Làm lớn chuyện khi con bị 'bạo lực học đường' có thể gây tác dụng ngược
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 18:40, 09/06/2022
Không phát tán hình ảnh con lên mạng xã hội
Mới đây, vụ việc ẩu đả tại một trường quốc tế tại TP.HCM đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi bà T.H.T. sử dụng tài khoản Facebook để livestream tỏ thái độ bức xúc khi con gái của chị bị đánh, thu hút hàng chục ngàn chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa – chuyên gia Tâm lý – Trị liệu – Viện tâm lý Sunycare , khi xử lý những mâu thuẫn liên quan đến con trẻ, phụ huynh thường đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Tuy nhiên, cha mẹ cần bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc tính toán phương hướng giải quyết để tránh tổn thương đến nhóm trẻ.
Điều quan trọng là không đưa hình ảnh con cái lên các trang mạng xã hội, không dùng bạo lực giải quyết vấn đề, không làm ầm ĩ vì chúng có hại cho các em nhiều hơn. Rất nhiều đoàn thể trong nhà trường có tiếng nói như hội phụ huynh của lớp, của trường để cùng bàn bạc giải quyết ổn thỏa.
Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con mình bị bạo lực học đường, lại có thái độ nóng nảy quyết làm lớn mọi chuyện, thậm chí đưa hình ảnh con mình lên các trang mạng xã hội… Điều này là không nên vì vô tình khiến nhóm trẻ tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ.
Cha mẹ chính là tấm gương của con cái. Khi con thấy cha mẹ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hay làm ầm ĩ, lớn tiếng khiến đối phương im lặng, trẻ sẽ nghĩ rằng cách giải quyết này thích hợp, chúng sẽ bắt chước.
Việc đưa hình ảnh con mình lên các trang mạng xã hội sẽ khiến cả đôi bên nhóm trẻ bị tổn thương. Sau khi vụ việc được quyết xong, có thể trẻ sẽ bị cô lập trên lớp, bạn bè xa lánh, trẻ sẽ cảm thấy tự ti. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ bị trầm cảm thậm chí dẫn đến những hành vi tiêu cực.
Với sự lan truyền mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, thông tin nhân thân của trẻ lan truyền nhanh chóng cũng khiến các em khó hòa nhập, khó tránh khỏi xì xào xung quanh nếu sau đó thay đổi môi trường học. Tất cả những hành động đưa hình ảnh trẻ lên các trang mạng xã hội có thể là nguồn cơn gây ra trầm cảm.
Dạy trẻ kỹ năng xử lý mâu thuẫn
Theo chuyên gia tâm lý Minh Hoa, bạo lực học đường có rất nhiều hình thức khác nhau, trong những năm gần đây mâu thuẫn giữa trẻ đang ngày càng có xu hướng đa dạng về hành vi như: đe dọa qua tin nhắn, nói xấu, quát, mắng, sử dụng bạo lực, gây áp lực nhóm, cô lập…
Áp lực cuộc sống khiến các bậc phụ huynh ít có thời gian cho con cái, dẫn đến xa cách với trẻ, hai bên khó thấu hiểu và chia sẻ với nhau.
Điều quan trọng là cha mẹ nên biết con cái mình chơi với ai, để có thể hỏi thăm trẻ qua chính những người bạn đó. Khi trẻ xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ có thể quan sát những biểu hiện của chúng, như: buồn, mệt mỏi, khó chịu, trẻ sợ đến trường, kết quả học tập bị ảnh hưởng , không muốn gặp ai, ăn ngủ bị ảnh hưởng… phụ huynh cần quan tâm, trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử lý phù hợp.
Hiện nay, tại một số các trường học việc dạy trẻ những kĩ năng ứng xử trước mâu thuẫn học đường chưa được quan tâm đúng mực. Để đạt được hiệu quả cao trong việc dạy trẻ ứng xử đòi hỏi nhân viên phòng tham vấn tâm lý học đường phải có sự dấn thân, có sự chia sẻ đồng hành với học sinh.
Có thể nói trẻ có xu hướng bạo lực học đường do nhiều nguyên nhân khác nhau như do phim ảnh, ảnh hưởng từ nền giáo dục gia đình, thậm chí nhìn hàng xóm sử dụng bạo lực…sẽ ảnh hưởng tới hành vi của trẻ sau này. Cha mẹ cần bình tĩnh xử lý vấn đề, trau dồi những kĩ năng để con ứng phó và thương lượng khi xảy ra mâu thuẫn với bạn học.
Các thầy cô ngoài việc lắng nghe, chia sẻ với các em không nên xúc phạm học sinh. Nhà trường khi phát hiện có sự việc mâu thuẫn giữa những nhóm trẻ cần phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, phối hợp với phụ huynh để họ quản lý và trấn an trẻ. Trường hợp không thể thương lượng có thể nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng. Tổ chức thêm nhiều các hoạt động ngoại khóa, giảm tải bớt áp lực cho học sinh, khi đã xảy ra mâu thuẫn nhà trường không nên đuổi học các em, hãy mở cho các em một con đường.