Việt Nam có thêm giống cà phê Arabica mới

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 06:58, 07/06/2022

Ngày 6/6/2022, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nông nghiệp Quốc tế (CIRAD) đã giới thiệu kết quả 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm thành công giống cà phê Arabica mới trồng tại Sơn La.
Việt Nam có thêm giống cà phê Arabica mới
Giới thiệu hạt của 5 giống cà phê Arabica được trồng tại Sơn La.

Tại đây, các khách mời được trực tiếp thưởng thức 5 mẫu cà phê thu hoạch từ các lô thử nghiệm được trồng vào năm 2018 tại Sơn La, để đánh giá hương vị của các giống mới và tiềm năng của chúng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cà phê ở vùng Tây Bắc Việt Nam.

Từ năm 2017, CIRAD, hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam và châu Âu, đã thử nghiệm các giống cà phê Arabica mới (lai F1) tại các khu vực miền núi của hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Những giống mới này, vốn được chọn lọc và phổ biến ở Trung Mỹ, nhằm giải đáp ba thách thức là thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với nông lâm kết hợp và nâng cao chất lượng cà phê.

Tháng 12/2019, hơn 3.000ha cà phê bị thiệt hại do rét đậm rét hại tại tỉnh Sơn La. Tại thời điểm đó, các chuyên gia thuộc CIRAD nhận định các giống hiện đang trồng không còn thích nghi với sự thay đổi của khí hậu trong những năm tới. Dự báo đến năm 2025, một nửa trong số 20.000ha cà phê ở Tây Bắc Việt Nam cần được tái canh.

Việc giới thiệu và khảo nghiệm các giống mới này trước tiên được Liên minh Châu Âu tài trợ thông qua dự án BREEDCAFS từ năm 2017 đến năm 2022, sau đó được Liên minh Châu Âu và AFD tài trợ thông qua dự án ASSET kể từ năm 2021.

Việt Nam có thêm giống cà phê Arabica mới
Các khách mời thưởng thức và so sánh hương vị của các giống cà phê mới.

“Những giống này đặc biệt thích hợp với nông lâm kết hợp vì chúng duy trì năng suất tốt trong điều kiện che bóng”, ông Pierre Marraccini, đại diện CIRAD cho biết.

Theo chia sẻ của ông Pierre Marraccini, giống cà phê mới đem lại mức sản lượng cao hơn năng suất trung bình trong khu vực từ 10 đến 15%, kết hợp với chất lượng thưởng thức tốt hơn sẽ đảm bảo thu nhập xứng đáng hơn cho người sản xuất. Bên cạnh đó, nông lâm kết hợp, một mô hình nông nghiệp bền vững do CIRAD thúc đẩy, bao hàm xen canh các loại cây trồng trên ruộng nương, sẽ góp phần tạo độ phì cho đất, duy trì đa dạng sinh học và điều hòa khí hậu.

Ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết: “Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta thay thế các giống cà phê cũ bằng các giống cà phê lai mới là thành quả nghiên cứu của CIRAD. Quá trình công nhận các giống này sau khi hoàn tất sẽ cho phép chúng được phổ biến trên toàn quốc, không chỉ ở Tây Bắc mà còn ở các địa phương khác như tỉnh Lâm Đồng”.

Việt Nam có thêm giống cà phê Arabica mới
Cà phê Arabica được trồng nhiều nhất tại Sơn La và Điện Biên.

Sau 10 thử nghiệm thực địa ở những độ cao khác nhau với những đặc trưng khí hậu khác nhau như: nóng và mưa nhiều (Mường Ảnh, Muổi Họi), nhiệt độ trung bình và lượng mưa thấp (Mường Chanh, Chiềng Mai, Chiềng Pha), lạnh và mưa nhiều (Toả Tình), CIRAD kết luận, các giống cà phê mới thích nghi với điều kiện khí hậu hiện tại và tương lai (biến đổi khí hậu). Cây cà phê tăng trưởng ở vùng cao tốt hơn so với vùng thấp, sức sống của các giống mới cao hơn so với giống Catimor phổ biến hiện nay. Trong điều kiện hiện tại, các giống mới này rất thích hợp với vùng Tây Bắc Việt Nam và đặc biệt là vùng cao nhờ khả năng chống chịu tốt hơn.

Việc trồng xen canh cây lâu năm và cây ngắn ngày (nông lâm kết hợp) giúp người nông dân tăng thu nhập, đa dạng hoá nguồn thu từ cây ăn trái hoặc cây lấy gỗ, cải thiện độ phì nhiêu của đất, điều tiết khí hậu, và cô lập carbon. Tất cả các giống đều có năng suất tương đương khi độc canh, nhưng chỉ các giống lai F1 mới duy trì được năng suất cao trong điều kiện nông lâm kết hợp.

Về chất lượng vật lý của hạt cà phê, hạt cà phê thường có chất lượng tốt hơn khi được trồng ở độ cao, đối với tất cả các giống. Tuy nhiên, cà phê Catimor có tỷ lệ hạt lép và hạt lỗi cao hơn, trong khi giống cà phê mới Centroamericano H1 có kích cỡ hạt lớn hơn. Chất lượng của H1 cũng ổn định ở mọi độ cao, đây cũng là giống có hương vị đặc trưng nhất.

Tuân Nguyễn