Ra trường 5 năm vẫn chấp nhận mức lương dưới 10 triệu

Xã hội - Ngày đăng : 09:16, 09/06/2022

Trong khi nhiều sinh viên mới ra trường không hài lòng với mức lương 7 con số thì cũng không ít người dù có kinh nghiệm làm việc vẫn chấp nhận lương dưới 10 triệu.

Phạm Quỳnh Mai (sinh năm 1995) đang làm công việc viết content tại một công ty truyền thông ở Hà Nội. Đây là công việc Mai gắn bó từ khi ra trường.

Mai tốt nghiệp với tấm bằng loại khá năm 2017. Khi cầm hồ sơ đi ứng tuyển, cô được trả mức lương khởi điểm 6 triệu đồng (chưa kể các khoản phụ cấp). Không kinh nghiệm tại vị trí tương tự, không thành tích học tập xuất sắc, kỹ năng tiếng Anh ở mức “đủ dùng”, Mai chấp nhận mức lương nhà tuyển dụng đưa ra.

Chân ướt chân ráo đi tìm việc, chỉ cần được nhận vào làm công việc đúng ngành học là vui lắm rồi. Tôi xác định đi làm để học hỏi và thêm kinh nghiệm nên không đòi hỏi phải sở hữu mức lương cao”, 9x chia sẻ.

Sau 5 năm đi làm với 3 lần tăng lương, hiện Mai nhận về 8 triệu đồng/tháng. Cô tự đánh giá mức lương của mình thấp hơn so với mặt bằng chung, nhưng xét khối lượng công việc và môi trường làm việc, cô vẫn hài lòng với mức thu nhập đó. “Nhiều người phải mang việc về nhà hay tranh thủ làm vào những ngày cuối tuần nhưng tôi không phải làm vậy. Tôi dành thời gian đó để bán hàng online và chăm sóc gia đình”, Mai nói.

Thời gian gần đây, nhiều sinh viên mới ra trường lên diễn đàn than vãn về mức lương quá “bèo bọt”. Theo Mai, việc này hoàn toàn có thể hiểu được nếu đó là các bạn sở hữu thành tích học tập xuất sắc, có kinh nghiệm làm việc tại những vị trí tương tự. Với những ai chưa có nhiều kỹ năng làm việc thì nên chấp nhận mức lương thấp để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm.

Ra trường 5 năm vẫn chấp nhận mức lương dưới 10 triệu - 1

Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiêm thường chấp nhận mức lương thấp.

Ngày còn là sinh viên, Phan Đức Duy (sinh năm 1996) cũng kỳ vọng sở hữu mức lương 10-12 triệu đồng sau khi tốt nghiệp Đại học Công đoàn. Sau 3 tháng không tìm được công việc ưng ý đúng ngành học, Duy chấp nhận mức lương khởi điểm 7,5 triệu đồng tại một công ty trong lĩnh vực bưu chính.

Duy hối tiếc vì thời gian học đại học không chủ động tìm kiếm các công làm thêm và tham gia các khoá học kỹ năng mềm để cơ hội việc làm rộng mở hơn. “Nhiều bạn đồng khoá nhờ có kinh nghiệm mà được nhiều doanh nghiệp mời về làm việc và nhận mức lương 8 con từ tháng đầu tiên. Vì thế tôi tin mức lương từ 10-12 triệu đồng hoàn toàn là có thể với sinh viên mới ra trường”, Duy chia sẻ.

Hiện với mức lương cứng 9 triệu đồng, Duy thường xuyên đăng ký làm ngoài giờ để tăng thu nhập. Ngoài ra, anh cũng tìm hiểu và đầu tư chứng khoán để cải thiện cuộc sống.

Từ kinh nghiệm của những anh chị đi trước, Nguyễn Bích Thảo (sinh viên năm 4 trường Đại học Thuỷ Lợi) không đặt kỳ vọng quá lớn vào mức lương sau khi ra trường. Thời gian học đại học, ngoài việc học, Thảo tham gia một số câu lạc bộ của trường, ngoài ra không có kinh nghiệm đi làm thêm. Cô chấp nhận mức lương thấp để làm trong một doanh nghiệp có tiếng, được tiếp xúc với những “lão làng” trong nghề, từ đó tích luỹ kiến thức và các kỹ năng khác. Đây cũng là cách Thảo làm đẹp thêm cho CV trong trường hợp muốn đổi việc.

"Tôi nghĩ rằng lương bao nhiêu sau khi ra trường không quan trọng bằng việc mình được nhận vào làm việc tại môi trường thế nào. Những năm đầu đi làm sẽ là thời gian tôi thể hiện năng lực  bản thân và định hướng cho công việc sau này. Với những người ít kinh nghiệm như tôi, nhà tuyển dụng sẽ mất khoảng thời gian để đào tạo. Lương thấp cũng xứng đáng", Thảo nói.

Mai Anh (sinh viên năm 3 trường Đại học Thương mại) cũng chỉ đặt mục tiêu nhận lương 6-7 triệu đồng sau khi tốt nghiệp. Mai Anh coi 1,2 năm sau khi tốt nghiệp đại học là khoảng thời gian học nghề. Việc đặt mục tiêu thấp sẽ giúp cô sớm tìm được việc và cũng không bị “sốc” vì lương sau khi ra trường.

VY VY

VY VY