Bộ trưởng Bộ Tài chính nắm chắc vấn đề và nhìn thẳng thực trạng
Xã hội - Ngày đăng : 18:54, 08/06/2022
Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã làm rõ các nội dung được các đại biểu Quốc hội đề cập, chất vấn liên quan đến: Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới; các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số…
Đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng, thời gian tới, việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội bên cạnh thuận lợi, nước ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nổi lên là đại dịch COVID-19 trên toàn cầu tuy hạ nhiệt, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến chủng mới. Cạnh tranh chiến lược, an ninh kinh tế, chính trị thế giới phức tạp, khó lường; rủi ro lạm phát cao; giá dầu, đầu vào sản xuất, chi phí tăng, nhiều chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, gián đoạn. Các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh giảm về dự báo tăng trưởng toàn cầu và tăng lạm phát năm 2022 so với dự báo trước đó.
Theo đại biểu, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, chịu tác động nhiều mặt bởi biến động trên thế giới. Thiên tai, bão lũ dự báo có thể diễn biến phức tạp, bất thường. Để hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2022 đã đề ra, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn trong triển khai nhiệm vụ để bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát theo mục tiêu, lĩnh vực tài chính, ngân sách giữ vai trò và vị trí quan trọng. Vì thế, nhiệm vụ tài chính, ngân sách phải được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn và trong bối cảnh khó khăn, kỷ luật về tài chính, ngân sách phải được siết chặt hơn nữa, đi liền với đó là tiết giảm tối đa chi thường xuyên; cân đối, dành các nguồn chi thỏa đáng cho các nhiệm vụ cấp bách như phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động, đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã nêu thực trạng mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập tại phiên chất vấn về sự lãng phí trong mua sắm công mà ngành tài chính cần có giải pháp hiệu quả hơn để khắc phục tình trạng này, tránh thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Cùng với đó, phải có giải pháp giải quyết triệt để hiện tượng trá hình, lách luật dưới dạng xe biếu, tặng nhằm trục lợi, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Đại biểu cũng đề nghị ngành tài chính cần có những giải pháp mạnh tay hơn trong việc lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; có những giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này cũng như xử lý những thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến sự phát trển lành mạnh, ổn định, an toàn của thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, ngành tài chính cần đánh giá kỹ lưỡng để thấy được có hiện tượng bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay hay không và nếu có thì cần công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ và giải pháp để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Một vấn đề lớn nữa mà đại biểu Trần Hồng Nguyên quan tâm là giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang đứng ở mức cao; trong điều kiện đời sống người dân, doanh nghiệp bị tác động nặng nề của dịch bệnh, đại biểu mong muốn ngành tài chính có các chính sách, hoặc đề xuất chính sách về giảm các khoản thuế đang thu vào xăng, dầu, chia sẻ khó khăn để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tuy có sự quan tâm và có sự chuyển biến nhưng theo đánh giá số thu này chưa tương xứng với doanh thu "khủng" của các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới ở Việt Nam, gây ra thất thoát cho ngân sách nhà nước, nguy hại hơn là tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh. Đại biểu đề nghị ngành tài chính có những biện pháp để kiểm soát, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm chống thất thoát ngân sách, tạo sân chơi bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp./.
Lê Sơn - Đình Hải(thực hiện)