Những điểm nhấn tại Đối thoại Shangri-La 2022

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:05, 10/06/2022

Chia sẻ với , chuyên gia Ian Johnson nhận định, Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ là cơ hội tốt để các nước nối lại các cuộc trao đổi nhằm góp phần giải quyết những bất đồng đang tồn đọng.

NHỮNG ĐIỂM NHẤN TẠI ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA 2022

Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia Ian Johnson nhận định, Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ là cơ hội tốt để các nước nối lại các cuộc trao đổi nhằm góp phần giải quyết những bất đồng đang tồn đọng.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại Anh, đơn vị tổ chức, cho biết Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ ngày 10-12/6 tại Singapore, sau 2 năm không thể diễn ra vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

IISS cũng thông báo rằng Đối thoại lần này sẽ được tổ chức với quy mô lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực

"Tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La có thể được ví như là một Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong lĩnh vực an ninh quốc phòng", tiến sĩ William Choong, chuyên gia cao cấp của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, nói với Dân trí.

Đối thoại Shangri-La thường được tổ chức tại khách sạn 5 sao Shangri-La ở Singapore. Đây là diễn đàn an ninh - quốc phòng uy tín và là dịp hội ngộ của những nhân vật tầm cỡ như nguyên thủ quốc gia, quan chức cao cấp, doanh nhân, học giả cùng giới truyền thông nhằm thảo luận các về an ninh và chính trị tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Những điểm nhấn tại Đối thoại Shangri-La 2022 - 1
Khách sạn 5 sao Shangri-La ở Singapore, nơi các cuộc Đối thoại Shangri-La được tổ chức (Ảnh: Nikkei).

"Đối thoại Shangri-La là nơi cung cấp một diễn đàn nhỏ và gắn kết để các đại biểu phát biểu ý kiến cũng như trao đổi suy nghĩ về các vấn đề an ninh và quốc phòng trong khu vực. Đây cũng sẽ là cơ hội cho các cuộc gặp gỡ song phương và đa phương giữa các nguyên thủ và quan chức nhằm thắt chặt quan hệ đối tác, đàm phán cơ hội hợp tác hoặc giải quyết những bất đồng còn đang tồn đọng", tiến sĩ William Choong giải thích.

Đối thoại Shangri-La thường niên được đăng cai tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một tổ chức nghiên cứu chính sách và chiến lược lớn có trụ sở tại thủ đô London, Vương quốc Anh. Được thành lập từ năm 1958, trải qua 64 năm hình thành và phát triển, IISS đã trở thành một trong những tổ chức nghiên cứu chính sách độc lập uy tín nhất thế giới. Ngoài trụ sở chính ở London, IISS hiện có các văn phòng khu vực đặt tại Washington D.C (Mỹ), Singapore, Manama (Bahrain), và Berlin (Đức).

Các hoạt động được chờ đợi

"Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ có tính chất đặc biệt quan trọng vì sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo đối thoại, thay vì việc chỉ đưa ra những động thái mang tính biểu tượng", chuyên gia Ian Johnson từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Dân trí.

Đồng quan điểm với ông Johnson, tiến sĩ Choong cho biết giới phân tích đang đặc biệt kỳ vọng về việc cộng đồng quốc tế có thể tìm kiếm được giải pháp cho một số vấn đề quốc tế nổi bật, như căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những điểm nhấn tại Đối thoại Shangri-La 2022 - 2
Một phiên thảo luận trong Đối thoại Shangri-La 2019 (Ảnh: AFP).

Theo chương trình được IISS công bố, Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 sẽ được tổ chức với số phiên họp toàn thể nhiều nhất từ trước đến nay.

Trong 7 phiên họp chính thức, các đại biểu sẽ nghe báo cáo và thảo luận về các chủ đề bao gồm: Các bước triển khai tiếp theo của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ; Quản lý cạnh tranh địa chính trị trong một khu vực đa cực, Phát triển các phương thức hợp tác an ninh mới; Hiện đại hóa quân đội và tăng cường năng lực quốc phòng; Tầm nhìn của Trung Quốc về trật tự khu vực; Các thách thức chung đối với an ninh quốc phòng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu; và Các ý tưởng mới nhằm đảm bảo tình hình ổn định trong khu vực.

Ngoài các phiên thảo luận chính thức kể trên, 3 phiên thảo luận song song đặc biệt cũng sẽ được tổ chức với các chủ đề: "An ninh khí hậu và quốc phòng xanh"; "Myanmar: tìm giải pháp cho hướng đi phía trước"; và "An ninh hàng hải: từ bộ quy tắc ứng xử đến phương thức liên lạc trong khủng hoảng".

Bên cạnh đó, 2 hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng cũng đã được lên kế hoạch theo chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La 2022.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản

Theo các thông báo chính thức từ IISS, Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ nhận được sự tham dự của các nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của nhiều nước trên thế giới.

Những điểm nhấn tại Đối thoại Shangri-La 2022 - 3
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (Ảnh: Reuters).

Giới phân tích đang chờ đợi sự xuất hiện của 3 nhân vật: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (người sẽ là diễn giả chính của Đối thoại năm nay), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Thượng tướng Ngụy Phương Hòa.

Với Thủ tướng Fumio Kishida, đây sẽ là lần đầu tiên ông tham dự Đối thoại Shangri-La trên cương vị người đứng đầu chính phủ Nhật Bản. Với tư cách là diễn giả chính, bài phát biểu của ông Kishida sẽ rất được chờ đợi vì nó sẽ khái quát chính sách của chính phủ Nhật Bản với các vấn đề an ninh khu vực trong nhiệm kỳ tới.

Trả lời phỏng vấn của Dân trí, tiến sĩ William Choong nhận định "bài phát biểu của Thủ tướng Kishida sẽ được xây dựng dựa trên các quan điểm mà người tiền nhiệm Abe Shinzo đã đưa ra vào năm 2014".

"Ba nguyên tắc về thượng tôn pháp luật trên biển, bao gồm: đưa ra cáo buộc dựa trên luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình nhiều khả năng sẽ được Thủ tướng Kishida nhấn mạnh. Thêm vào đó, Thủ tướng Nhật sẽ nhắc tới vai trò của Nhật Bản trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông nói thêm.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Choong, Thủ tướng Kishida cũng có thể đề cập tới quan hệ của Nhật Bản với ASEAN cũng như những đóng góp của nước này vào việc thúc đẩy kinh tế khu vực thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ khởi xướng. Cuối cùng, Thủ tướng Nhật có thể sẽ nhắc đến tầm nhìn trong việc đảm bảo an ninh khu vực của Nhóm Bộ Tứ mà Tokyo đang là một thành viên.

Khả năng gặp mặt trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung

Ngoài các hoạt động chính thức, dự kiến còn có các cuộc gặp bên lề được chờ đợi, như khả năng cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phương Hòa.

Nếu diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Austin nhậm chức.

Trước đó, cả hai bên cũng không có nhiều liên lạc trong bối cảnh quan hệ song phương diễn biến căng thẳng.

Những điểm nhấn tại Đối thoại Shangri-La 2022 - 4
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin (Ảnh: AP).

Viện IISS hôm 31/5 thông báo, Thượng tướng Ngụy Phương Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, sẽ tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Shangri-La lần thứ 19. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Tướng Ngụy Phương Hòa tham dự Đối thoại Shangri-La. Điều này khẳng định sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các diễn đàn an ninh khu vực.

Dựa trên lịch trình của IISS, Bộ trưởng Lloyd Austin sẽ phát biểu tại Đối thoại Shangri-La vào ngày 11/6, một ngày trước bài phát biểu của ông Ngụy Phương Hòa.

Khả năng về một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phương Hòa đã liên tục được giới truyền thông nhắc đến trong những ngày gần đây. Tuy chưa được chính thức xác nhận bởi cả 2 phía, kế hoạch cuộc gặp này vẫn nhận được nhiều sự chú ý của phía các chuyên gia.

Theo tiến sĩ William Choong, bất kể nội dung cuộc đối thoại này có là gì, việc hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đồng ý gặp mặt trực tiếp đã có thể được coi "là một chiến thắng cho cả hai bên". "Cuộc gặp này, nếu xảy ra, sẽ là một sự khởi đầu được chờ đợi", tiến sĩ Choong nói.

Mỹ tiếp tục khẳng định cam kết với khu vực

Những điểm nhấn tại Đối thoại Shangri-La 2022 - 5

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Sau những hoạt động tích cực gần đây nhằm gia tăng vị thế của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ vừa qua tại thủ đô Washington D.C, Đối thoại Shangri-La lần này tiếp tục là cơ hội để Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden với các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Trả lời câu hỏi về dự đoán những hoạt động chính của ông Austin tại Singapore, chuyên gia Gregory Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, tình hình Đài Loan cùng các hoạt động cạnh tranh quân sự với Trung Quốc sẽ là những nội dung chính mà Bộ trưởng Austin muốn đề cập nhằm gia tăng lòng tin của các đối tác và đồng minh đối với cam kết trách nhiệm và năng lực quân sự của Mỹ trong khu vực.

Ngoài ra, ông Poling cho rằng Bộ trưởng Austin sẽ tận dụng diễn đàn này để nêu bật với các quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương về sự tôn trọng của Mỹ đối với hòa bình, ổn định và sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia này.

Trong bài phát biểu của ông, Bộ trưởng Austin dự kiến cũng sẽ làm rõ về các sáng kiến trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và coi đây là một cơ hội hợp tác hoàn toàn mới trong tương lai giữa Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Biden từ trước đến nay luôn khẳng định Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ mang lại lợi ích lâu dài và to lớn cho tất cả các bên tham gia.

Đồng quan điểm với ông Poling, chuyên gia Ian Johnson bổ sung thêm rằng: "Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ là cơ hội cho Mỹ đề xuất các sáng kiến mới nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là sau một thời gian mối quan hệ này bị lơ do ảnh hưởng của chính sách đối ngoại của vị Tổng thống tiền nhiệm".

Vị thế ngày càng được khẳng định của Đông Nam Á

Theo tiến sĩ William Choong, Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ là diễn đàn nơi các quốc gia thành viên của ASEAN thể hiện vai trò trong việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự và thịnh vượng không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.

Những sáng kiến và nỗ lực của ASEAN trong việc bảo đảm an ninh khu vực từ trước đến nay cũng đã luôn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Thêm vào đó, với một nền kinh tế phát triển nhanh chóng, việc hợp tác chặt chẽ với ASEAN đang trở thành một nhu cầu thiết yếu với nhiều quốc gia trên thế giới.

"Là một khu vực quan trọng với dân số gần 700 triệu người, ASEAN hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới. Chính vì vậy, các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ nỗ lực khẳng định cam kết và những lợi ích lâu dài mà họ có thể mang đến cho khu vực nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác với các thành viên ASEAN", ông Choong nói.

Tùng Nguyễn

10/06/2022