Loại rau xưa mọc hoang đầy không ai ăn, giờ thành đặc sản
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 12:00, 05/06/2022
Đến Cát Bà (Hải Phòng) vào mùa hè, du khách sẽ được thưởng thức một đặc sản góp phần làm nên thương hiệu của nơi này – đó là rau nhót. Chúng có từ bao giờ không ai hay, chỉ biết rằng chẳng cần trồng cũng không cần chăm mà rau vẫn mọc tươi tốt. Vì thế người dân đảo đã gọi chúng là "lộc trời cho"…
Chị Bích Phượng (39 tuổi) – ngư dân sống tại đảo Cát Bà cho biết: "Rau nhót là loại rau dại mọc rải rác trên cánh đồng muối mặn, ven các đầm lầy nước lợ và hồ tôm ở các xã vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An), Cát Bà (Hải Phòng). Chúng sinh trưởng và phát triển hoàn toàn trong môi trường tự nhiên nên đây là loại rau có vị rất đặc biệt, có lợi cho sức khỏe và được xem là một loại rau sạch".
Rau nhót là loại rau dại mọc rải rác trên cánh đồng muối mặn, ven các đầm lầy nước lợ và hồ tôm ở các xã vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An), Cát Bà (Hải Phòng).
Khi thời tiết lập xuân, rau nhót phát triển xanh tốt, chị Bích Phượng và bà con trong xóm thường tranh thủ thời gian không đi đánh bắt cá để đi hái rau nhót về chế biến thành các món ăn cho gia đình. Thậm chí có người còn hái nhiều đem ra chợ bán bởi nó sạch và rất giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều khách du lịch mua về làm quà.
"Hiện tại nhu cầu tiêu thụ rau nhót làm món ăn tại các nhà hàng, khách sạn tăng cao nên cung không đủ cầu, rau thu hái đến đâu là chúng tôi bán buôn cho họ đến đó, thậm chí còn chẳng đủ hàng. Nếu trước đây chúng tôi bán với giá chỉ vài nghìn đồng/kg thì giờ tăng đến chóng mắt, độ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Đó chính là một tín hiệu mừng cho bà con trên đảo để cải thiện cuộc sống cũng như kinh tế", người phụ nữ vùng biển nói.'
Khi thời tiết lập xuân, rau nhót phát triển xanh tốt, chị Bích Phượng và bà con trong xóm thường tranh thủ thời gian không đi đánh bắt cá để đi hái rau nhót về chế biến thành các món ăn cho gia đình
Để chế biến thứ rau dại thành các món ăn, người dân Cát Bà phải mất khá nhiều công sức. Theo đó, rau nhót sau khi được hái về sẽ nhặt sạch, ngâm trong nước chừng một, hai tiếng cho giảm bớt vị mặn tự nhiên rồi lại rửa tiếp, luộc chín, vắt hết nước và dùng đũa đánh rời ra từng ngọn. Sau đó họ sẽ tiến hành chế biến thành hàng loạt món đặc sản làm nao lòng du khách.
"Rau nhót có thể làm nộm, chỉ cần vắt cho ráo nước, trộn cùng chút rau thơm, lá chanh, đường, ớt và lạc rang là đã có thể thưởng thức được. Nộm rau nhót khi ăn sẽ giòn giòn giống tảo biển, lại có vị thanh mát, vị chua cay mặn ngọt hài hòa, phảng phất mùi thơm của lá chanh, rau thơm...
Nếu đem xào thì rau nhót đặc biệt hợp với tỏi, hàu và tôm. Còn đơn giản nhất là luộc lên ăn thì chấm rau với tương là đủ", chị Bích Phượng cho hay.
Để chế biến thứ rau dại thành các món ăn, người dân Cát Bà phải mất khá nhiều công sức.
Có thể nói, với người từng gắn với những cánh đồng muối, đầm tôm Cát Bà hay Quỳnh Lưu thì ăn rau nhót còn là một cách tìm về với kí ức tuổi thơ. Còn vớu người dân phố thị, rau nhót là một cách thưởng thức một thứ quà quê vừa sạch, một đặc sản nức tiếng.
(Theo Phụ Nữ & Pháp Luật)