Kết thúc Đại lễ bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:23, 06/06/2022
Hàng nghìn nghệ sĩ biểu diễn diễu hành dọc theo tuyến đường dài ba km từ Tổng hành dinh Hộ Kỵ binh Hoàng gia Anh ở trung tâm thủ đô London tới Cung điện Buckingham, kể lại câu chuyện về cuộc đời Nữ hoàng bằng những điệu nhảy, những bộ trang phục sặc sỡ, âm nhạc và những con rối khổng lồ.
Trong ảnh là xe rước vàng 260 năm tuổi xuất hiện tại buổi diễu hành bế mạc Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II. Trên phần cửa sổ xe là màn hình trình chiếu hình ảnh Nữ hoàng. (Ảnh: Reuters) |
Nữ hoàng Elizabeth II kế vị vua cha George VI năm 1952, khi bà 25 tuổi. Bà đã góp công lớn khôi phục nước Anh sau Thế chiến II. Trải qua 70 năm trị vì, bà đã trở thành một biểu tượng lãnh đạo hoàng gia vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Các thành viên Hoàng gia Anh tham dự lễ trao danh hiệu bạch kim, đánh dấu kết thúc chuỗi ngày kỷ niệm 7 thập kỷ trị vì của Nữ hoàng. (Ảnh: Reuters) |
Nữ hoàng đã xuất hiện vào ngày cuối của Đại lễ, vẫy chào công chúng từ ban công Cung điện Buckingham cùng Thái tử Charles, Công nương Camilla và Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge và các con.
Theo phóng viên TTXVN tại London, sau khi không tham dự một số sự kiện của Đại lễ do gặp khó khăn về di chuyển, Nữ hoàng đã xuất hiện vào ngày cuối của Đại lễ, vẫy chào công chúng từ ban công Cung điện Buckingham cùng Thái tử Charles, Công nương Camilla và Công tước và Nữ công tước xứ Cambridge và các con.
Tại lễ rước, cỗ xe ngựa vàng Gold State Coach chở Nữ hoàng đến Tu viện Westminster ngày bà đăng quang vào năm 1953 lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sau 20 năm.
Lễ rước dài 3km gồm màn biểu diễn dọc đại lộ the Mall dẫn đến Cung điện Buckingham của các vũ công trong trang phục của những năm 1950, khắc họa các thập kỷ trong 70 năm trị vì của Nữ hoàng.
Những chiếc xe buýt mui trần và xe hơi cổ cùng các vận động viên đua xe đạp Olympic và binh sĩ của quân đội từ Anh và Khối thịnh vượng chung đi dọc theo con đường mà Nữ hoàng 96 tuổi đã đi vào ngày bà lên ngôi năm 1953.
Lễ rước cũng gồm phần trình diễn "Dòng sông Hy vọng" mang 200 lá cờ lụa được thiết kế bởi các học sinh trung học thể hiện mong muốn của các em về tương lai của hành tinh trong 70 năm tới.
Lễ rước có sự góp mặt của hơn 100 nhân vật nổi tiếng, trong đó có ca sỹ Ed Sheeran, người đã hát quốc ca tại buổi lễ, cựu cầu thủ bóng đá Gary Lineker, người mẫu Kate Moss, vận động viên chạy Mo Farah…
Cũng trong ngày 5/6, hơn 85.000 người đã tổ chức các “Bữa trưa Năm Thánh" trên khắp nước Anh, như một phần của 16.000 bữa tiệc đường phố của Đại lễ.
Khoảng 600 bữa tiệc như vậy cũng được tổ chức trên toàn cầu, gồm các quốc gia như Canada, Brazil, New Zealand, Nhật Bản và Nam Phi.
Ngày cuối cùng của Đại lễ diễn ra sau khi Thái tử Charles, 73 tuổi, bày tỏ lòng kính trọng với người mẹ của mình tại buổi hòa nhạc nhạc trực tiếp bên ngoài Cung điện Buckingham vào tối ngày 4/6 với sự góp mặt của một số ngôi sao lớn của thế giới.
Trong một thông điệp gửi tới Nữ hoàng khi bà ở tại Lâu đài Windsor và không trực tiếp tham dự sự kiện này của Đại lễ, Thái tử Charles nhấn mạnh Nữ hoàng đã cam kết phụng sự cả đời cho đất nước và bà vẫn đang tiếp tục sự phục vụ của mình.
Đại lễ bạch kim mở màn vào ngày 2/6 bằng Lễ diễu hành của Quân đội hoàng gia Anh (Trooping the Colour) ở London, là nghi lễ hàng năm kỷ niệm sinh nhật vị quân vương nước Anh.
Lễ diễu hành được tiếp nối bằng màn bay biểu diễn của Không quân Hoàng gia Anh vào trưa ngày 2/6 và lễ thắp 3.500 đèn hiệu chào mừng ở khắp Vương quốc Anh, quần đảo Channel, đảo Man và các lãnh thổ hải ngoại của Anh vào tối cùng ngày.
Để tôn vinh 70 năm trị vì của Nữ hoàng, ngày 3/6 đã diễn ra Lễ tạ ơn tại nhà thờ St Paul ở London với sự tham dự của các thành viên hoàng gia, Thủ tướng Boris Johnson, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer, thị trưởng London Sadiq Khan và hơn 400 khách danh dự.
Hàng trăm nghìn người trên khắp đất nước đã có mặt tại London để theo dõi trực tiếp các sự kiện của Đại lễ và tận hưởng các buổi dã ngoại trong sự kiện lớn đầu tiên của quốc gia kể từ đại dịch COVID-19.
Sự kiện cũng thu hút nhiều kênh truyền hình và phóng viên quốc gia và quốc tế đến London đưa tin.
Đại lễ bạch kim là lễ kỷ niệm lần thứ tư ngày Nữ hoàng lên ngôi, sau các lễ kỷ niệm Bạc, Vàng và Kim cương vào năm 1977, 2002 và 2012, đánh dấu 25 năm, 50 năm và 60 năm trị vì của Bà.
Nữ hoàng Elizabeth II thừa kế ngai vị ngày 6/2/1952, sau khi Vua cha George băng hà, trở thành vị quân vương trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Thời gian tại vị của Nữ hoàng đã chứng kiến sự lãnh đạo của 14 thủ tướng Anh.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Anh tin rằng chế độ quân chủ nên được duy trì và một cuộc khảo sát gần đây của Ipsos cho thấy 9/10 người được hỏi ủng hộ Nữ hoàng.