Còn nhiều dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng dầu

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 07:39, 06/06/2022

Trước sự “tăng nóng” của giá xăng dầu thời gian qua, đe dọa trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất – kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, còn nhiều dư địa để “hạ nhiệt” giá…

Theo đó, sau 14 lần điều chỉnh giá xăng dầu tính từ đầu năm với 6 lần tăng giá liên tiếp trong 2 tháng qua, giá xăng E5RON92 hiện đã ở mức 30.235 đồng/lít; Giá xăng RON95 tăng kỷ lục lên 31.578 đồng/lít. Cùng với giá xăng, giá các loại dầu thông dụng cũng “leo” dần lên từ 20.901 đồng/kg đối với dầu mazut đến 26.394 đồng/lít đối với dầu diezel.

Trước sự “tăng nóng” này, liên Bộ Công Thương - Tài chính lý giải, thời gian gần đây thị trường xăng dầu thế giới liên tục có biến động về giá, do chịu tác động bởi việc các nước châu Âu đã thống nhất tăng mức cấm vận đối với các sản phẩm xăng dầu từ Nga. Trong khi đó, tồn kho dầu thô của Mỹ vẫn ở mức thấp; nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc gia tăng… là những yếu tố đã tác động không nhỏ đến giá xăng dầu trong nước.

Giá xăng dầu liên tục leo thang trong thời gian qua - BĐ: VNE

Giá xăng dầu liên tục leo thang trong thời gian qua

Thực tế, việc giá xăng dầu vượt đỉnh lịch sử, không chỉ tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ, chi phí vận tải tăng theo,… mà còn tác động đến tỷ lệ lạm phát thực tế.

Và trước nguy cơ đe dọa mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần chủ động hơn để xem xét, đề xuất giảm thêm một số loại thuế, phí khác. Nhà nước có thể phải chấp nhận giảm nguồn thu, điều tiết nguồn thu Nhà nước sang nền kinh tế, nhưng đổi lại sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp có thêm nguồn để chống chọi với khó khăn mới.

Trước đó, thông tin với báo chí, TS Nguyễn Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cũng cho hay, việc điều hành giá xăng dầu, quan trọng nhất là chi phí đầu vào và vấn đề kiểm soát lạm phát. Hiện nay, dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng.

Theo vị chuyên gia này, hiện, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải “cõng” 38-40% là thuế, phí và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng. Ngoài ra, còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

Ông Ánh nhận định, thu ngân sách chiếm từ 30-50% giá bán lẻ xăng dầu trên mỗi một lít xăng, đây là dư địa rất lớn để nhà chức trách điều hành giá xăng dầu. Ví dụ, một lít xăng 30.000 đồng, dư địa điều hành còn khoảng 10.000 - 15.000 đồng, chứ không chỉ 2.000 đồng giảm 50% Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ đầu tháng 4 đến hết năm nay.

Chỉ có điều việc giảm thuế phí cần cân nhắc, đánh đổi giữa một bên là thu ngân sách và một bên là giảm giá giá xăng dầu để phục vụ mục tiêu trong chương trình phát triển, phục hồi kinh tế.

các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần chủ động hơn để xem xét, đề xuất giảm thêm một số loại thuế, phí khác - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần chủ động hơn để xem xét, đề xuất giảm thêm một số loại thuế, phí khác - Ảnh minh họa

Đồng quan điểm đã nêu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, vẫn còn dư địa để giảm giá xăng dầu. Dù vậy, phải tính toán các công cụ khác để hài hòa, vì diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng mạnh.

Theo ông Thịnh, mức thuế, phí đang chiếm tỉ trọng rất cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó, các loại thuế, phí chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng, và tỉ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%. Vì vậy, ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt quỹ bình ổn giá, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50%, cần xem xét cân nhắc giảm thuế, phí như thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó, nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Thịnh bày tỏ.

Bên cạnh những quan điểm đã nêu, thực tế, nhiều chuyên gia cũng cho hay, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian. Vì vậy, cùng với việc đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, cần tính toán lại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, theo hướng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc bãi bỏ sắc thuế này với xăng.

Về dư địa giảm giá xăng dầu, Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu TP. Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhận định, rõ ràng nguyên liệu nhập khẩu vào cao thì đội giá thành lên, nên chúng ta chỉ còn một cách là cắt giảm bớt phần thu như thuế phí. Khi xăng còn tăng giá thì đó là dư địa để chúng ta tiếp tục giảm các loại thuế. Mặc dù, ngay lúc này, việc giảm các loại thuế cùng các chính sách miễn, hoãn, giảm các loại đóng góp sẽ ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, nhưng chúng ta chấp nhận việc ảnh hưởng nguồn thu ngân sách.

Theo ông Cường, có 2 điểm phải chú ý, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế để điều tiết hành vi để người ta lựa chọn xem tiếp tục tiêu thụ nhiều hay lựa chọn cái khác. Trong bối cảnh chúng ta có được khả năng lựa chọn thì thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác dụng tốt. Ví dụ như giữa tiêu dùng xăng sinh học và xăng khác thì thuế tiêu thụ đặc biệt khác nhau nên chúng ta phải tính đến có thể điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt vì xăng dầu bây giờ không phải là mặt hàng xa xỉ nữa. Tuy nhiên, phải tính làm sao vẫn có điều tiết hành vi tiêu dùng để lựa chọn.

“Thuế bảo vệ môi trường đang tính chung trên các loại xăng dầu thì có thể là yếu tố để chúng ta điều chỉnh để mỗi yếu tố đầu vào giảm đi sẽ cho giá bán ra giảm”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo DDDN