Nga sẽ phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ 'giải phóng' ngũ cốc Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:30, 08/06/2022
Xung đột Nga-Ukraine đã tác động nghiêm trọng tới nguồn lúa mì trên thế giới. Trong ảnh: Một kho lúa mì trong nhà máy bị trúng đạn tại vùng Donetsk, Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Đây là chuyến đi thứ hai của Ngoại trưởng Lavrov tới Ankara sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, tại Antalya, ngày 10/3.
Theo yêu cầu của Liên hợp quốc (LHQ), Ankara đã chấp nhận hộ tống các tàu từ các cảng của Ukraine cho dù đã phát hiện một số quả thủy lôi gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Trọng tâm của các cuộc đàm phán là mở một hành lang an toàn để vận chuyển ngũ cốc của Ukraine kẹt tại các cảng của nước này.
Trong một cuộc điện đàm tuần trước với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow sẵn sàng phối hợp với Ankara để giải phóng hàng xuất khẩu bị kẹt tại các cảng bởi xung đột.
Trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ Vahit Kirisci ám chỉ Ankara và Kiev đã đạt được thỏa thuận về việc mua ngũ cốc với giá thấp hơn 25% so với giá thị trường. Theo ông, Ukraine muốn Thổ Nhĩ Kỳ làm trọng tài và đàm phán vẫn tiếp tục dưới sự bảo trợ của LHQ.
Trong một tin liên quan, ngày 7/6, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát quốc phòng Nga Mikhail Mizintsev cho rằng, các lực lượng Ukraine đã cố tình phóng hỏa cảng Mariupol và tiêu hủy hơn 50.000 tấn ngũ cốc.
Ông Mizintsev tuyên bố: “Các chiến binh của các tiểu đoàn chủ nghĩa dân tộc, khi từ bỏ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và theo đuổi mục tiêu không để lại nguồn cung cấp ngũ cốc cho người dân địa phương ở Mariupol, đã cố tình phóng hỏa một kho thóc lớn ở cảng biển. Kết quả là hơn 50.000 tấn ngũ cốc đã bị tiêu hủy”.
Xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây đã làm gián đoạn nguồn cung lúa mì và các mặt hàng khác từ cả hai nước, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu hụt và nạn đói trên toàn thế giới. Nga và Ukraine chiếm 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu.
Hàng chục tàu container lúa mì, dầu hướng dương và các loại thực phẩm khác cũng như phân bón cho cây trồng hiện bị kẹt lại tại các cảng của Ukraine.
Để tránh nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên thế giới, Moscow cho rằng, phương Tây cần phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt để Nga có thể xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu này.