Nam sinh Long An bị đánh hội đồng vì báo tin bạn hút thuốc: Giáo viên phải giữ bí mật, bảo vệ ‘cán bộ nằm vùng’!
Xã hội - Ngày đăng : 10:46, 07/06/2022
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài khoảng 50 giây ghi lại cảnh nhóm 5-6 học sinh nam đánh hội đồng một nam sinh khác ngay trong lớp học gây ra làn sóng phẫn nộ trong dư luận.
Nhóm học sinh này vừa dùng tay đánh, chân đá, tác động mạnh vào đầu, vào lưng nạn nhân vừa la lối, chửi bới lớn tiếng. Lúc này, nam sinh bị đánh chỉ biết lấy hai tay che chắn đầu và úp xuống mặt bàn. Xung quanh có nhiều học sinh nhưng không ai can ngăn, có người còn cầm điện thoại để quay clip.
Sự việc sau đó được xác minh là xảy ra tại Trường THCS Võ Văn Tần (Thị trấn Đức Hòa, Huyện Đức Hòa, Long An). Cả nhóm đánh bạn và nạn nhân đều là học sinh của trường. Một số giáo viên chủ nhiệm khối 8 xác định người bị đánh trong đoạn clip là em L.H.H, học sinh lớp 8A17.
Những học sinh cùng khối tham gia đánh em H. trong clip gồm: N.V.Q (lớp 8A17), N.V.T (lớp 8A5), P.N.L (lớp 8A11), N.T.V (lớp 8A12). Người quay clip là N.T.T.A (lớp 8A17).
Theo bản tường trình của các học sinh ra tay đánh bạn, do H. báo với giáo viên về chuyện một bạn nữ trong nhóm này hút thuốc nên nhóm này xông vào lớp đánh H. để trả thù.
Sau khi xem đoạn clip, Phòng GD&ĐT huyện Đức Hòa xác định đây là vụ bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng nên đã trực tiếp đến trường, yêu cầu hiệu trưởng nhà trường báo cáo với UBND thị trấn Đức Hòa, yêu cầu Công an thị trấn xác minh làm rõ các cá nhân vi phạm.
Trường THCS Võ Văn Tần nơi xảy ra sự việc |
“Em H. bị bạn đánh chấn thương phần mềm. Hiện sự việc đã được báo cáo về UBND huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường đã cử thầy, cô giáo đến thăm hỏi, động viên em H.
Đối với cá nhân vi phạm, trường đã thành lập hội đồng kỷ luật học sinh để xem xét hình thức kỷ luật phù hợp”, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đức Hòa cho biết.
Trong khi đó Sở GD&ĐT Long An cho biết đã nhận được báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Đức Hòa về đoạn clip quay lại cảnh nhóm học sinh đánh bạn ngay tại phòng học trong giờ giải lao. Riêng Công an Thị trấn Đức Hòa đang xác minh sự việc để phối hợp xử lý.
Nói về vụ bạo lực học đường này, thạc sĩ Hà Thái Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội 2 nhận định, có một thực tế là hiện nay nhiều giáo viên chủ nhiệm đã tận dụng “cán bộ nằm vùng” là những học sinh thân tín, phát hiện mâu thuẫn cũng như phát hiện những vấn đề tiêu cực trong lớp để xử lý nhanh chóng.
“Dùng “cán bộ nằm vùng” nhưng giáo viên cũng cần phải có kỹ năng giữ bí mật cũng như bảo vệ sự an toàn cho những “cán bộ nằm vùng” của mình, nếu không sự việc lộ ra rất có thể các em sẽ bị trả thù.
Ngay cả những học sinh được cho là “cán bộ nằm vùng” của giáo viên cũng phải được hướng dẫn những kỹ năng báo tin một cách an toàn”, thạc sĩ Hà Thái Hương nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường vẫn tiếp diễn là vì sau mỗi vụ việc, thường các bên gia đình chọn giải pháp hoà giải nên hầu như không có hình phạt thích đáng nào để răn đe. Vì thế các vụ bạo lực dường như vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân nữa là nhiều cơ sở giáo dục đã coi nhẹ vấn đề giáo dục đạo đức cho trẻ em, nhiều học sinh không còn tâm lý e sợ thầy cô giáo nữa. Trong khi đó, các phụ huynh thì lúc nào cũng lo con mình bị thiệt nên ra sức bảo vệ con, biết con đánh bạn là sai vẫn cãi cố dẫn đến nhiều học sinh có tâm lý không việc gì phải sợ các thầy cô.
Và hệ quả là học sinh không còn nể sợ ai, các em sẽ chọn cách xử lý là đánh nhau, đánh hội đồng và quay clip ngay trong lớp học.
Để hạn chế việc con mình bị đánh, phụ huynh cần chủ động giáo dục con về cách ứng phó khi bị bắt nạt, ví dụ như việc khi con bị đe dọa bắt nạt thì phải nói ngay với bố mẹ. Bố mẹ nên dạy con xử lý tình huống khi đứng trước một kẻ bắt nạt thì nên làm thế nào để đối phương phải dừng tay.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích trẻ nhận tham vấn hoặc nói chuyện với người lớn đáng tin cậy về cảm xúc của trẻ xung quanh vụ việc. Cân nhắc việc đến trường khi cần thiết với những trẻ rất sợ quay trở lại lớp học và làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con nếu con bị bắt nạt.
Hoàng Thanh