Dấu hiệu nào cho thấy bé chậm tăng cân và giải pháp giúp bé tăng cân đều đặn các mẹ nên biết
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:41, 07/06/2022
Do đó, trong quá trình nuôi dạy con mà bé có dấu hiệu chậm tăng cân, bố mẹ cần hết sức lưu ý để có sự can thiệp kịp thời và đúng cách để đảm bảo con yêu của mình luôn tăng trưởng lành mạnh, đúng độ tuổi, hạn chế những nguy cơ xấu có thể xảy ra.
# 1. Dấu hiệu trẻ chậm tăng cân
Một trong những dấu hiệu trẻ chậm tăng cân rõ ràng nhất là kích thước, cân nặng của cơ thể trẻ. Con của bạn nhỏ hơn nhiều so với những đứa trẻ khác cùng tuổi hoặc không đạt chỉ tiêu khi so sánh với bảng cân nặng, chiều cao tiêu chuẩn theo độ tuổi và giới tính được các chuyên gia khuyến cáo tức là bé chậm phát triển thể chất.
Ví dụ, thông thường 3 tháng đầu trẻ sơ sinh có thể tăng trung bình 600-800g mỗi tháng, có tháng tăng cả ký, tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 trẻ tăng trung bình từ 500 đến 600 gram. Khoảng thời gian từ 7 tháng đến 1 tuổi, mỗi tháng trẻ tăng trung bình từ 400 – 500 gram. Nếu bé nhà bạn có cân nặng nhẹ hơn 20% so với tiêu chuẩn và có chiều cao thấp hơn 10% so với chiều cao chung, chính là dấu hiệu rõ nhất cho thấy bé chậm tăng cân, kém phát triển.
Ngoài ra, nếu bé không được cung cấp đủ dinh dưỡng mỗi ngày, chậm tăng cân thường có các triệu chứng như: Bé mất hứng thú với thế giới xung quanh, không vui vẻ; Bé lờ đờ, thường xuyên quấy khóc; Trẻ biếng ăn;Trẻ ít đi ngoài, hay thậm chí nhiều ngày không đi ngoài; Trẻ chậm hoặc bỏ qua các cột mốc quan trọng (lẫy, ngồi, bò)…. Khi đó, nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp, bổ sung dưỡng chất kịp thời, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể trạng mà còn ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ trong tương lai.
# 2. Vì sao bé chậm tăng cân?
Bé chậm tăng cân có thể xuất phát từ một vài lý do cụ thể hay do tổng hòa các lý do khác nhau. Vì vậy để khắc phục sớm tình trạng này, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ càng tất cả những nguyên nhân gây chậm tăng cân xem con mình “mắc” ở trường hợp nào để có biện pháp tương ứng phù hợp và hiệu quả. Cụ thể, các chuyên gia đã đưa ra một số nguyên nhân chậm tăng cân phổ biến ở trẻ như sau, phụ huynh có thể tham khảo:
- Chất và lượng sữa không phù hợp
Với trẻ bú sữa mẹ: Mẹ ít sữa, bị mất sữa hoặc sữa không đủ dinh dưỡng do chế độ ăn uống kiêng khem quá mức, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng… Hoặc mẹ cho trẻ bú không đủ lượng sữa theo khuyến nghị và cho trẻ bú không đúng cách.
Với trẻ bú sữa công thức: Mẹ chọn loại sữa công thức không phù hợp với độ tuổi hoặc khẩu vị khiến trẻ lười bú, bú ít so với khuyến nghị. Hoặc mẹ pha sữa quá loãng chưa đủ cung cấp năng lượng và dinh dưỡng cần thiết mà cơ thể cần. Hoặc mẹ pha sữa quá đặc gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa khiến trẻ không hấp thu được dưỡng chất để phát triển.
- Sai lầm khi chế biến thực phẩm, cho trẻ ăn uống
Nhiều bố mẹ có xu hướng “tẩm bổ” cho bé thật nhiều các loại thực phẩm giàu chất đạm vì cho rằng như vậy bé sẽ tăng cân tốt, phát triển nhanh. Tuy nhiên điều này là sai lầm vì cho trẻ ăn quá nhiều đạm vô tình khiến trẻ no lâu và trở nên biếng ăn, chưa kể còn ảnh hưởng đến gan và thận do phải làm việc quá sức. Hoặc một số bà mẹ, lạm dụng nước hầm xương, thịt để nấu cháo, chế biến món ăn cho trẻ (không cho con ăn cả “xác” thực phẩm) nhưng thực chất chúng lại chứa rất ít dưỡng chất. Vì thế dù trẻ có ăn nhiều, vẫn không đủ lượng calo cần thiết để vận động và phát triển.
- Trẻ thiếu vitamin và khoáng chất
Thực tế, có không ít trường hợp bé chậm tăng cân, thấp bé so với các bạn cùng tuổi do chế độ ăn uống hàng ngày không đảm bảo hoặc thiếu hụt vitamin và khoáng chất quan trọng đối với sự phát triển như sắt, kẽm, canxi, kali, vitamin A, B, D… Khi đó bố mẹ cần cho con ăn thực phẩm hoặc uống các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ để bổ sung kịp thời những yếu tố đó cho con.
- Trẻ mắc các vấn đề bệnh lý
Trẻ bị bệnh đương nhiên ảnh hưởng đến sức khỏe, tốc độ tăng trưởng và sự phát triển của cơ thể cũng bị chậm lại. Bên cạnh những bệnh lý nghiêm trọng cần phải chữa trị ngay, còn có cả những bệnh “ẩn” mà nhiều bố mẹ không để ý hoặc chủ quan bỏ qua khiến bé chậm tăng cân như: rối loạn tiêu hóa, táo bón, cơ thể kém hấp thu, hay nôn trớ, trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm giun sán…. Tất cả nếu không được khắc phục sớm sẽ đều gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và kém hấp thu dinh dưỡng ở trẻ, dẫn đến chậm tăng cân, thậm chí là suy dinh dưỡng.
- Trẻ biếng ăn
Tình trạng lười/chán hoặc biếng ăn ở trẻ cũng khiến cân nặng đứng yên một chỗ mãi không tăng. Do biếng ăn nên các dưỡng chất nạp vào cơ thể không đủ cho sự phát triển, vận động hàng ngày vì vậy khiến trẻ chậm tăng cân.
- Trẻ quá hiếu động
Hiếu động quá sẽ khiến tốc độ trao đổi chất diễn ra nhanh chóng, điều này khiến cơ thể trẻ tiêu hao nhiều năng lượng trong khi lượng dưỡng chất nạp vào cơ thể không đủ, thiếu hụt cũng sẽ khiến trẻ chậm tăng cân. Vì vậy, việc ham chơi và mất tập trung khi ăn làm trầm trọng thêm tình trạng chậm tăng cân ở trẻ.
# 3. Bé chậm tăng cân phải làm sao?
Chậm tăng cân không phải là bệnh, nhưng là yếu tố quan trọng để đánh giá sức khỏe, sự tăng trưởng, phát triển toàn diện của một đứa trẻ. Chậm tăng cân nếu không phát hiện sớm, có giải pháp phục hồi sẽ khiến trẻ suy dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển. Do vậy, để nhanh chóng khắc phục tình trạng này, mẹ nên tham khảo và thực hiện ngay những biện pháp hữu ích theo lời khuyên của các bác sĩ dinh dưỡng:
3.1. Cần có chế độ ăn cân bằng, đa dạng cho bé
Một nguyên tắc cần thiết trong chế độ dinh dưỡng cho trẻ em, quyết định sự phát triển khỏe mạnh và tăng cân đều đặn của bé chính là cho bé ăn đủ chất và đa dạng. Chẳng hạn như trong bữa ăn cần có đầy đủ thịt, trứng, sữa, dầu mỡ, rau, củ… và mẹ nên thay đổi liên tục cách chế biến để bé ăn ngon miệng hơn, hạn chế cho bé ăn đi ăn lại một món, bởi điều này sẽ khiến trẻ khó nhận đủ chất dinh dưỡng và con tăng cân chậm , cũng như hạn chế sự hấp thụ của trẻ.
3.2. Chia nhỏ khẩu phần ăn
Mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần ăn của bé và tăng lên khoảng 5 – 6 bữa trong ngày, đồng thời mẹ cũng có thể cho bé ăn thêm bữa tối trước khi đi ngủ. Điều này không những giúp trẻ dễ ăn hơn mà còn dễ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, ngăn tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em.
3.3 Bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa
Các chất dinh dưỡng ngoài bữa ăn cũng có tầm quan trọng không nhỏ trong việc giúp bé bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và nhanh tăng cân hơn. Chính vì vậy, ngoài các bữa ăn, mẹ cũng nên bổ sung thêm các dưỡng chất cho bé từ nguồn khác nhau như sữa, sữa chua hay các loại trái cây giúp trẻ tăng cân hiệu quả.
Về việc lựa chọn sữa nào cho bé tăng cân thì mẹ nên chú ý chọn sản phẩm sữa của những thương hiệu uy tín lâu năm. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể cho bé uống các loại men vi sinh để tăng khả năng tiêu hóa.
3.4. Không nên ép trẻ ăn dù bé chậm tăng cân
Mẹ không nên cố gắng ép bé ăn hết bằng được kể cả khi thấy con tăng cân chậm, ăn ít, ăn không hết khẩu phần. Vì điều này đôi khi gây nên tình trạng bé bị trớ thức ăn, từ đó cảm thấy “sợ” mỗi khi nhìn thấy đồ ăn, dẫn đến tình trạng chậm tăng cân, biếng ăn còn trầm trọng hơn.
Do vậy mẹ chỉ nên cho bé ăn lượng vừa đủ, nếu thấy bé ăn quá ít mẹ có thể cho bé ăn thêm vào bữa phụ để bù đủ năng lượng, nuôi bé khỏe và giúp bé tăng cân tốt.
3.5. Cho trẻ vận động thể chất
Cùng với dinh dưỡng khoa học, vận động – tập luyện đúng cách cũng được xem là chìa khóa giúp trẻ tăng cân khỏe mạnh. Với những trẻ lớn, hãy thường xuyên cho trẻ ra ngoài trời vận động, vui chơi khoảng 30 phút/ngày như đạp xe, chạy nhảy, chơi bóng với bạn bè... Vận động giúp kích thích trẻ ăn ngon hơn, nhiều hơn, từ đó tăng cân, phát triển chiều cao, hơn nữa việc này còn khiến cho tinh thần của bé luôn vui tươi và ngủ ngon hơn.
3.6. Cần cho bé khám sức khỏe, tẩy giun định kỳ
Đây là cách tốt nhất để tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ không tăng cân. Mẹ nên đưa con đến các trung tâm dinh dưỡng uy tín để được các bác sĩ tư vấn lời khuyên và đưa ra giải pháp tốt nhất giúp con tăng cân đều đặn, luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện.
Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng lần với trẻ trên 2 tuổi cũng là một trong những giải pháp giúp trẻ tăng cân hiệu quả. Nếu trong cơ thể có giun sán chúng sẽ “hút” nhiều chất dinh dưỡng khiến cơ thể thiếu hụt dưỡng chất, mệt mỏi, biếng ăn, chậm phát triển…
3.7. Cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ
Hệ tiêu hóa được ví von như một “nhà máy” xử lý thức ăn. Nếu “nhà máy” xử lý thức ăn “có vấn đề”, bị rối loạn sẽ khiến việc hấp thu dưỡng chất không hiệu quả, dẫn đến chậm tăng cân. Do đó, để cải thiện cân nặng của trẻ cần cải thiện chức năng, công suất là việc của “nhà máy” tiêu hóa bằng men vi sinh giúp bổ sung lợi khuẩn probiotics và chất xơ hòa tan từ thực vật prebiotics.
Theo V.K (tổng hợp) - Vietnamnet