Thực phẩm chức năng đang bị lạm dụng, đồn thổi như 'thần dược'

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:57, 04/06/2022

Hiện nay thị trường thực phẩm chức năng được “tung hô” rất tràn lan như: bổ sung vitamin A,B,C,D, E…, làm đẹp mọc tóc, trắng da…
uu-diem-va-kho-khan-cua-viec-san-xuat-thuc-pham-chuc-nang-hien-nay-37-.3411.jpg
Lạm dụng thực phẩm chức năng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe - Ảnh: Internet

Tin thực phẩm chức năng vì giảm cân

TS BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM - cho biết vừa điều trị cho một phụ nữ (50 tuổi) bị tắc mạch máu não do uống quá nhiều các loại thực phẩm chức năng.

Trước đó, bệnh nhân này đã đến khám sức khỏe, qua các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có thần kinh ổn định, không có những tổn thương mạch máu não. Tuy nhiên, mới đây bệnh nhân này quay lại kiểm tra sức khỏe vì bị đau cổ gáy, nhức đầu, chóng mặt…

Sau khi thăm khám, kiểm tra thì ghi nhận bệnh nhân bị hẹp mạch máu não nặng. Bệnh sử bệnh nhân cũng không có các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, không uống rượu bia, hút thuốc…

Nhưng đáng chú ý, thời gian gần đây bệnh nhân tự ý uống rất nhiều các loại thực phẩm chức năng giúp làm đẹp da, tóc, khỏe cơ xương khớp, hỗ trợ giảm cân. Khi chưa dùng thực phẩm chức năng thì mạch máu não bình thường, sau khi dùng thì phát sinh tình trạng tắc mạch máu não.

Theo TS Cường, may mắn bệnh nhân chỉ bị hẹp mạch máu phụ nên sau khi dùng thuốc, hiện sức khỏe đã ổn định. Sau khi thoát biến chứng tắc mạch máu não, bệnh nhân biết sợ và ngưng sử dụng tất cả những thực phẩm chức năng đã dùng trước đó.

Một báo cáo đăng trên ấn phẩm của tạp chí Journal of Clinical and Experimental Hepatology (Ấn Độ) đã cảnh báo nguy cơ từ thực phẩm chức năng giảm cân sau cái chết của một phụ nữ 24 tuổi.

Theo nội dung toàn văn báo cáo nghiên cứu đăng trên trang Docdroid.net, cô gái 24 tuổi xấu số người Ấn Độ, ngoài việc bị suy tuyến giáp và phải bổ sung thuốc thyroxine (liều lượng 75microgram - mcg hàng ngày trong 5 năm qua) không mắc bệnh kinh niên nào khác. Chỉ số khối cơ thể của cô là 32,1.

Cô gái đã sử dụng bộ sản phẩm giảm cân 3 loại của một công ty lớn, mua từ một câu lạc bộ dinh dưỡng địa phương tại Kottakal, bang Kerala, Ấn Độ trong 2 tháng.

Hai tháng sau khi bắt đầu dùng chúng, cô gái trải qua một tuần chán ăn, sau đó bị vàng da và thi thoảng bị ngứa. Kết quả sinh thiết mô gan cho thấy các mô bị hoại tử từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng, viêm đường mật, nhiễm mỡ, ứ mật trong mao mạch.

Cô gái đã được chuyển tới trung tâm ghép tạng để thay gan nhưng đã qua đời không lâu sau đó trong khi chờ đợi.

Qua phân tích, tất cả sản phẩm có xuất xứ từ công ty nói trên đều chứa hàm lượng cao các kim loại nặng, 75% mẫu sản phẩm chứa các hợp chất độc hại không được công bố, trong khi 63% các mẫu sản phẩm chứa axit deoxyribonucleic cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn.

thucphamd.jpeg
Một chế độ ăn cân bằng, đa dạng và đầy đủ các nhóm thực phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu - Ảnh: Internet

Quảng cáo lung tung, sai sự thật

Trước đó, ngày 13/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố các cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đến ngày 12/4. Với những quảng cáo "tung trời" về công dụng của thực phẩm chức năng, Dược phẩm Hoàng Hường đã bị công khai xử phạt với mức 65 triệu đồng. Sự "bát nháo" không hồi kết của thị trường này vẫn còn, đặc biệt khi nhu cầu phục hồi sức khỏe sau COVID-19 đang tăng cao.

Theo PGS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam - vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng đang lung tung, quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật…

Theo PGS Đáng việc kiểm soát thực phẩm chức năng phải kiểm soát ngay từ khâu sản xuất đến khi sử dụng, không phải khi sản phẩm ra thị trường mới kiểm tra. Kiểm soát ngay từ khâu nguyên liệu phải tốt, khâu chế biến, sản xuất phải đạt chuẩn thì chỉ cần “bấm nút” là ra sản phẩm tốt.

Nếu nguyên liệu không tốt, cơ sở sản xuất không đạt chuẩn không quản lý được thì sẽ có hàng loạt sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Lúc đó mới đi kiểm tra thì không xuể. Vì vậy, phải có phương pháp để kiểm soát.

Dược sĩ Nguyễn Thảo Đoan Trang - Bệnh viện Nhân Dân 115 – cho biết thực phẩm chức năng là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến khác có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất bao gồm vitamin, khoáng chất, acid amin, chiết xuất từ thực vật và động vật, nhằm mục đích bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hay làm giảm nguy cơ bệnh.

Tuy có thể giống với thuốc về hình dáng bên ngoài, thực phẩm chức năng chịu sự quản lý về tính hiệu quả và tính an toàn như là thực phẩm, không được sử dụng cho mục đích điều trị, chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh.

Một chế độ ăn cân bằng, đa dạng và đầy đủ các nhóm thực phẩm tự nhiên vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu cho một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu khoa học về công dụng của một số thành phần trong thực phẩm chức năng vẫn chưa rõ ràng, đầy đủ.

Rất nhiều thực phẩm chức năng có chứa các hoạt chất có hoạt tính sinh học mạnh, có thể gây nguy hiểm cho người dùng hoặc làm tình trạng sức khỏe của họ xấu đi hoặc thậm chí đe dọa tính mạng, đặc biệt trong trường hợp sử dụng nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc, sử dụng chung với thuốc (kê đơn hay không kê đơn), thay thế thuốc bằng thực phẩm chức năng hoặc sử dụng quá liều khuyến cáo.

“Mức độ cần thiết sử dụng thực phẩm chức năng của mỗi người là khác nhau, việc sử dụng hay không và liều lượng, thời gian bao lâu là hợp lý đều cần có sự thăm khám, đánh giá và chỉ định từ bác sĩ hay sự tư vấn của dược sĩ.

Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, người mắc nhiều bệnh nền, bệnh mãn tính đang điều trị với nhiều thuốc cùng lúc cần cực kỳ cẩn trọng, không nên sử dụng thực phẩm chức năng  tùy ý hay theo kinh nghiệm truyền tai vì rất nhiều thực phẩm chức năng hiện nay vẫn chưa được chứng minh về tính an toàn cho các đối tượng trên”, dược sĩ Trang nhấn mạnh.

ANH ĐÀO