Giá xăng tăng lên mức kỷ lục, nỗi lo của chủ quán bún, tài xế grab
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 15:44, 05/06/2022
Hành đắt gấp đôi, tiêu, tỏi, bột ngọt “rủ nhau” tăng giá
Bưng tô bún tới bàn của thực khách xong, anh Nguyễn Hoàng Anh - chủ quán Bún bò Công Lý (quận 3, TP.HCM) - lập tức gọi điện thoại tham khảo giá một số đầu mối cung cấp thực phẩm. Nơi anh đang lấy nguyên liệu đã rục rịch tăng giá.
Bịch dầu trước 110.000 đồng thì nay lên 215.000 đồng; bó hành trước mua 25.000 đồng/kg thì nay 50.000 đồng/kg. Rồi tiêu, tỏi, bột ngọt… cái gì cũng tăng theo giá xăng dầu. “Vật giá tăng mà lương không tăng, chúng tôi bán hàng cũng không dám nâng giá vì sợ mất khách”, anh than.
Trong khi đó, chịu hết nổi với mức tăng của giá nhiều loại nguyên liệu, anh Phan Quốc Huy - chủ quán bún nem nướng (quận 7, TP.HCM) - đang tính tới việc điều chỉnh giá bán.
Chi phí cấu vào giá thành bán hàng của anh Huy đã tăng từ 40% lên 60% trong 3 tháng qua nên anh buộc phải tăng giá để duy trì chất lượng phục vụ. Mỗi phần bún nem nướng trước đây có giá 60.000-65.000 đồng/suất giờ tăng lên 70.000 đồng/suất, tương đương quán chỉ tăng 5.000 đồng/suất do sợ mất khách.
Đúng như lời các chủ hàng ăn, khảo sát tại các chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) hay chợ Bình Thới (quận 11)... cho thấy giá nhiều mặt hàng tăng mạnh, đặc biệt là giá rau củ, thực phẩm. Ví dụ: bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt... tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg, khoai tây tăng 5.000 đồng/kg…
Chị Đức Huê - chủ một tiệm tạp hóa tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) thông tin, dầu ăn và trứng gia cầm đang có mức độ tăng giá “phi mã”. Trước đây, chai dầu đậu nành có giá 45.000 đồng/lít thì giờ là 67.000 đồng/lít, trứng gà loại vừa đã lên 35.000 đồng/chục, trứng vịt 38.000 đồng/chục còn mỳ tôm cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/thùng tùy loại.
Những tiểu thương này hoàn toàn không lấy làm vui khi giá các sản phẩm tăng cao như vậy bởi người dân sẽ có xu hướng thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu, từ đó, dẫn đến giảm sức cầu hàng hóa.
Xăng đắt kỷ lục, tài xế grab khó khăn
Việc giá xăng tăng cao chưa từng có trong lịch sử khiến đội ngũ lái xe công nghệ, shipper cũng phải lĩnh đủ. Nhiều người đã tính phương án dừng chạy xe và tìm nghề khác để có nguồn thu nhập ổn định, tốt hơn.
Tài xế grab Trần Minh cho biết, anh chở khách từ đường Trần Xuân Soạn (quận 7) về đến Bùi Thị Xuân (quận 1) với quãng đường hơn 5km/chiều. Sau khi trừ tiền chiết khấu cho hãng, anh Minh chỉ nhận được khoảng 15.000 đồng, chưa tính tiền xăng. Khi giá xăng tăng, thu nhập giảm thì tiền chạy xe chỉ đủ trả tiền phòng trọ và tiền ăn chứ không thể dành dụm. Sau 5 năm gắn bó với những con đường, tài xế Minh dự định bỏ hẳn nghề để chuyển sang bán hàng online.
Tương tự, tài xế Gojek - Phạm Nam cho hay, trước đây, mỗi ngày chạy giao khoảng 20-25 đơn hàng, trừ hết chi phí thì số tiền nhận được khoảng 400.000-450.000 đồng. Còn với giá xăng hiện tại, thu nhập bình quân đã giảm hẳn một nửa. Để tăng thu nhập, anh buộc phải tăng thời gian làm việc từ 12 tiếng/ngày lên 15 tiếng/ngày. Tuy nhiên, nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới thì anh Nam cùng nhiều đồng nghiệp khác cũng tính nghỉ hẳn.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,22% so với tháng trước; chỉ có 2/11 nhóm giảm là nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; các nhóm còn lại đều tăng so với tháng trước, mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (+2,2%).
Đơn cử, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: chỉ số giá tăng 0,03%, trong đó, nhóm lương thực tăng 1,29% với giá gạo tăng cao là 1,75%. Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng: chỉ số giá tăng 0,003%, trong đó, tăng cao nhất là điện sinh hoạt tăng 1,73%. Nhóm giao thông: chỉ số giá tăng 2,2% với nhóm nhiên liệu tăng 5,09% sau 3 lần điều chỉnh giá bán xăng trong tháng 5.
Ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, xung đột địa chính trị trên thế giới làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cùng với sự ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm cho giá cung ứng các hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế như ngũ cốc, thép, than, năng lượng, xăng dầu đều bị sức ép tăng giá rất cao. Từ đó, gây áp lực lạm phát lên rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trần Chung