất phần cứng nói chung sẽ dần phục hồi về trạng thái bình thường vào tháng 6/7, triển vọng đối với chuỗi cung ứng của Apple tươi sáng hơn Android. Đánh giá riêng của Credit Suisse cho thấy lịch trình phát triển iPhone 14 vẫn như cũ, song khối lượng ban đầu sẽ nhỏ hơn, có thể vì thiếu hụt một số nguồn cung linh kiện hay chip.
Trung Quốc đại lục, bao gồm Hong Kong, chiếm khoảng 19% doanh số của Apple.
Hồi cuối tháng 4, Apple cho biết, gần như tất cả nhà máy lắp ráp tại Thượng Hải đã khôi phục hoạt động, song phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến doanh số trong quý hiện tại từ 4 đến 8 tỷ USD. Công ty cũng nhắc tới một yếu tố khác là khủng hoảng chip.
Tuần trước, đối tác Foxconn của Apple chia sẻ ảnh hưởng từ các biện pháp phòng chống Covid-19 của Trung Quốc không tệ như dự báo. Triển vọng cả năm của Foxconn tốt hơn so với dự tính vào đầu năm.
Theo Foxconn, hoạt động của họ diễn ra bình thường tại các địa bàn sản xuất quan trọng ở Trung Quốc, nơi công ty có hơn 30 nhà xưởng. Tuy nhiên, do tình hình Covid-19 còn phức tạp, hãng lên kế hoạch cải thiện khả năng vận hành trong bong bóng khép kín.
Nhà chức trách Trung Quốc cho phép các nhà sản xuất hoạt động trong khu vực bị phong tỏa do Covid-19, nếu nhà máy giữ nhân viên ở lại. Dù vậy, các doanh nghiệp cho hay, hạn chế đi lại khiến cho xe tải không thể vận chuyển linh kiện từ nhà máy đến khách hàng.
Các nhà phân tích của Bank of America tin rằng chuỗi cung ứng của Apple có tính linh hoạt cao hơn so với Android do Foxconn, đối tác chính, phân bổ công suất đa dạng hơn. Chỉ 5% công suất của Foxconn nằm ở Thượng Hải, 10% đến 20% nằm tại Khu vực Vịnh lớn (Greater Bay Area) xung quanh Hong Kong và Thâm Quyến, ngoài ra còn hai khu vực khác thuộc Trung Quốc và nước ngoài.
Ngược lại, 80% năng lực sản xuất Android đặt tại Vịnh lớn và phía Đông Trung Quốc, đặc biệt là Thượng Hải và Tô Châu. Nhiều thương hiệu smartphone lớn của Trung Quốc sử dụng hệ điều hành Android do Google phát triển.
Các chuyên gia của Bank of America và Credit Suisse có chung quan điểm rằng, vấn đề lớn hơn đối với các nhà cung ứng Android là sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và nhu cầu smartphone trong nước sụt giảm. Lượng smartphone xuất xưởng tại Trung Quốc giảm 18% so với một năm trước, cao hơn mức giảm 11% của toàn cầu, theo Canalys.
Nếu Apple vẫn tăng trưởng 17% trong quý, các đối thủ như Oppo và Vivo lại ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng, tương ứng 44% và 34%.
Du Lam (Theo CNBC)