Vì sao BV Bệnh Nhiệt đới TƯ tính tiền hàng tài trợ khi dùng cho bệnh nhân?

Tin Y tế - Ngày đăng : 12:09, 09/06/2022

Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng hàng tài trợ chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có nhiều điểm nghi vấn. Đặc biệt là việc kê giá tiền các loại vật tư y tế được tài trợ vào bảng kê chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân COVID-19. Chi phí này do ngân sách của nhà nước chi trả.
Vì sao BV Bệnh Nhiệt đới TƯ tính tiền hàng tài trợ khi dùng cho bệnh nhân?
Các vật tư y tế là hàng tài trợ được kê vào bảng kê chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân COVID-19 do ngân sách Nhà nước chi trả. Ảnh: PV

Tính tiền "hàng tài trợ" để ngân sách thanh toán như thế nào?

Theo phản ánh của Lao Động, tạiBệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc quản lý và sử dụng hàng viện trợ, tài trợ chống dịch có nhiều dấu hiệu nhập nhằng, sử dụng không đúng mục đích. 

Tại Tờ trình của Phòng Vật tư Thiết bị y tế của Bệnh viện vào ngày 6.4.2020 về việc cấp phát vật tư các nguồn hàng tài trợ, cho tặng để phục vụ cho công tác phòng chống dịch, khi xin ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo bệnh viện đã "Đồng ý nhập kho hàng tài trợ theo đơn giá đề xuất của phòng vật tư thiết bị y tế". Kho chứa hàng tài trợ là kho HCQT (Hành chính quản trị).

Từ đó, nhiều mặt hàng tài trợ như khẩu trang, bộ trang phục chống dịch vẫn được kê vào bảng tính chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Chi phí này, bệnh nhân không phải thanh toán nhưng lại do ngân sách nhà nước chi trả. 

Đơn cử, bảng kê chi phí điều trị COVID-19 cho bệnh nhân T.S (Thái Bình) cho thấy 8 bộ trang phục chống dịch có đơn giá 150.000 đồng/bộ, tổng trị giá 1.200.000 đồng; 8 khẩu trang N95 đơn giá 80.000 đồng/cái với tổng trị giá 480.000 đồng; 46 cái khẩu trang y tế với tổng trị giá hơn 106.000 đồng. Các loại vật tư y tế này đều được xuất ra từ kho HCQT. Như vậy, riêng bệnh nhân này, ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả thêm số tiền gần 1,8 triệu đồng, dù đó là hàng tài trợ. 

Tương tự, bảng kê chi phí điều trị của một bệnh nhân mắc COVID-19 khác, 92 cái khẩu trang y tế xuất ra từ kho HCQT cũng với đơn giá như trên, có tổng trị giá hơn 210.000 đồng, đã được tính chung vào tổng số tiền mà ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho bệnh nhân này. 

Bao biện chỉ là nhầm lẫn?

Sau phản ánh của báo Lao Động về vấn đề này, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã có bản Báo cáo giải trình các nội dung báo chí phản ánh gửi Bộ Y tế ngày 6.6.2022, nêu rõ:

"Bệnh viện hoàn toàn không có chủ trương tính tiền vào các loại vật tư được tài trợ hoặc cấp phát. Việc áp giá và mã hàng hóa các vật tư được tài trợ chỉ nhằm mục đích thống kê báo cáo đối chiếu sổ sách với kho và định giá về giá trị tài trợ nhằm mục đích tri ân của bệnh viện. 

Các vật tư bảo hộ cho bệnh nhân từ nguồn tài trợ được các khoa thống kê vào mục vật tư hao phí (tính tiền với giá 0đ). Tuy nhiên, do trong quá trình chống dịch, bệnh viện có huy động thêm cả lực lượng tăng cường là các học viên và các thầy thuốc của nhiều tỉnh khác đến giúp. Một số người trong đó chưa quen với phần mềm bệnh viện có thể áp nhầm các mã hàng hóa khác nhau.

Vì vậy bệnh viện đã thiết lập quy trình rà soát lại một lần nữa đối với các bảng kê được chuyển xuống phòng tài chính kế toán để trừ trực tiếp những mặt hàng áp sai mã trên bảng kê trước khi tổng hợp đề xuất quyết toán Ngân sách"- báo cáo của bệnh viện cho biết. 

Đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương giải thích về vấn đề sử dụng hàng viện trợ.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, lãnh đạo bệnh viện cũng thừa nhận có việc nhập giá tiền các vật tư y tế được tài trợ vào bảng kê chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19. Việc này là do "nhập nhầm" dữ liệu.

"Tình trạng nhập giá ấy chỉ được giải quyết khi chúng tôi điều chuyển 1 nhân viên của phòng CNTT đi phòng khác. Sau khi điều chuyển xong, 2 tháng sau nhân viên nghỉ việc. Vì tình trạng ấy xảy ra, đến giai đoạn sau, gần 10.000 bệnh án, chúng tôi phải rà soát cực kỳ tốn công. Nhập vào rồi lại phải trả về 0đ trước khi quyết toán với ngân sách"- đại diện bệnh viện khẳng định. 

Theo vị đại diện này: "Các đơn vị cá nhân tặng quà viện trợ giá bao nhiêu tiền, thì đều nhập vào ngân sách nhà nước. Ví dụ, trong quyết toán năm nay, chúng tôi nhận ngân sách nhà nước về bằng ngần này, nhập ngân sách tài trợ về ngần này, thì coi như nhà nước chi chứ bệnh viện không phải chi". 

Liên quan đến việc tiếp nhận các khoản tài trợ của doanh nghiệp Việt Nam cho lĩnh vực y tế, theo của công văn số 1884/BTC-HCSN của Bộ Tài chính ban hành ngày 18.2.2019 gửi Bộ Y tế, hướng dẫn quản lý và sử dụng khoản tài trợ: Phải theo đúng mục đích của bên tài trợ và quy định của pháp luật liên quan. Riêng đơn vị nhận tài trợ là bệnh viện khi sử dụng thuốc, sinh phẩm hóa chất, vật tư tiêu hao từ nguồn tài trợ cho khám bệnh, chữa bệnh, đơn vị không được thu tiền của người bệnh hoặc đề nghị cơ quan BHXH thanh toán từ nguồn quỹ BHYT.

Nhóm Phóng viên