Những nơi trú ngụ của muỗi gây sốt xuất huyết mà người dân ít chú ý
Tin Y tế - Ngày đăng : 10:31, 10/06/2022
Có thể bùng phát dịch lớn
Theo số liệu thống kê tới ngày 8.6, HCDC công bố, trong 5 tháng đầu năm 2022, TPHCM này ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca. Trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).
Nhận định tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn đang có chiều hướng phức tạp, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC cho hay, hiện nay, sốt xuất huyết đang gia tăng, không chỉ ở TPHCM mà còn tại các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Số ca sốt xuất huyết đang có chiều hướng tăng theo mỗi tuần.
“Ngành Y tế dự báo, từ nay đến cuối năm, chúng ta có thể xảy ra dịch sốt xuất huyết. Thậm chí, có thể xảy ra dịch lớn nếu chúng ta không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh”, lãnh đạo HCDC cảnh báo.
Bà Nga nói, cho đến hiện tại thì những nguy cơ để bùng phát sốt xuất huyết đã hiện hữu. Cụ thể số ca mắc, số ca nặng và số ca tử vong cao hơn cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, thực tế kiểm tra, người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, các địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng, trong đó có cả trường học.
Nơi trú ngụ của muỗi truyền bệnh
Cũng theo bà Nga, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị và cũng chưa có vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, cách phòng ngừa khá đơn giản, chỉ cần mọi người ý thức diệt được muỗi vằn là trung gian truyền bệnh.
Theo đó, các vật chứa nước trong nhà dân phải thường xuyên được kiểm tra. Người dân phải dành ra mỗi tuần ít nhất từ 20 đến 30 phút để dọn dẹp tất cả các vật chứa nước.
Bà Nga cho hay một số người dân thắc mắc sao nhà không có lu chứa nước, thùng rác luôn được dọn dẹp thườnh xuyên... nhưng sao vẫn bị sốt xuất huyết, vậy nguồn lây bệnh ở đâu. Lí giải rõ ràng, bà Nga cho biết đôi khi có một số vật dụng rất rõ mà người dân không để ý có thể là nơi sinh sản của muỗi, ví dụ như bình hoa, khu đọng nước ở cây cảnh.
Ổ sinh sản của muỗi lây bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở khắp nơi. Muỗi có thể bay và truyền bệnh trong phạm vi 50m xung quanh ổ sinh sản, nên cũng có thể bay từ nhà này sang nhà kia. Đây cũng là loài côn trùng hoạt động vào ban ngày, do đó có thể lây bệnh ở bất cứ nơi đâu.
Vì vậy, HCDC khuyến cáo, tất cả những nơi có sinh hoạt của con người đều phải thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Bên cạnh diệt lăng quăng, loại trừ các ổ sinh sản của muỗi, người dân cần áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như thoa kem chống muỗi, sử dụng nhang, bình xịt xua muỗi.