'Bỏng tay' với giá thực phẩm tại chợ truyền thống ở TP.HCM
Xã hội - Ngày đăng : 14:46, 03/06/2022
Ngày 1/6 vừa qua, giá xăng được điều chỉnh vượt mốc 31.500 đồng/lít kéo theo nhiều mặt hàng tăng theo, khiến cuộc sống của người lao động tại các khu công nghiệp, lao động tự do ở TP.HCM vốn đã vất vả nay càng chật vật hơn.
Rau của quả giá tăng phi mã
Tranh thủ đi chợ để về kịp nấu bữa trưa, chị Vũ Thị Lan (ngụ quận Gò Vấp) phải mất hơn 30 phút để lựa chọn thực phẩm vì giá mặt hàng nào cũng tăng cao.
"Trước đây đi chợ tôi chỉ cần cầm 100.000 đồng là có thể mua đủ đồ để nấu cho cả gia đình, nhưng bây giờ thì không đủ. Hầu như tất cả mọi thứ đều tăng. Giá rau củ, gia vị đều tăng từ 5.000 - 10.000 đồng so với trước", chị Lan nói.
Theo chị Lan, kể từ sau Tết đến giờ giá hàng hóa, thực phẩm, hàng tiêu dùng… liên tục tăng không ngừng khiến cả gia đình chị đau đầu trong việc tính toán chi tiêu sao cho hợp lý.
Qua khảo sát tại các chợ truyền thống ở TP.HCM như chợ Bình Thới (quận 11), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Nguyễn Tri Phương (quận 5), chợ Lê Hồng Phong (quận 10)... giá nhiều loại thực phẩm đều tăng từ 30 - 50% so với đầu năm do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng.
Đặc biệt, giá các loại dầu ăn, trứng đều tăng gấp đôi. Cụ thể, giá trứng gà công nghiệp đã ở mức 35.000 đồng/chục, trứng vịt 38.000 đồng/chục, giá này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Trứng gà ta cũng lên 40.000 đồng/chục, tăng 10.000 - 15.000 đồng, tương đương tăng 30% so với đầu năm.
Riêng trứng vịt nhích nhẹ khoảng 1.000 - 2.000 đồng, lên 37.000 đồng/chục. Dầu ăn hiện có giá bán lẻ dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/lít (tuỳ loại), mặt hàng này tăng từ 40 - 50% so với đầu năm.
Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), súp lơ Đà Lạt có giá từ 55.000 - 65.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg. Tại chợ tự phát trên đường Trần Văn Đang (quận 3), đu đủ chín có giá 22.000 - 28.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 6.000 đồng/kg; xoài cát chu giá 51.000 - 56.000 đồng/kg, trong khi đó chỉ 10 ngày trước loại xoài này bán giá khoảng 28.000 đồng/kg.
Theo tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, hiện lượng khách giảm một nửa so với đầu năm, hiện nhiều người dân đã chọn các kênh mua hàng khác để có nhiều ưu đãi và tiết kiệm chi phí hơn.
Bà Trần Chúc, tiểu thương tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 5) cho hay, nguyên nhân giá thực phẩm tăng cao một phần là giá xăng dầu tăng thời gian tăng khiến chi phí vận chuyển cũng tăng. Việc này cũng làm sức mua giảm mạnh, khách mua hàng cũng thắt chặt chi tiêu hơn.
"Trước mỗi lần ai mua rau là tôi thêm hành, ngò đi kèm, bây giờ tôi phải bán chứ không thêm được nữa, nhiều người thắc mắc thì tôi giải thích tất cả loại rau đều tăng giá", bà Chúc nói.
Theo ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11), giá cả hàng hóa tại chợ cũng tăng theo biến động giá xăng dầu khoảng 10%.
"Tình hình buôn bán của tiểu thương cũng chậm, lực giảm so với những thời điểm thông thường khoảng 20 - 40% tùy theo ngành hàng", ông Tùng thông tin.
Người lao động "méo mặt" chi nhỏ giọt từng đồng
Trước tình trạng giá thực phẩm ngày một leo thang, vợ chồng anh Đức - công nhân tại một công ty ở quận Bình Tân đã phải tính đến phương án cắt giảm chi tiêu để cân bằng chi phí sinh hoạt của gia đình, vì lương của hai vợ chồng không tăng nhưng giá thực phẩm lại tăng chóng mặt.
Anh Đức cho biết, tổng thu nhập trung bình của hai vợ chồng một tháng là khoảng 13 triệu đồng nhưng thu không đủ chi. Trong đó, tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền cho 2 con ăn học, đấy là chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt và các khoản chi tiêu phát sinh của hai vợ chồng.
"Mỗi tháng nếu có tăng ca tôi cũng kiếm được hơn 8 triệu đồng, bao gồm tăng ca mỗi ngày một tiếng, từ thứ Hai đến thứ Bảy, Chủ nhật được nghỉ. Nhưng tháng nào mà không được tăng ca thì tháng đó sẽ rất chật vật", anh Đức nói.
Anh Đức cho biết, giai đoạn 2018 - 2019 công việc của vợ chồng anh khá suôn sẻ nên thu nhập ổn định, thậm chí cuối năm về quê còn có tiền biếu cho bố mẹ vài triệu đồng ăn Tết. Tuy nhiên, khi COVID-19 xuất hiện, cuộc sống của gia đình anh rơi vào cảnh khốn cùng, toàn bộ tiền tiết kiệm bấy lâu được lấy ra để chống chọi qua những ngày giãn cách xã hội, không đủ thì phải vay mượn thêm ở quê.
"Đến khi được đi làm lại, tưởng chừng sẽ đỡ khổ thì lại gặp bão giá, thu nhập không đủ để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày", anh Đức tâm sự.
Không chỉ giá nguyên liệu, giá cơm, hủ tiếu, bún... tại các quán ăn trên địa bàn thành phố cũng rục rịch tăng giá theo. Điều này cũng khiến nhiều lao động tự do phải đau đầu chi tiêu.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM thông tin, thời gian qua, chỉ số tiêu dùng cả nước đều tăng trong khi lương tối thiểu hai năm qua chưa tăng.
Theo đó, để đảm bảo đời sống và tái tạo sức lao động, cần điều chỉnh lương tối thiểu, đồng thời tính toán lương thực lãnh và lương tối thiểu tương ứng với mức tăng tiêu dùng. Cùng đó, cần thay đổi cách tính giờ làm thêm cao hơn mức hiện hành mới tạo sự đột phá, thay vì mức cứng như hiện nay.
Ông Bé cho rằng, với những ngành sử dụng nhiều lao động cần tính toán thay đổi công nghệ để tăng năng suất lao động, giảm lao động cơ bắp, tăng giá trị sản phẩm.
“Tăng ca, làm thêm ngày nghỉ là giải pháp trong giai đoạn ngắn để giải quyết đơn hàng gấp cho giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, còn về lâu dài cần tính toán căn cơ trong đó bao gồm tiền lương, đơn giá giờ làm thêm để hài hòa quan hệ lao động”, ông Bé kiến nghị.
Hoàng Thọ