TS Nguyễn Việt: Khảo cố học vốn là một chuyên ngành của địa chất
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 16:28, 05/06/2022
TS Nguyễn Việt đã có cuộc trao đổi với VietTimes xung quanh vấn đề này.
PV: Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một số nét khái quát về ngành khảo cổ học?
TS Nguyễn Việt: Khảo cổ học là một ngành khoa học chuyên tìm kiếm, nghiên cứu các dấu tích của lịch sử, nhất là từ khi có loài người. Theo đuổi chuyên ngành này là việc không dễ và đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc cả các kiến thức về khoa học tự nhiên.
Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu, bên cạnh việc tìm ra những sự thật và giá trị lịch sử, người làm khảo cổ biết đâu sẽ tìm hiểu ra được rất nhiều điều kỳ thú và lời giải của nó có thể sẽ rất có giá trị ngay cả với những nghiên cứu khoa học đương đại.
PV: Khảo cổ học và khoa học lịch sử là những ngành học có lẽ rất khó tự tồn tại trong cơ chế thị trường. Là một nhà khoa học độc lập trong lĩnh vực này, xin ông chia sẻ một số thực tế của chính mình.
TS Nguyễn Việt: Đúng là ở Việt Nam và một số nước thì khảo cổ học và khoa học lịch sử là những ngành mà ngân sách nhà nước phải bao cấp. Tuy nhiên, phụ thuộc vào sự bao cấp cũng sẽ có những khó khăn nhất định. Vì thế, chính tôi đã chủ động chia tay với cơ chế bao cấp đó từ những năm 1990 (khi đó TS Nguyễn Việt còn công tác ở Viện Khảo cổ học - tác giả). Để tự mình sống được bằng chính những nghiên cứu khoa học, người làm khảo cổ học như tôi cần có tư duy khác trước.
Ít ai nhìn thấy hết được giá trị của khảo cổ học để có thể kiếm được đồng tiền chính đáng từ nó. Từ những nghiên cứu của mình, tôi đã tìm ra phương pháp dệt vải thủ công của người xưa và những kết quả đó đã làm sống lại cả một làng nghề ở Hoà Bình.
Cũng cần phải nói đến một thực tế khi loài người chưa biết làm muối từ nước biển thì họ đã biết đến các khoáng chất tự nhiên trong các loại đá để có muối cho cơ thể. Chính những kết quả nghiên cứu này của các nhà khảo cổ cũng là cơ hội cho những ai muốn khai thác các khoáng chất mà chắc chắn là có thị trường.
Thêm nữa, tôi cũng đang mơ ước xung quanh việc tìm ra một chiếc vỏ ốc trong hang đá di chỉ khảo cổ. Ngoài việc xác định niên đại của vỏ ốc bằng các phương pháp khoa học, thì bản thân tôi đã nảy ra một ý định nghiên cứu về công nghệ vật liệu và nếu thành công thì sẽ rất có giá trị với ngành đóng tàu. Bởi điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên là bản thân con ốc đã tiết ra một chất để tạo ra cái vỏ của nó lớn dần theo thời gian và rất bền trong cả môi trường nước mặn lẫn nước ngọt.
Đó là điều mà tôi cho rằng các chuyên gia về công nghệ vật liệu và công nghệ sinh học cần vào cuộc để nghiên cứu, nhằm sản xuất được loại vật liệu này và nếu thành hiện thực thì sẽ rất có giá trị với ngành đóng tàu.
Trong điều kiện hiện nay, những người như tôi hoàn toàn có thể thành lập doanh nghiệp về khoa học công nghệ và lấy tiền lời của những việc khác để đầu tư nghiên cứu về khảo cổ học. Thậm chí có thể là đầu tư mua đất đai ở chính các di chỉ khảo cổ để xây dựng các công trình phục vụ khách du lịch đến tham quan.
Ở các nước phát triển, các nhà khảo cổ học về cơ bản cũng phải tự kiếm sống và lấy tiền đầu tư lại cho khoa học. Tất nhiên, họ vẫn có thể tìm kiếm được những khoản tài trợ của Chính phủ và các nguồn khác. Ngay cả tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến những nghiên cứu của chúng tôi và bỏ tiền tài trợ mà không nhất thiết đòi hỏi phải có kết quả thiết thực cho họ.
PV: Có một thực tế không chỉ ở Việt Nam là các nhà địa chất trong quá trình nghiên cứu, tìm kiếm tài nguyên khoáng sản, cũng vô tình tìm thấy những di chỉ khảo cổ. Cũng không ít người trong số họ lại bước vào sự nghiệp mới để đi theo con đường khoa học về khảo cổ. Ông có nhận xét gì về thực tế này?
TS Nguyễn Việt: Về câu hỏi này, tôi cũng xin được nhắc lại điều mà mình đã nói nhiều lần rằng khảo cổ học vốn dĩ là một chuyên ngành của địa chất.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, những kết quả nghiên cứu về khảo cổ học đầu tiên ở Việt Nam dưới thời kỳ thực dân Pháp là của chính các nhà địa chất trong quá trình thăm dò tài nguyên khoáng sản, khảo sát làm đường sá, cầu cống… Những điều kiện về trang thiết bị phục vụ nghiên cứu địa chất của họ cũng là những phương tiện thuận lợi để có thể sử dụng cho nghiên cứu khảo cổ.
Các nhà địa chất nhân điều kiện công tác hoàn toàn có thể có những phát hiện về khảo cổ |
Ngược lại, với các chuyên gia khảo cổ, những nghiên cứu của họ không chỉ có thể đóng góp cho riêng địa chất mà còn góp phần cho nhiều lĩnh vực khác, như công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, năng lượng, y học…
Chính vì thế, việc xây dựng những mối quan hệ, giao lưu giữa khảo cổ học với địa chất nói riêng và các ngành khoa học nói chung là hết sức cần thiết. Cũng cần khẳng định lại rằng, khảo cổ học được ra đời từ địa chất học và ngành khảo cổ học Việt Nam cần phải nhớ về cội nguồn đó của mình.
PV: Các thành tựu khoa học ngày nay mà đặc biệt là CNTT đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Riêng với khảo cổ học, CNTT cũng là một công cụ không thể thiếu. Xin ông cho biết một số thực tế của khoa học công nghệ nói chung và CNTT nói riêng đối với ngành khảo cổ học.
TS Nguyễn Việt: Khảo cổ học là chuyên ngành cần đến rất nhiều máy móc thiết bị phức tạp và đắt tiền. Điển hình có thể nói đến một công cụ là máy đo đồng vị phóng xạ để xác định niên đại cổ vật. Ngoài ra, còn rất nhiều trang thiết bị khác và để sử dụng, khai thác được nó cũng không đơn giản. Riêng với CNTT thì đó là một công cụ làm việc mới cho các nhà khảo cổ học.
Đơn cử như việc phục dựng khuôn mặt của người tiền sử từ các sọ đầu lâu khai quật được, nếu dùng các phương pháp cũ thì sẽ rất mất thời gian và tốn kém. Tuy nhiên, nếu công việc đó được tích luỹ kiến thức và chuyển sang sử dụng công nghệ đồ hoạ 3 chiều (3D) làm công cụ, thì sẽ tiết kiệm được cả về thời gian và tiền bạc mà kết quả sẽ tối ưu hơn (năm 2006, TS Nguyễn Việt đã công bố kết quả nghiên cứu này). Kết quả có được sẽ không chỉ dừng lại ở hình ảnh phục dựng trên máy tính hay bản in từ máy in, mà còn có thể đúc thành khối từ máy móc chuyên dụng giống như một bức tượng.
Còn với các cổ vật mà khi khai quật được hoặc vì lý do nào đó mà không còn nguyên vẹn thì việc phục chế lại nguyên bản theo phương pháp thủ công là không hề đơn giản chút nào. Tuy nhiên, nếu sử dụng các thiết bị scanner 3 chiều và máy tính để lắp ghép các mảnh vỡ đã được 3D hoá đó lại với nhau trên phương tiện mô phỏng thì sẽ đỡ được rất nhiều công sức so với cách làm mang tính mò mẫm.
Đó là chưa kể đến việc hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ 3D để mô phỏng lại toàn bộ quá trình khai quật một di chỉ khảo cổ học. Điều mà trước đây chỉ có thể là những bản vẽ và hình ảnh minh hoạ tĩnh.
PV: Nếu như có những lời đề nghị từ lớp trẻ, ông có sẵn sàng chia sẻ kiến thức của mình?
TS Nguyễn Việt: Tôi rất vui lòng nếu như có những lời đề nghị đó từ đội ngũ trí thức trẻ và sinh viên. Đã là nhà khoa học thì nếu có cơ hội để chia sẻ kiến thức của mình cho thế hệ kế cận là điều rất nên làm và không nên đặt vấn đề tiền bạc nếu như đó không phải là những giờ giảng bài chính thức trong chương trình của các trường đại học.
Thêm nữa là bản thân những người như tôi cũng như biết bao nhà khoa học khác cũng rất cần lớp trẻ cùng theo bước bởi tới một ngày nào đó cũng phải tìm được người để trao lại sự nghiệp. Đây là mong muốn không phải của riêng tôi và kể cả bằng tiền túi của mình, chính chúng tôi cũng có thể cấp ra những học bổng để động viên lớp trẻ.
PV: Xin cám ơn ông và mong rằng sẽ sớm có cơ hội để được mời ông giao lưu với lớp trẻ.