Những sắc màu rực rỡ thổ cẩm miền Tây Bắc
Du lịch online - Ngày đăng : 19:27, 07/06/2022
Bởi những vuông vải ấy là sự kết tinh của trí tuệ, trái tim và đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Tây Bắc.
Sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng
Ở miền Tây Bắc xa thẳm người ta thuộc nằm lòng câu “Nhinh hụ dệt phải, trái hụ san he”, nghĩa là “Gái biết làm vải, trai biết đan chài”. Việc thêu thùa, dệt vải được coi như một tiêu chuẩn, là sự tất yếu bắt buộc đối với người con gái Tây Bắc khi đến tuổi lập gia đình. Các cô gái mỗi khi ngồi vào khung cửi họ có thể “Úp bàn tay thành hình muôn sắc/Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu”.
Họ là những nghệ nhân tài hoa khi đưa đôi bàn tay mềm mại theo nhịp thoi đưa để dệt lên những tấm vải với rất nhiều họa tiết, hoa văn đặc sắc mang hơi thở của cuộc sống. Mà ở đó hoạ tiết thể hiện sự đối xứng, phản ánh quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật…
Nguyên liệu chính để làm ra các sản phẩm được người Tây Bắc sử dụng là các bông vải. Bông vải thu hoạch theo mùa rồi được đánh tơi xốp, kéo thành sợi. Một số tộc người còn khai thác từ các nguyên liệu khác như vỏ cây (vỏ sui, vỏ lanh) để kéo thành sợi.
Thổ cẩm của người Tây Bắc thường tạo ấn tượng mạnh với người đối diện và du khách bởi các gam màu rực rỡ như; đỏ, vàng, xanh lá cây, tím, trắng… được nhuộm hoàn toàn tự nhiên bởi mầu của các loại lá cây rừng. Từ các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, bằng đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của mình, phụ nữ Tây Bắc đã dệt lên những tấm vải đầy mầu sắc sặc sỡ, đường nét hoa văn cầu kỳ mang đậm giá trị bản sắc dân tộc.
Màu đen thường tạo nên từ lá chùm bầu được ngâm với bùn non từ ba đến bẩy ngày đêm hoặc lá chàm. Màu nâu hoặc màu đỏ sẫm lấy từ các vỏ loại cây. Để có màu xanh, người Tây Bắc thường nung vỏ ốc suối thật khô, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum. Màu đỏ thường lấy từ vỏ cây krung già giã ra rồi nấu lên. Màu nâu là kết quả của quá trình ngâm giấm vỏ cây sủi, đun sôi khoảng ba giờ và làm mát qua đêm, pha thêm phèn rồi ngâm sợi vởi ở nhiệt độ 80 độ C.
Sau khi hoàn tất công đoạn nhuộm, sợi được đêm phơi khô. Người thợ nhuộm sử dụng một chiếc bàn chải, chải dọc theo cuộn sợi để gỡ sạch các vụn màu, vỏ cây. Điều này tạo ra sự khác biệt với các vuông thổ cẩm của cộng đồng các tộc người Khmer miền Trung và Nam Bộ. Bởi hoa văn của trên thổ cẩm của của người miền Trung, Nam Bộ được tạo trực tiếp ngay khi dệt sợi, còn thổ cẩm của cộng đồng tộc người phía Bắc thường được ghép lại bằng những mảng vải màu rồi mới thêu hoa văn lên trên.
Thổ cẩm tộc người Thái – bức tranh tuyệt sắc của thiên nhiên
Nghệ thuật trang trí của người Thái Tây Bắc được coi là tiêu biểu, nổi bật hơn cả bởi sự phong phú và độc đáo, có tới hơn ba mươi loại hoa văn, họa tiết, được thể hiện một cách sống động. Lấy thiên nhiên làm hình mẫu chủ đạo trong sáng tác, thổ cẩm của người Thái giống như một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ đa sắc màu, đa cảnh vật và vô cùng sống động.
Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xoá, là con rái cá tượng trưng cho tình yêu son sắt thủy chung. Hay trên những tấm chăn thổ cẩm người ta thường bắt gặp những hình thêu con thuồng luồng thể hiện tình cảm, ước mơ, lòng vị tha cao cả của người mẹ, người vợ hiền độ lượng, bao dung…
Thổ cẩm của người Thái Tây Bắc cũng khác nhau ở mỗi vùng. Nếu như thổ cẩm của người Thái – (Mai Châu – Hòa Bình) luôn bay bổng, tươi sáng rực rỡ và tràn đầy khát vọng; thì thổ cẩm của người Thái vùng Mường Lò (Văn Chấn-Yên Bái) có mầu thẫm hơn, sử dụng nhiều gam màu trầm chất chứa những suy tư trăn trở trong chiều sâu tâm lý.
Thổ cẩm Mường – độc đáo họa tiết hoa văn trống đồng.
Với người Mường nghề dệt thổ cẩm được coi là nghề truyền thống, được truyền dạy từ đời này sang đời khác. Đặc biệt, ngay từ khi còn nhỏ mới lên tám, lên chín con gái Mường đã được bà, mẹ chỉ bảo cách trồng bông, quay tơ, kéo sợi. Lớn hơn ở độ tuổi trưởng thành mười bốn, mười lăm tuồi đã thuần thục bên khung cửi, dệt nên những tấm thổ cẩm nhiều mầu sắc.
Hoa văn trên thổ cẩm Mường là những hình ảnh cách điệu từ quả trám, hoa dẻ, hoa hồi… tuy không cầu kỳ nhưng gắn liền với tình yêu thiên nhiên và con người xứ Mường sống chủ yếu ở Hòa Bình và Thanh Hóa. Thổ cẩm được người Mường sử dụng để tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho các nhu cầu trong cuộc sống sinh hoạt. Các nhà nghiên cứu văn hóa đã thống kê có đến gần 40 mô típ hoa văn tren cạp váy của người Mường, trong đó tiêu biểu nhất là họa tiết hoa văn của mặt trống đồng Đông Sơn.
Để tạo ra một tấm thổ cẩm đẹp, màu sắc rực rỡ phải trải qua nhiều công đoạn. Từ tháng 5 âm lịch, là bắt đầu thu hoạch bông, sau khi phân loại, phơi khô mới đem vào ứu (cán bông) và kéo sợi. Mỗi con sợi dài chừng 15 – 20cm. Kéo sợi bằng xa, tay quay phải quay thật đều thì sợi chỉ mới mềm, đều, mịn, đẹp. Để nhuộm màu cho vải, người Mường thường sử dụng nguyên liệu là các loại cây trong rừng. Màu đỏ là cây bang, màu vàng lấy từ cây nghệ, màu đen lấy từ cây chàm…
Rực rỡ thổ cẩm Dao
Cũng giống như người Mông, hầu hết người Dao cũng dệt thổ cẩm từ cây lanh cắt về, đem phơi khô rồi tách lấy vỏ. Khi tách phải hết sức khéo léo sao cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau, không bị đứt nửa chừng. Những bó vỏ được cuốn chặt lại cho vào cối giã, đánh bong hết bột, chỉ còn lại sợi dai, sau đó cuộn lại thành những con sợi lớn.
Sau đó đem những con sợi luộc vài ba lần trên nước tro bếp, rồi cuối cùng luộc bằng nước sáp ong để sợi đạt được độ trắng, mềm mại rồi mới dệt thành vải bằng khung cửi đai lưng. Vải dệt xong phải mang đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng, sau đó trải trên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong, trượt đi trượt lại cho đến khi tấm vải phẳng phiu. Công đoạn đòi hỏi nhiều công sức nhất là thêu hoa văn trang trí lên tấm vải. Mẫu thêu chủ đạo là xoáy, hoa bí hay những họa tiết hoa văn lấy cảm hứng từ thiên nhiên như: cỏ, cây, hoa, lá, chim, muông…
Mầu chủ đạo trên thổ cẩm của người Dao là mầu đỏ tươi. Kỹ thuật thêu thoáng, để lộ nền đen, nền chàm trên các họa tiết, có tác dụng làm giảm độ rực chói của các mầu nguyên sắc. Mỗi tấm vải là sự kết tinh của đôi bàn tay khéo léo, sự tinh tế, tỉ mỉ của người phụ nữ Dao vùng Tây Bắc.