Trung Quốc cần gì ở Thái Bình Dương?

Đối ngoại - Ngày đăng : 21:24, 06/06/2022

Trong một bài bình luận trên The Conversation, ông Denghua Zhang, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia nhận định về những tính toán của Trung Quốc trong việc tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương. TG&VN lược dịch bài viết.
Tính toán của Trung Quốc tại Thái Bình Dương
Thủ tướng Vanuatu Bob Loughman Weibur và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại lễ ký thỏa thuận giữa hai nước ngày 1/6. (Nguồn: AFP)

Hai mục tiêu quan trọng

Tiến hành chuyến công du kéo dài 10 ngày đến các quốc đảo Thái Bình Dương đầu tháng 6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của tất cả 10 quốc đảo có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Đây là chuyến công du thứ 2 của một ngoại trưởng Trung Quốc đến khu vực này kể từ năm 2006 và là sự kiện đáng chú ý diễn ra sau Hội nghị trực tuyến ngoại trưởng các quốc đảo Thái Bình Dương-Trung Quốc tháng 10/2021.

Tuy nhiên, câu hỏi được nêu lên là, rốt cuộc Trung Quốc cần gì ở Thái Bình Dương và tại sao Bắc Kinh lại đặc biệt quan tâm đến khu vực này như vậy?

Trung Quốc đang nhắm đến 2 mục tiêu quan trọng ở khu vực, đó là mục tiêu về ngoại giao và mục tiêu về chiến lược.

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc cần lá phiếu ủng hộ của các quốc đảo Thái Bình Dương tại Liên hợp quốc (LHQ).

Các quốc gia này, hầu hết là các nước nhỏ, đều có quyền bỏ phiếu bình đẳng tại LHQ. Sự ủng hộ của các quốc đảo này có ý nghĩa đối với Trung Quốc.

Về mặt chiến lược, Trung Quốc coi các đảo quốc ở Thái Bình Dương là mục tiêu của cái gọi là “hợp tác Nam-Nam” (mối quan hệ đối tác giữa các nước đang phát triển). Nhằm giảm bớt áp lực chiến lược từ các nước phát triển, Trung Quốc cố gắng tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nước đang phát triển.

Theo cách hiểu này, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc với các cường quốc truyền thống do Mỹ dẫn đầu là động lực chủ yếu thôi thúc chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới khu vực Thái Bình Dương.

Ngày 24/5 vừa qua, các thành viên nhóm Bộ tứ (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) đã ra tuyên bố chung hứa hẹn sẽ tăng cường hỗ trợ cho các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày đã ra thông báo về lịch trình chuyến thăm Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Vương Nghị.

Những thành tựu cụ thể trong hợp tác giữa các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Sơn Đông (Trung Quốc) với các quốc đảo Thái Bình Dương cũng được công bố một ngày sau đó.

Trung Quốc đang phát đi tín hiệu cho rằng nước này sẽ không nhượng bộ trong cuộc cạnh tranh với các cường quốc truyền thống. Trung Quốc cũng muốn gửi một thông điệp rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Ý nghĩa về mặt an ninh và cạnh tranh chiến lược

Về lâu dài, các quốc đảo Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc trên khía cạnh an ninh.

Quân đội Trung Quốc, đặc biệt là hải quân, đã đặt mục tiêu phá vỡ vòng vây các “chuỗi đảo” (cụ thể là một loạt các căn cứ quân sự trên các đảo gần Trung Quốc và trên Thái Bình Dương mà Bắc Kinh tin rằng Mỹ và các đồng minh đang sử dụng để bao vây Trung Quốc).

Các quốc đảo Thái Bình Dương nằm dọc theo các “chuỗi đảo” này. Điều bất ngờ là Trung Quốc cũng mong muốn có được chỗ đứng ở Thái Bình Dương về lâu dài.

Để đạt được những mục tiêu trên, Trung Quốc nỗ lực tìm cách thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đảo quốc Thái Bình Dương.

Cụ thể, Bắc Kinh đã nhấn mạnh rằng nước này coi các quốc đảo là những đối tác bình đẳng, đồng thời nêu bật cơ hội về kinh tế khi hàng hóa từ khu vực Thái Bình Dương thâm nhập vào thị trường Trung Quốc cũng như lợi ích từ các khoản viện trợ của nước này.

Tính toán của Trung Quốc tại Thái Bình Dương
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh tháng 10/2019.

Cách tiếp cận thận trọng

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã đề xuất 2 thỏa thuận với các đối tác Thái Bình Dương, dự kiến được ký kết trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị gác lại do thiếu sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương về thực chất của những thỏa thuận này và nguy cơ tác động tiêu cực đến an ninh khu vực.

Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo đã gửi thư cảnh báo tất cả các nhà lãnh đạo quốc đảo và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương rằng việc ký kết các thỏa thuận này có thể kéo các đảo Thái Bình Dương vào cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai.

Động thái này có lẽ đã khiến Trung Quốc bất ngờ bởi trước đó 2 năm, Tổng thống Panuelo đã thực hiện thành công chuyến thăm cấp cao đến Trung Quốc và ca ngợi mối quan hệ hai nước là “tình hữu tốt đẹp được nâng lên một tầm cao mới”.

Không được như kỳ vọng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/5 đã chuyển 2 văn bản thỏa thuận này thành một văn kiện vắn tắt và công bố ngày 30/5.

Điểm khác biệt chủ yếu trong văn kiện vắn tắt này là Trung Quốc chỉ nêu ngắn gọn mức độ sẵn sàng hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy an ninh khu vực, chống tội phạm xuyên quốc gia và giải quyết những mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Trái với trước đó, hai dự thảo thỏa thuận ban đầu hàm chứa nhiều nội dung chi tiết hơn về hợp tác an ninh như đào tạo cho lực lượng cảnh sát ở khu vực và tăng cường hợp tác an ninh mạng. Rõ ràng, Trung Quốc đã biết cách giảm bớt tầm mức của kế hoạch hợp tác ban đầu với các quốc đảo Thái Bình Dương trên lĩnh vực an ninh, một lĩnh vực hợp tác ngày càng nhạy cảm.

Xét về tương lai gần, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thận trọng hơn trong việc mở rộng can dự đối với khu vực Thái Bình Dương.

Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào các mối quan hệ hợp tác thực chất trên những lĩnh vực ít nhạy cảm hơn như biến đổi khí hậu, giảm đói nghèo, nông nghiệp và cứu trợ thiên tai. Trung Quốc cũng sẽ vận động để nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ các quốc đảo Thái Bình Dương trước khi sẵn sàng đề xuất lại các thỏa thuận có quy mô lớn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Phương Hà