Phóng 33 tên lửa từ đầu năm, Triều Tiên đã tốn bao nhiêu tiền?
Đối ngoại - Ngày đăng : 21:17, 09/06/2022
Triều Tiên đã chi khoảng 650 triệu USD để thực hiện phóng 33 tên lửa trong năm nay, giữa lúc quốc gia này đang phải chiến đấu chống lại sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, cùng tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng sau hơn 2 năm đóng cửa các đường biên giới để phòng chống dịch bệnh.
Bloomberg dẫn dữ liệu của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc cho hay chính quyền Bình Nhưỡng đã chi khoảng 400 – 650 triệu USD để sản xuất và thử nghiệm 33 tên lửa được phóng kể từ đầu năm nay.
Mỗi vụ phóng ICBM có thể khiến Triều Tiên tiêu tốn 30 triệu USD. (Ảnh: KCNA) |
Trong đó, chi phí cho mỗi vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tiêu tốn 30 triệu USD. Khoản tiền chi cho hoạt động thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn là 5 triệu USD/tên lửa. Con số này chỉ bằng 1/2 so với chi phí mà Nga bỏ ra để thử nghiệm tên lửa cùng loại.
Ông Shin Won-sik, cựu tướng quân đội Hàn Quốc, nhận định chi phí dành cho chương trình thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên cho thấy những ưu tiên sai hướng của Chủ tịch Kim Jong-un, trong khi Triều Tiên đang nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới.
Gần nhất hôm 5/6, Triều Tiên đã cho phóng cùng lúc 8 tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đây là con số kỷ lục tên lửa được Bình Nhưỡng phóng thử trong một ngày dưới thời lãnh đạo của ông Kim.
Trong hàng thập niên qua, các chương trình tuyên truyền của Triều Tiên đều nhấn mạnh chi tiêu mạnh tay cho lĩnh vực quân sự là điều cần thiết để ngăn chặn cuộc tấn công từ Mỹ, cũng như bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của người dân Triều Tiên.
Về phần mình, Mỹ cảnh báo sẽ có biện pháp trừng phạt cứng rắn, nếu Triều Tiên cho tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 7. Theo Washington, khả năng Bình Nhưỡng sẽ cho thử hạt nhân trong những ngày sắp tới. Đây có thể là vụ thử hạt nhân đầu tiên được Triều Tiên thực hiện trong hơn 5 năm qua.
Các chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể sử dụng cuộc thử nghiệm để chứng minh tuyên bố quốc gia này có khả năng phát triển bom hạt nhân cỡ nhỏ để tích hợp trên ICBM, hoặc trang bị trên các tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn tầm ngắn nhằm tăng khả năng đe dọa đối với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giới chức Mỹ cũng nhiều lần nhắc lại quan điểm lâu dài của Washington là không có ý định thù địch chống lại Bình Nhưỡng.
Đáng nói, hôm 8/6, truyền thông Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã triệu tập cuộc họp toàn thể Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Song nội dung họp lại không được công bố.
Do bị cộng đồng quốc tế áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt, nền kinh tế Triều Tiên hiện có quy mô nhỏ hơn so với thời ông Kim mới lên nhậm chức cách đây 10 năm, theo đánh giá của Ngân hàng Hàn Quốc.
Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (LHQ), đơn vị đã hoạt động nhiều năm ở Triều Tiên, cho biết khoảng 40% dân số nước này hiện bị thiếu ăn, trong khi tình trạng “mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng đang lan rộng”.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện cách đây hơn 2 năm, chính quyền của ông Kim vẫn từ chối nhận sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và tài trợ vắc xin Covid-19.
Theo báo cáo gần đây của LHQ, Triều Tiên và Eritrea là 2 quốc gia duy nhất trên thế giới không triển khai chương trình tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Minh Thu (lược dịch)