Tìm bị hại trong vụ thao túng thị trường chứng khoán tại FLC

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:52, 07/06/2022

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo tìm các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán", xảy ra tại Tập đoàn FLC và các công ty có liên quan.

Sáng 7/6, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo tìm các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán", xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán", xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT ngày 29/3/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Tìm bị hại trong vụ thao túng thị trường chứng khoán tại FLC - 1

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo tìm các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án FLC. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Quá trình điều tra xác định, từ ngày 1/9/2016 đến ngày 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết, là nhân viên kế toán thuộc Ban Kế toán, Công ty CP Tập đoàn FLC), liên hệ với các cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân thành lập công ty.

Thực hiện chỉ đạo của Quyết, Huế liên hệ và cùng những người thân trong gia đình thành lập 20 công ty; đồng thời mượn, sử dụng chứng minh nhân dân của 26 người thân mở tổng cộng 450 tài khoản chứng khoán đứng tên Huế và các công ty, cá nhân tại 41 công ty chứng khoán (120 tài khoản mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS, 330 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác).

Theo Bộ Công an, việc Huế mở 450 tài khoản chứng khoán để liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu); mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa; đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán đối với 6 mã chứng khoán, gồm: Mã chứng khoán FLC của Công ty CP Tập đoàn FLC; mã chứng khoán ROS của Công ty CP Xây dựng FAROS; mã chứng khoán ART của Công ty CP Chứng khoán BOS; mã chứng khoán HAI của Công ty CP Nông dược HAI; mã chứng khoán AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone và mã chứng khoán GAB của Công ty CP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC, thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Để phục vụ yêu cầu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo cho các nhà đầu tư (người bị hại) mua mã chứng khoán FLC trong giai đoạn từ ngày 23/9/2020 đến ngày 10/01/2022; mã chứng khoán ROS trong giai đoạn từ ngày 1/9/2016 đến nay; mã chứng khoán ART trong giai đoạn từ ngày 2/1/2021 đến ngày 11/6/2021; mã chứng khoán HAI trong giai đoạn từ ngày 26/6/2017 đến ngày 9/02/2018; mã chứng khoán AMD trong giai đoạn từ ngày 26/5/2017 đến ngày 13/7/2017 và mã chứng khoán GAB trong giai đoạn từ ngày 19/12/2019 đến ngày 27/11/2020 biết, liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Phòng 4/C01) trước ngày 29/6/2022 để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Địa chỉ liên hệ: Số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội; số điện thoại trực ban: 069.2345860; số điện thoại di động: 0912733444.

Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) thành lập từ năm 2008, ngành nghề kinh doanh: Bất động sản, chứng khoán, du lịch, giáo dục, công nghệ pháp lý, hàng không... Tập đoàn FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết, do ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT (nắm giữ 30,34% cổ phần); bà Bùi Hải Huyền làm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật.

Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức. Các tài khoản này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn. Mục đích nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo. Mục đích đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1/12/2021 lên giá trần cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%).

Sau đó ông Trịnh Văn Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỷ đồng.

Liên quan đến hành vi "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC nói trên, ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chính thức ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết; xử phạt hành chính số tiền 1,5 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

UBCKNN cũng đã phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm tiếp theo.

Vụ án Thao túng thị trường chứng khoán được điều tra từ ngày 29/3 khi C01 khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt ông Trịnh Văn Quyết. Lần lượt sau đó, cảnh sát bắt bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ, cùng bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC và Nguyễn Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS.

Nguyễn Dương