Thử nghiệm thuốc đột phá: Khỏi ung thư trực tràng nhờ liệu pháp miễn dịch
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 15:32, 08/06/2022
Các bệnh nhân là một phần của một thử nghiệm lâm sàng nhỏ do các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) ở New York thực hiện. Kết quả cho thấy khối u của họ biến mất sau khi được điều trị bằng một loại thuốc thử nghiệm có tên là dostarlimab.
Chi tiết về cuộc thử nghiệm vừa được công bố mới đây trên Tạp chí Y học New England. Bài báo đã mô tả kết quả của 12 bệnh nhân bị ung thư trực tràng, tất cả đều thấy ung thư của họ biến mất sau khi điều trị bằng dostarlimab.
Theo Euronews, những người tham gia được tiêm một liều dostarlimab 3 tuần một lần trong 6 tháng. Theo đó, họ vẫn sẽ phải điều trị tiếp bằng các phương pháp kinh điển gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật sau khi điều trị.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, bệnh ung thư đã được loại bỏ chỉ thông qua điều trị thử nghiệm. Các bệnh nhân không cần điều trị bằng các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị. Đặc biệt, không trường hợp tái phát bệnh ung thư trong vòng 2 năm.
Thử nghiệm đã được ca ngợi là lần đầu tiên trong việc điều trị ung thư một phương pháp điều trị loại bỏ hoàn toàn ung thư ở mỗi bệnh nhân, một trong những tác giả của bài báo, Tiến sĩ Luis Diaz Jr đã chia sẻ với tờ New York Times. Liệu pháp miễn dịch đã kích hoạt hệ thống miễn dịch của chính cơ thể để xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư.
MSK cho biết cuộc thử nghiệm tập trung vào một nhóm nhỏ bệnh nhân ung thư trực tràng có một đột biến cụ thể (do sự thiếu hụt hệ thống sửa chữa ghép cặp sai DNA). Loại ung thư này có xu hướng đáp ứng kém với các phác đồ hóa trị tiêu chuẩn. Trong thử nghiệm, các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu xem liệu pháp miễn dịch có thể đánh bại ung thư trực tràng chưa di căn hay không.
Liệu pháp miễn dịch này hoạt động như thế nào?
Trước đó, một thử nghiệm do Tiến sĩ Diaz tiến hành đã cho thấy hiệu quả bất ngờ trên các bệnh nhân sau khi được sử dụng một loại thuốc có tên là pembrolizumab. Tham gia thử nghiệm này là các bệnh nhân mắc ung thư gia đoạn muộn, các phương pháp điều trị kinh điển không còn hiệu quả. Kết quả cho thấy, các khối u của các bệnh nhân ổn định, thu nhỏ và thậm chí biến mất.
Trong thử nghiệm hiện tại, các nhà nghiên cứu muốn xem một loại thuốc tương tự, dostarlimab, sẽ làm gì nếu được sử dụng trước khi tế bào ung thư có cơ hội di căn.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, phương pháp điều trị này tập trung vào các protein cụ thể được gọi là trạm kiểm soát, được tạo ra bởi một số loại tế bào của hệ thống miễn dịch cũng như một số tế bào ung thư. Các trạm kiểm soát, nơi giữ cho các phản ứng miễn dịch không quá mạnh, đôi khi lại ngăn chặn các tế bào miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả.
Giống như pembrolizumab, dostarlimab là một chất ức chế trạm kiểm soát. Về cơ bản, nó giải phóng hệ thống "phanh" trên một tế bào miễn dịch, từ đó giúp tế bào miễn dịch nhận ra và tấn công các tế bào ung thư, theo MSK.
Nghiên cứu đã cung cấp cái nhìn sơ lược về một sự thay đổi điều trị mang tính cách mạng. Các chuyên gia cho rằng kết quả là hết sức lạc quan tuy nhiên cách tiếp cận này vẫn chưa thể thay thế phương pháp điều trị hiện có. Câu hỏi đặt ra là liệu pháp này có hiệu quả với tất cả các bệnh nhân ung thư trực tràng hay không? Vì thế cần thêm các thử nghiệm rộng hơn để có thể các bằng chứng cụ thể.
Các nhà nghiên cứu của MSK cho biết, thử nghiệm lâm sàng vẫn đang tiếp tục thu nhận bệnh nhân. Họ cũng đang nghiên cứu xem liệu phương pháp tương tự có thể đánh bại các bệnh ung thư khác hay không và đang xem xét trên các bệnh nhân ung thư dạ dày, tuyến tiền liệt và tuyến tụy.