U23 Việt Nam: Dũng khí mới!

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 13:00, 09/06/2022

Theo Nhà báo Phan Đăng, điều làm nên thành công của U23 Việt Nam dưới thời HLV Gong Oh Kyun chính là dũng khí và kỹ năng làm mới, để lại phía sau những thứ đã trở nên cũ kỹ, lạc hậu.

U23 Việt Nam lần thứ 2 trong lịch sử vượt qua vòng bảng tại giải đấu châu lục. Điều làm nên thành công của những chiến binh sao vàng đến từ sự dũng cảm làm mới mình, thay vì tiếp tục với lối tư duy, cách chơi an toàn như thời HLV Park Hang Seo suốt hơn 4 năm qua.

Chúng tôi xin được trích nguyên văn quan điểm của Nhà báo Phan Đăng về những thay đổi rất tích cực mà HLV Gong Oh Kyun và các học trò thể hiện tại VCK U23 châu Á 2022.

HLV Park và triết lý "không thua trước mới nghĩ tới bàn thắng"

"Trước khi thầy Park tiếp quản các đội tuyển Quốc gia Việt Nam, chúng ta thường xuyên chơi với sơ đồ 4 hậu vệ, và thường xuyên vận hành với triết lý 4-4-2 hoặc 4-2-3-1.

Điển hình nhất là trận đấu cuối tại vòng bảng SEA Games năm 2017 với Thái Lan, khi đó chỉ cần hoà là đi tiếp, và U23 Việt Nam đã đá phòng ngự bằng sơ đồ 4-4-2. Kết quả, chúng ta thua nặng.

Nhiều nhà chuyên môn lập tức phân tích: 4-4-2 là sơ đồ tấn công, chứ không phải sơ đồ phòng thủ. Sử dụng sơ đồ ấy để đá thủ, nhịp thủ không loạn, cự ly không hỏng mới lạ.

hlv-park-hang-seo.png
HLV Park Hang Seo mang tới những thay đổi về lối choi cho tuyển Việt Nam

Thầy Park đến, sơ đồ 4 hậu vệ được chuyển qua 5 hậu vệ, với 2 người bám biên và 3 người trung lộ. Lập tức, các đội tuyển Việt Nam, từ U23 đến ĐTQG được làm mới với hệ thống 3-4-3 và các biến thể của nó như 3-5-2 hoặc 5-3-2.

Sự làm mới với tư tưởng “nhất định không thua trước khi nghĩ tới chuyện giành chiến thắng” đã mang đến sức sống đặc biệt. Những hiệu quả mà sức sống mới mẻ ấy mang lại suốt 5 năm qua là điều khỏi phải nhắc lại.

Nhưng thầy Park hiểu đã đến lúc phải làm mới, vì một thứ triết lý kéo dài suốt 5 năm đã bị các đối thủ Đông Nam Á bắt bài. Trận hoà Indonesia 0-0 ở vòng bảng AFF Cup đầu năm nay (cấp độ ĐTQG) , và trận hoà U23 Philippines ở vòng bảng SEA Games 31 cách đây ít lâu (cấp độ U23) là hai dẫn chứng điển hình. Toán đố cho thầy Park: Làm mới cách nào đây?

Thầy trẻ và năng lực đào tạo trẻ

Và đây là điều thầy Park đã làm: giới thiệu cho VFF thầy Gong, một ông thầy mới toanh, chỉ chuyên làm trợ lý HLV ở các đội tuyển trẻ, từ trẻ Hàn Quốc tới trẻ Indonesia, chứ chưa trực tiếp cầm quân đánh trận bao giờ.

Nhưng ngược lại, thầy Park biết rõ: là một người trẻ (ít nhất là trẻ hơn mình), thầy Gong có tư duy huấn luyện hiện đại, và có đủ năng lực để đưa ra những thử nghiệm mới. Cấp độ thử nghiệm cũng được xác định rất rõ: Cấp độ trẻ, U23. Tìm một thầy mới, thử nghiệm ở một cấp độ trẻ, đấy là một quyết định không thể chính xác hơn.

HLV Gong Oh Kyun với phong cách cầm quân mới

Thực tế những gì thầy Gong đã làm ở vòng bảng giải vô địch U23 châu Á vừa qua cho thấy: sơ đồ 3 trung vệ được thay bằng 2 trung vệ, và cái hệ thống 5-3-2 thường thấy được xoay qua 4-3-3 và những biến thế của nó như 4-1-4-1.

Thầy Gong cũng mạnh dạn sử dụng hàng loạt những cầu thủ “ẩn danh”, mạnh dạn xoay tua đội hình (trận cuối với U23 Malaysia đã thay toàn bộ hàng tiền vệ so với trận trước), mạnh dạn xua quân lên pressing vào những thời điểm thích hợp.

Trong những buổi tập, thầy Gong bật “nhạc sàn” để kích thích cảm hứng tập luyện của các tuyển thủ. Trước khi bước vào giải đấu, đặc biệt trước khi gặp “ông kẹ” Hàn Quốc, thầy Gong nhắn nhủ các tuyển thủ hãy cứ tự tin thử thách bản thân mình. Một đội tuyển U23 tự tin chơi bóng, tự tin thể hiện bản thân, tự tin hướng tới những kết quả tốt đẹp đã trình làng.

Từ Thầy Park tới thầy Gong

Từ thầy Park đến thầy Gong, do vậy là một hành trình làm mới liên tục. Thầy Park làm mới đội tuyển ở thời điểm mình xuất phát. Thầy Gong tiếp tục làm mới U23 ở thời điểm mình xuất hiện.

Và có vẻ giữa họ có một sợi dây liên lạc về câu chuyện “làm mới” ở thời điểm hết sức cần thiết này, bằng chứng là trong trận giao hữu mới đây với tuyển Afghanistan trên sân Thống Nhất, chính đội tuyển Quốc gia Việt Nam cũng xoay qua thử nghiệm sơ đồ 4 hậu vệ. Và sẽ không bất ngờ nếu tới đây, ĐTQG sẽ ít nhiều thể hiện những nét tươi mới sau nguồn cảm hứng U23 Việt Nam vừa rồi.

U23 Việt Nam thoát khỏi “vùng an toàn” để làm mới mình

Với thầy Gong, đường phía trước còn xa, mà đường xa mới biết ngựa hay, nên chưa thể vội vàng lên gân, kết luận điều gì. Chỉ có thể nói, sự làm mới bước đầu của thầy Gong đã đem đến luồng sinh khí mới, nó y như sự làm mới bước đầu của thầy Park khi thầy xuất hiện vào cuối năm 2017.

Từ câu chuyện bóng đá lại ngẫm sang chuyện đời, làm bất cứ nghề gì cũng vậy, ở bất cứ đâu cũng vậy: làm nhiều, làm lâu sẽ không tránh khỏi cùn mòn. Do đó, dám làm mới bản thân, hoặc dám cậy nhờ người khác cùng mình thử nghiệm những mô hình mới, thoát khỏi “vùng an toàn” đang có nguy cơ trở thành “vùng lạc hậu” là điều tối quan trọng.

Muốn thế, người ta phải có tư duy mở, phải có năng lực vượt qua định kiến vốn có trong đầu mình, và điều quan trọng nữa, phải có lòng dũng cảm!

Xin cảm ơn những bài học đầy tính trực quan sinh động, vượt lên trên phạm trù bóng đá mà cả thầy Park lẫn thầy Gong để lại cho đến lúc này.

Phan Đăng