Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Xu hướng đổ lỗi khiến nạn nhân bị 'bạo lực kép'
Xã hội - Ngày đăng : 14:23, 08/06/2022
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, khi chưa nhận thức rõ về tác hại thì việc phòng chống bạo lực còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. |
Vừa qua, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), một số ý kiến của đại biểu gây tranh cãi trong dư luận. Là một ĐBQH, theo bà, cần nhìn nhận bạo lực gia đình thế nào cho đúng?
Theo tôi, muốn nhìn nhận đúng về bạo lực gia đình (BLGĐ), có hai vấn đề được đặt ra. Thứ nhất, cần nhận diện đúng và đầy đủ về những hành vi này.
Xưa nay, số đông mọi người quan niệm, BLGĐ chỉ đơn thuần là những hành vi bạo lực thể chất, thậm chí chỉ khi những hành vi bạo lực thể chất gây ra những tổn thương nghiêm trọng trên cơ thể, còn những hành vi bạo lực khác hoàn toàn bị “cho qua”.
Thứ hai, từ nhận diện đúng các hành vi sẽ dẫn đến việc nhận thức đúng và rõ về tác hại của bạo lực. Có một sự thật, đó là nhiều khi người ta nhận thức được về các hành vi bạo lực nhưng lại coi nhẹ tác hại của nó.
Hiện nay, có không ít người cho rằng, đây cũng chỉ là “chuyện riêng”, “chuyện nhỏ”, chuyện của các cá nhân và mỗi cá nhân trong gia đình nên tự giải quyết với nhau.
Nạn nhân thường nghĩ chuyện không vui, không hay trong gia đình thì mình tự giải quyết, không nên “vạch áo cho người xem lưng”, rồi “xấu chàng hổ ai”. Những người chứng kiến, biết sự việc xảy ra thì suy nghĩ không nên can thiệp vào chuyện riêng của người khác.
"Muốn phòng ngừa tốt, cộng đồng phải có nhận thức đúng đắn cũng như lên án bạo lực. Khi nào còn quan điểm những hành vi bạo lực là chuyện nhỏ, chuyện cá nhân của người khác; khi nào còn thói quen đổ lỗi cho nạn nhân; khi đó cộng đồng còn chưa phát huy được vai trò của mình trong việc phòng ngừa bạo lực". |
Thậm chí, có những khi nạn nhân tìm sự trợ giúp từ cộng đồng thì lại bị chê cười rằng mang chuyện nhà đi kể khắp nơi. Thêm nữa, có một thực tế là chúng ta vẫn có cái nhìn rất khắt khe với nạn nhân, đặc biệt khi nạn nhân là phụ nữ.
Tôi đã từng chứng kiến có những chị bị chồng bạo hành, nhưng khi người bên ngoài biết chuyện lại luôn cho rằng “có làm sao thì mới bị chồng đánh”.
Xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân khiến họ bị “bạo lực kép”, vừa bị tổn thương do bạo lực gia đình, vừa bị tổn thương do tâm lý chỉ trích, đổ lỗi của số đông.
Bởi vậy, nhiều khi nạn nhân nín lặng chịu đựng, không dám bộc bạch, không dám tìm sự trợ giúp từ phía cộng đồng. Khi chưa nhận thức rõ về tác hại thì việc phòng chống bạo lực còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Không chỉ là chuyện cá nhân, chuyện nội bộ của mỗi gia đình, đây còn là hành vi nguy hiểm, đáng lên án. Nguy hiểm vì nó tác động rất xấu tới đời sống con người và sự phát triển của toàn xã hội, đi ngược lại với lối sống văn minh, tiến bộ, nếp sống văn hóa.
Từ nhận thức đúng về tác hại của bạo lực gia đình, mỗi cá nhân mới đi đến hành động đúng là: lên án, đấu tranh chống lại.
Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy: Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người phải chịu ít nhất 1 hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Bà nghĩ gì về những con số "biết nói” này?
Đây là con số đáng giật mình, xót xa. Tuy nhiên, tôi nghĩ trên thực tế, con số thực có lẽ lớn hơn con số thống kê rất nhiều. Bởi lẽ, có nhiều hành vi bạo lực chưa được nhận diện đầy đủ, nghĩa là nhiều nạn nhân vẫn không biết đó là bạo lực.
Có những nạn nhân không dám thổ lộ, không dám tìm sự trợ giúp, hoàn toàn che giấu việc mình đã từng hoặc đang bị bạo hành. Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực đấu tranh cho bình đẳng giới và phòng chống bạo lực, nhưng dường như mọi nỗ lực của chúng ta chưa cho kết quả như mong muốn.
Qua công tác giám sát, khảo sát, qua tiếp xúc với nhiều nữ cử tri, tôi nhận thấy phụ nữ bị bạo hành ở mọi lứa tuổi, cả trẻ, cả trung niên, cả già; ở mọi trình độ văn hóa (có những chị học vấn rất cao, thậm chí giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng cũng là nạn nhân của bạo lực); ở mọi vùng miền, mọi điều kiện kinh tế… Điều đó cho thấy việc phòng chống bạo lực nói chung vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Vai trò của cộng đồng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực gia đình là rất quan trọng. (Nguồn: TT) |
Vậy hành vi bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần sẽ để lại hậu quả thế nào, theo bà?
Theo tôi, bạo lực tinh thần (BLTT) còn nguy hiểm hơn bạo lực thể chất (BLTC) cũng như hậu quả để lại lớn hơn. Chúng ta dễ dàng nhận diện những hành vi bên ngoài, nhưng không phải ai cũng nhận diện được các hành vi BLTT nên việc phát hiện rất khó khăn.
"Sự lên án của cộng đồng nhiều khi có sức mạnh lớn hơn những hình phạt được quy định trong luật. Người ta sợ 'miệng tiếng người đời' hơn cả những hình phạt". |
Người ngoài có thể dễ dàng phát hiện một gia đình có mâu thuẫn qua việc xô xát, đánh nhau; nhưng không phát hiện được một gia đình có “chiến tranh lạnh”, nhất là khi người trong cuộc có ý thức che giấu.
Những hành vi BLTT tuy có thể không gây thương tích về mặt cơ thể nhưng tác hại còn lớn hơn, nó tạo thành những vết thương ngầm trong tinh thần con người.
Chữa trị những tổn thương thể chất nhiều khi đơn giản hơn chữa trị những tổn thương về mặt tinh thần. Nạn nhân của BLTT dễ dẫn đến trầm cảm.
Theo thống kê, số lượng người trưởng thành bị trầm cảm hoặc có những vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Việt Nam cũng đang ở mức độ đáng báo động. Khi bị BLTT, bị trầm cảm, không những cá nhân sa sút về sức khỏe, mà còn bị ảnh hưởng mọi mặt đến hành vi, chất lượng cuộc sống, chất lượng công việc.
Không ít vụ tự tử thương tâm xảy ra khi người tự tử là nạn nhân của BLTT. Thậm chí còn khiến họ bị dồn đến bước đường cùng, không tìm thấy niềm vui sống và không có bất cứ niềm tin nào vào cuộc sống.
"Xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân khiến họ bị 'bạo lực kép', vừa bị tổn thương do bạo lực gia đình, vừa bị tổn thương do tâm lý chỉ trích, đổ lỗi của số đông. Nhiều khi nạn nhân nín lặng chịu đựng, không dám bộc bạch, không dám tìm sự trợ giúp từ phía cộng đồng". |
Gốc rễ của BLGĐ, theo tôi, trước tiên là bắt nguồn từ những quan điểm, tư tưởng cổ hủ, lỗi thời của ý thức hệ phong kiến. Xã hội phong kiến xưa kia trọng nam khinh nữ.
Người phụ nữ trong gia đình dường như chỉ là cái bóng của đàn ông. Là người phải lo tất cả mọi công việc gia đình, gánh vác kinh tế, chăm sóc con cái...
Thứ hai là quan niệm về thứ bậc, về tôn ti trật tự của xã hội phong kiến. Người ở địa vị cao hơn có quyền hành hơn, và người ở địa vị thấp hơn chỉ biết phục tùng. Đi ngược với điều đó là không chấp nhận được.
Bởi thế, trong gia đình, người cha có quyền uy tối thượng, con cái phải nghe lời trong tất cả mọi chuyện. Nếu trái ý cha mẹ, con cái sẽ bị trừng phạt bằng cách hình thức khác nhau như đánh đòn, cấm đoán – là các hành vi bạo lực.
Một thời gian rất dài, những hành vi dạy dỗ con cái bằng bạo lực được ca ngợi như là cách dạy con đúng đắn “thương cho roi cho vọt”. Những phương pháp dạy con khắc nghiệt, thực chất là dùng bạo lực, không những không bị lên án mà còn được coi là đúng đắn để rèn luyện cho con sớm trưởng thành.
Những ảnh hưởng của hệ tư tưởng ấy đã ăn sâu vào phong tục tập quán, thành truyền thống văn hóa nên không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi được. Nó liên quan đến nhận thức của mỗi người, bởi vậy, phòng chống BLGĐ vẫn luôn là chuyện khó khăn và gặp nhiều trở ngại, rào cản.
Bà đánh giá thế nào về dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi quy định 18 hành vi BLGĐ?
Tôi thấy 18 hành vi BLGĐ được quy định trong dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được ban soạn thảo nghiên cứu rất kỹ lưỡng, so với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành thì đã được bổ sung nhiều hành vi.
Tuy nhiên, do đây là vấn đề rất khó khăn, phức tạp, các hành vi bạo lực khó có thể nhận diện hết ngay được, thậm chí cùng với sự phát triển của xã hội, các hành vi đó cũng ngày một đa dạng hơn, nên vẫn rất cần phải có sự nghiên cứu, rà soát để quy định mang tính khái quát mà không bỏ sót các hành vi bạo lực nào.
Trách nhiệm của cộng đồng đến đâu trong việc ngăn chặn bạo lực gia đình, theo bà?
Vai trò của cộng đồng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn BLGĐ là rất quan trọng. Nếu công tác phòng ngừa làm tốt, chúng ta sẽ tránh được việc phải can thiệp, giải quyết bạo lực, tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Muốn phòng ngừa tốt, cộng đồng phải có nhận thức đúng đắn cũng như lên án bạo lực. Khi nào còn quan điểm những hành vi bạo lực là chuyện nhỏ, chuyện cá nhân của người khác; khi nào còn thói quen đổ lỗi cho nạn nhân; khi đó cộng đồng còn chưa phát huy được vai trò của mình trong việc phòng ngừa bạo lực.
Cùng với đó, cần phải có sự lên án mạnh mẽ từ phía cộng đồng đối với những hành vi bạo lực. Sự lên án của cộng đồng nhiều khi có sức mạnh lớn hơn những hình phạt được quy định trong luật. Người ta sợ “miệng tiếng người đời” hơn cả những hình phạt.
Đặc biệt, cộng đồng cần kịp thời phát hiện và can thiệp để chấm dứt hành vi này. Chúng ta phải đấu tranh với quan điểm “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, quan điểm không can thiệp vào những chuyện xô xát gia đình của người khác để thờ ơ với bạo lực.
Sự thờ ơ cũng chính là tiếp tay, là dung túng cho bạo lực gia đình. Với vai trò quan trọng như vậy, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi cũng rất quan tâm đến các quy định cụ thể về vai trò của cộng đồng nhằm ngăn chặn BLGĐ.
Trân trọng cảm ơn ĐBQH!