Đề xuất tăng hình phạt đối với tội phạm liên quan "tín dụng đen"
Pháp luật - Ngày đăng : 10:17, 06/06/2022
Theo báo cáo, từ ngày 15/4/2019 đến ngày 14/4/2022, toàn TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, phát hiện 381 vụ việc có liên quan đến tín dụng đen (đã khởi tố 112 vụ, 268 bị can) với các tội danh như Đe dọa giết người, Cố ý gây thương tích, Bắt, giữ, giam người trái pháp luật, Cưỡng đoạt tài sản…; 1.316 lượt đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động cho vay lãi nặng.
Thống kê kết quả đấu tranh, xử lý cho thấy phần lớn các vụ việc, vụ án thuộc chương các tội xâm phạm sở hữu và chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, phù hợp với những mâu thuẫn thường nảy sinh khi có hành vi liên quan đến đòi nợ diễn ra. Trong số 112 vụ bị xử lý hình sự, số vụ cố ý gây thương tích chiếm tỷ lệ cao (28 vụ, chiếm 25%).
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, việc ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg là một quyết định kịp thời, đúng đắn thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm giải quyết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", để chỉ đạo tập trung cao độ, quyết liệt và toàn diện.
Trên cơ sở đó, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp công tác để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" và đã mang lại những hiệu quả rõ rệt như: Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đạt được nhiều kết quả tích cực; Tỷ lệ án được truy tố, xét xử tăng…
Trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm đến hoạt động "tín dụng đen", UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an thành phố thực hiện nghiêm các quy định về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT cho các cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính; không cấp phép cho bất kỳ cơ sở nào kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Tăng cường tổ chức kiểm tra hành chính tại các địa bàn trọng điểm, các khu công nghiệp nơi tập trung nhiều cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính.
Lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng chức năng thành lập đoàn liên ngành và tiến hành kiểm tra, thanh tra 1.280 lượt các cơ sở kinh doanh liên quan đến "tín dụng đen", phát hiện 173 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 131 cá nhân…
Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm đến hoạt động "tín dụng đen" đã giúp cho lực lượng Công an nắm được tình hình đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động và các sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, đáo hạn ngân hàng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm được đẩy mạnh làm cho tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" giảm cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này được siết chặt.
UBND TP Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Công an kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của Điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng tăng hình phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng, vốn là hành vi gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Cụ thể: Tại khoản 2, Điều 201 Bộ luật Hình sự quy định chế tài xử lý đối với hành vi này là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, đây là mức chế tài khá nhẹ so với mức lợi nhuận mà hoạt động này mang lại nên chưa đủ sức răn đe tội phạm.
UBND thành phố cũng đề xuất Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19. Đồng thời hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ việc sản xuất, kinh doanh không phải tìm đến "tín dụng đen".