Thảm sát ở nhà thờ Công giáo Nigeria: Cảnh sát nỗ lực tìm kẻ mưu sát

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:09, 07/06/2022

Cảnh sát đã thu giữ một chiếc xe được những kẻ tấn công sử dụng để tẩu thoát trong vụ thảm sát tại nhà thờ St. Francis sáng 5-6 ở thị trấn Owo, bang Ondo, tây nam Nigeria làm ít nhất 50 người thiệt mạng.

Hàng chục người vẫn đang quằn quại trong đau đớn vì các vết đạn và thương tích do chất nổ gây ra sau vụ xả súng và nổ bom đẫm máu tại nhà thờ St. Francis sáng 5-6 ở thị trấn Owo, bang Ondo, tây nam Nigeria.

Nhiều người bị thương đang được chăm sóc tại Trung tâm y tế liên bang. Ảnh: Reuters

Theo số liệu không chính thức, đã có ít nhất 50 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, trong vụ tấn công hiếm hoi ở bang Ondo, nơi được coi là một trong những bang hòa bình nhất của Nigeria.

Reuters dẫn lời của Alex Michael, người bị bắn vào chân khi đang bảo vệ con mình bằng cách giấu chúng dưới ghế và vẫn chưa hết bàng hoàng khi ngồi trên giường bệnh tại Trung tâm y tế liên bang ở Owo rằng, “họ tiến vào và nổ súng khắp nơi”.

Ngoài Michael, nhiều người sống sót khác cũng chịu cảnh tứ chi quấn băng dính đầy máu.

Theo bác sĩ Samuel Aluko, 27 nạn nhân là người lớn đang được điều trị tại khoa của ông vì nhiều vết thương, một số nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, giám đốc y tế, bác sĩ Ahmed Lasu cho biết 13 trẻ em đã được đưa đến bệnh viện, trong đó hai trẻ đã tử vong khi đến nơi.

Các bệnh viện ở Ondo cũng đang trong tình trạng quá tải. Nhiều lời kêu gọi hiến máu đã được đưa ra nhằm cứu sống những người sống sót hiện đang được điều trị tại Trung tâm y tế liên bang (FMC), Bệnh viện Công giáo St. Louis và Bệnh viện Giảng dạy UNIMED.

Những phản ứng đầu tiên

Đức cha Augustine Ikwu, người phát ngôn của nhà thờ Công giáo tại Nigeria cho biết, thật buồn khi vụ việc xảy ra vào lúc diễn ra thánh lễ.

Có mặt tại hiện trường và thăm hỏi những người bị thương tại bệnh viện, Thống đốc bang Ondo, ông Arakuntin Oluwarotimi Akeredolu, gọi vụ việc tại nhà thờ St. Francis là "một cuộc thảm sát lớn" không nên để xảy ra lần nữa và gọi vụ tấn công là “Ngày chủ nhật đen tối tại Owo”.

Thống đốc bang Ondo, ông Arakuntin Oluwarotimi Akeredolu không cầm được nước mắt đau xót. Ảnh: Facebook

Vị thống đốc bang này đã kêu gọi lực lượng an ninh truy tìm những kẻ tấn công, đồng thời cam kết sử dụng mọi nguồn lực để truy bắt và bắt chúng phải trả giá.

Thống đốc bang Ondo cũng ra lệnh treo cờ rủ tại bang trong 7 ngày.

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã lên án vụ tấn công, gọi đó là "cực kỳ tàn ác" và "chỉ có những tên yêu quái” mới có thể “thực hiện hành động tồi tệ như vậy".

Người đứng đầu Nigeria cũng tuyên bố, dù thế nào đi nữa, Nigeria cũng sẽ không bao giờ nhượng bộ trước những kẻ xấu xa và độc ác, và bóng tối sẽ không bao giờ khuất phục được ánh sáng. “Nigeria cuối cùng sẽ giành chiến thắng”.

Tại Rome, Giáo hoàng Francis đã cầu nguyện cho các nạn nhân và đất nước Nigeria.

Thừa nhận là trong lịch sử của Owo chưa bao giờ xảy ra một vụ việc như vậy, nhà lập pháp Ogunmolasuyi Oluwole cho biết "điều này là quá nhiều".

Hòa bình mong manh

Nigeria đang trong cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy Hồi giáo ở đông bắc, và các nhóm vũ trang thường thực hiện những vụ tấn công và bắt cóc đòi tiền chuộc ở tây bắc quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Tại khu vực tây nam, những vụ tấn công như trên là tương đối hiếm.

Thực tế, vấn đề an ninh là một vấn đề nổi cộm ở Nigeria. Ông Muhammadu Buhari đã đắc cử tổng thống sau khi tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng an ninh kéo dài ở đây. Theo Liên hợp quốc, trong cuộc xung đột kéo dài gần 1 thập kỷ qua, phiến quân Boko Haram và các tay súng thuộc nhánh IS tại tỉnh Tây Phi (ISWAP) đã sát hại khoảng 36.000 người và khiến khoảng 2 triệu người dân ở Nigeria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Vụ thảm sát diễn ra tại một nhà thờ Công giáo ở Owo, cách thành phố lớn nhất Nigieria là Lagos hơn 300km về phía đông. Ảnh: Aljazeera

Ondo-một bang hòa bình của Nigeria cũng đã bị cuốn vào cuộc xung đột bạo lực gia tăng giữa nông dân và người chăn nuôi gia súc.

Reuters đưa tin, ngày càng có nhiều vụ bạo lực bùng phát trong những năm gần đây giữa những người chăn gia súc ở Fulani tìm kiếm đất cho gia súc của họ ăn cỏ và nông dân từ các nhóm dân tộc khác tìm cách bảo vệ đất đai của mình.

Sự gia tăng dân số và sự khô cằn ở miền bắc Nigeria là một trong những yếu tố khiến những người chăn gia súc ở Fulani ngày càng đi xa hơn về phía nam.

The Guardian đưa tin, Adeyemi Olayemi, một nhà lập pháp ở Ondo, tin rằng cuộc tấn công có khả năng là để trả đũa những hạn chế gần đây của chính quyền bang đối với việc chăn thả gia súc ở Ondo. Các hạn chế đã được thông qua sau khi gia tăng các vụ bắt cóc trong bang.

Lộ diện kẻ mưu sát

Cảnh sát cho biết họ đã thu hồi được các thiết bị nổ tự chế chưa phát nổ và đạn của súng AK-47.

Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Nigeria Olumuyiwa Adejobi cho biết một số tay súng cải trang thành giáo đoàn, trong khi những người đàn ông có vũ trang khác được bố trí xung quanh khuôn viên nhà thờ và bắn vào nhà thờ.

Ông cho biết một chiếc xe được những kẻ tấn công sử dụng để tẩu thoát đã được thu giữ. Chủ nhân của nó đã giúp điều tra.

Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu nói trên. Con số thương vong chính thức cũng chưa được công bố.

MAI HƯƠNG (tổng hợp)