Đất đấu giá kỷ lục, bất ngờ trùm đất Thủ Thiêm bán tống bán tháo cổ phiếu giá bèo
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 11:25, 04/06/2022
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) theo phương thức thỏa thuận nhằm mục đích cân đối tài chính. Thời gian dự kiến thực hiện từ ngày 6/6 – 6/7 theo hình thức thỏa thuận nhằm mục đích cân đối tài chính. Nếu thực hiện thành công giao dịch CII sẽ giảm tỷ lệ sở hữu 39.1 triệu cổ phiếu, tương đương 39%.
Kể từ đầu năm đến nay, CII đã nhiều lần hạ tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của NBB, với tổng cổng 16,3 triệu cổ phiếu, giảm xuống còn 49,1 triệu cổ phiếu, tương đương 49% như hiện nay và chuyển NBB từ công ty con thành công ty liên kết.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 của NBB, doanh thu đạt 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 162 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm trước ở mức 32 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày 02/06 cổ phiếu NBB đạt 18.200 đồng/cp. Với thị giá này, cổ phiếu NBB đã giảm gần 70% so với đỉnh điểm ngày 11/1 khi đạt mức 59.700 đồng/cp.
Như vậy, việc CII liên tục giảm tỷ lệ cổ phiếu NBB trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục lao dốc kể từ đầu năm đến này. Mặc dù thị giá NBB giảm 70% như hiện nay nhưng CII vẫn quyết định bán ra 10 triệu cổ phiếu NBB.
Chốt phiên giao dịch ngày 03/06, cổ phiếu CII đạt mức 21.500 đồng/cp, giảm 62,8% so với đỉnh điểm vào đầu tháng 1/2022.
Trước Tết Nguyên đán, CII chứng kiến đợt giảm sàn lên tới cả chục phiên sau cú sốc “Tân Hoàng Minh rút khỏi vụ đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm”.
Trước đó, trong vòng khoảng 2 tháng cuối năm 2021, CII tăng vọt từ mức dưới 20.000 đồng/cp lên đỉnh cao 58.000 đồng/cp sau thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá thành công lô đất 10.000m2 tại Thủ Thiêm với giá 2,4 tỷ đồng/m2.
Giá cổ phiếu lên cao, hàng loạt lãnh đạo kịp thoát hàng cổ phiếu CII ngay trước chuỗi giảm kịch sàn chục phiên liên tiếp.
Đơn cử Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ CII, đã hoàn tất bán ra toàn bộ gần 291 nghìn cổ phiếu CII đang nắm giữ từ 29/11 đến 16/12/2021. Khoảng nửa đầu tháng 11/2021, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII và ông Dương Quang Châu, Giám đốc phòng quản lý dự án hạ tầng CII đã lần lượt bán ra 393 nghìn và 180 nghìn cổ phiếu CII.
Cổ đông lớn đến từ nước ngoài là VIAC (No.1) Limited Partnership "miệt mài" thoái bớt vốn tại CII khi thị giá tăng cao. Tổ chức này bán 13,5 triệu cổ phiếu CII từ tháng 11 tới đầu tháng 1 và gần đây đăng ký bán 5,5 triệu cổ phiếu CII từ ngày 10/1 đến 8/2022.
CII ghi nhận doanh thu trong năm 2021 đạt 2.867 tỷ đồng, giảm 46% so với năm 2020. Về lợi nhuận, công ty lỗ ròng 242 tỷ đồng, lợi nhuận trong công ty mẹ sau thuế âm 332 tỷ đồng. Chính vì thế, CII không đủ khả năng chi trả cổ tức năm 2021. Tuy nhiên, trong kế hoạch đầy tham vọng năm 2022, doanh thu của CII dự kiến tăng gấp 4 lần và sẽ chia cổ tức 12%.
Cũng trong năm 2021, doanh thu của CII chủ yếu từ hai mảng chính là thu phí giao thông và bất động sản. Tuy nhiên, hai mảng này bị ảnh hưởng nặng nề do tất cả các trạm BOT phải dừng thu phí, trong khi hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt hoàn toàn từ đền bù, xây dựng đến kinh doanh.
CII được biết đến khi sở hữu quỹ đất “khủng” hơn 96.000 m2, được UBND TP.HCM giao để thực hiện dự án Khu đô thị mới, trong đó 90.078,3 m2 đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm sử dụng ổn định lâu dài để CII xây dựng nhà ở, còn lại 6.053m2 đất sử dụng 50 năm với mục đích xây văn phòng cho thuê.
Liên quan đến vấn đề pháp lý, CII đã từng bị Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc xác minh nhiều đến vấn để xây dựng, quy hoạch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kết quả xác minh cho thấy, CII đã thực hiện dự án BT không đúng trong nguyên tắc đấu thầu, tiến độ triển khai dự án hạ tầng BT. Bên cạnh đó, định giá của Khu đô thị mới Thủ Thiêm trên thị trường so với giá khi được giao cho CII chênh lệch vô cùng lớn, có thể lên đến cả tỷ USD.
Ngọc Cương