VN-Index bùng tăng mạnh, vượt 1.300 điểm sau một tháng bán tháo và giảm sâu
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 11:41, 08/06/2022
Thị trường cổ phiếu trên cả 3 sàn đều tăng khá mạnh với sắc xanh lan tỏa trên diện rộng. Nhóm VN30 hầu hết tăng điểm và là trụ nâng đỡ thị trường chung.
Tính tới 11h20, chỉ số VN-Index tăng gần 19 điểm và lên ngưỡng 1.310 điểm. Trong nhóm VN30, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tăng trần hết biên độ lên 27.050 đồng/cp.
Cổ phiếu Masan (MSN) tăng khá mạnh thêm 2.700 đồng lên 120.600 đồng/cp; Cổ phiếu Sacombank (STB) tăng trần 1.400 đồng lên 21.600 đồng/cp…
Thị trường chứng khoán bước sang tuần hồi phục thứ 3 liên tiếp kể từ khi xuống đáy dưới ngưỡng 1.200 điểm. Gần đây, áp lực bán có xu hướng tăng lên khi mà nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều ẩn số, trong đó có lạm phát và khả năng suy thoái kinh tế.
Trong phiên 7/6, thị trường giao dịch phần lớn trong ngày và chỉ chốt xanh khi lực cầu dâng cao vào cuối phiên. Thanh khoản có xu hướng tăng lên khi sức cầu được cải thiện trong khi nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán ra khi VN-Index hồi phục được hơn 100 điểm kể từ đáy.
Trên thế giới, chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ 2 liên tiếp nhưng lo ngại trên thị trường còn lớn. Giá dầu tiếp tục đi lên và đang quanh vùng 120 USD/thùng.
Trong tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam, ghi nhận một tháng giảm mạnh cả về khối lượng, giá trị giao dịch cổ phiếu cũng như chỉ số VN-Index. VN-Index giảm 13,72% so với cuối năm 2021. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 5 ghi nhận giá trị giao dịch bình quân phiên đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, giảm 32,4% so với tháng 4. Tổng giá trị giao dịch trong tháng 5 đạt 299,02 nghìn tỷ đồng, giảm 143 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 6,2 tỷ USD).
Trên thế giới, lạm phát vẫn là vấn đề được đề cập đến dồn dập hàng ngày. Hôm 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,9% (so với mức dự báo 4,1% đưa ra hồi đầu năm), đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể rơi vào suy thoái khi nền kinh tế nước họ rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn (stagflation) giống như thời thập niên 70.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo quanh mức đó trong giai đoạn 2023-2024, trong khi lạm phát vẫn dao động trên mức mục tiêu ở hầu hết nền kinh tế vì rủi ro lạm phát đình đốn. Cuộc chiến Nga-Ukraine và đà tăng giá hàng hóa kéo theo đó đã giáng đòn vào một nền kinh tế vốn đã suy yếu vì đại dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới cho rằng nền kinh tế toàn cầu sắp bước vào “giai đoạn tăng trưởng yếu và lạm phát cao kéo dài”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 7/6 cũng thừa nhận tình trạng lạm phát ở Mỹ hiện tại sẽ không phải “tạm thời” mà còn kéo dài và ở mức cao.
Theo VDSC, dự kiến thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục gặp áp lực bán lớn tại vùng cản này và vẫn có rủi ro suy yếu trở lại trong thời gian tới. BSC dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh vùng 1.290 điểm.
M. Hà