Giải pháp cho cầu Long Biên xuống cấp
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 06:57, 08/06/2022
Chỉ trong tháng 5 vừa qua, cầu Long Biên (Hà Nội) đã 2 lần xảy ra sự cố sập tấm đan mặt cầu. Thực trạng xuống cấp của cầu hôm nay cũng một phần tới từ kế hoạch xây dựng cầu mới thay thế, dẫn tới cầu cũ khó nhận được các dự án lớn để trùng tu, đại tu khi chưa biết mục đích sử dụng trong tương lai ra sao.
Theo quy hoạch và kế hoạch triển khai dự án đường sắt, cầu Long Biện hiện hữu sẽ được thay thế bằng cầu Long Biên mới phục vụ tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, Thủ tướng phê duyệt năm 2004). Tuy nhiên, dự án này đình trệ từ năm 2014 tới nay, khi xảy ra vụ việc liên quan tới Công ty tư vấn JTC (Nhật Bản) đưa hối lộ để có được hợp đồng tư vấn.
Tới nay, tuyến đường sắt vẫn chưa xong thiết kế, cầu Long Biên mới sẽ ra sao cũng chưa có phương án cuối. Chưa kể, tới nay, dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên lại vào bước chuyển giao chủ đầu tư từ Bộ GTVT cho UBND TP Hà Nội, do đó, tương lai cầu mới thay thế cầu Long Biên hiện hữu ra sao, khi nào có vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời, trong khi tổng mức đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 của Hà Nội có thể tăng từ 19.000 tỷ đồng lên hơn 81.500 tỷ đồng. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hiện cũng không bố trí vốn cho dự án đường sắt đô thị này. Đồng nghĩa với cầu Long Biên hơn 100 năm tuổi tiếp tục phải gồng gánh phương tiện trong trạng thái già yếu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Cục trưởng Đường sắt (Bộ GTVT) Trần Thiện Cảnh cho biết, sau chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục và Tổng Công ty Đường sắt (VNR) đang khẩn trương triển khai giải pháp đảm bảo an toàn cho cầu Long Biên. Trước mắt, các đơn vị của bộ cùng VNR và Hà Nội sẽ tăng cường kiểm soát phương tiện qua cầu Long Biên, ngăn chặn xe ba gác chở quá tải đi lên cầu. Cùng với đó, VNR sẽ rà soát tổng thể, kiểm định để sửa chữa với các vị trí cần làm ngay và lập dự án sửa chữa tổng thể để báo cáo Bộ GTVT xem xét.
Theo ông Cảnh, tới nay chưa rõ tương lai cầu Long Biên sẽ ra sao khi có cầu mới thay thế phục vụ đường sắt đô thị, còn đường sắt quốc gia sẽ đi tránh nội đô, cầu Long Biên hiện hữu sẽ được Bộ GTVT bàn giao cho Hà Nội để nâng cấp sử dụng hoặc đưa vào bảo tồn. Do chưa rõ tương lai và có dự án thay thế, nên những năm qua cầu chỉ được duy tu thường xuyên để khai thác trong ngắn hạn chờ cầu mới.
“Cầu Long Biên hiện cơ bản đảm bảo an toàn khai thác đường sắt tới năm 2025. Tuy nhiên, với 2 bên cánh cho xe máy và người đi bộ có rất nhiều chỗ cần sửa gấp. Nếu chỉ xe máy đi đúng làn sẽ không có vấn đề gì, hai sự cố trong tháng 5 vừa qua, một do xe máy đi lên phần cho người đi bộ và một do xe ba gác chở hàng nặng đi lên cầu làm sập tấm đan mặt cầu”, ông Cảnh nói.
Theo lãnh đạo Cục Đường sắt, VNR từng có văn bản đề xuất dừng khai thác 2 làn đường bộ của cầu Long Biên do xuống cấp. Tuy nhiên, cầu Chương Dương ùn tắc thường xuyên nên Hà Nội kiến nghị vẫn tiếp tục cho khai thác cầu Long Biên.