Nhiều bác sĩ đồng loạt xin nghỉ việc ở bệnh viện công vì thu nhập thấp

Tin Y tế - Ngày đăng : 21:14, 02/06/2022

TPHCM – Ở các bệnh viện công tại TPHCM hiện nay, nhiều bác sĩ làm việc lâu năm, có tay nghề nhưng xin nghỉ việc. Lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với công sức bỏ ra đang là một trong những nguyên nhân chính khiến bác sĩ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư làm việc.

Chị Nguyễn Thị Mai Trang (tên nhân vật đã được thay đổi), từng làm việc tại một bệnh viện công lớn nhất TPHCM với vai trò bác sĩ gây mê hồi sức. Vừa kết thúc buổi làm việc trong bộ đồ bác sĩ ở một bệnh viện tư, chị Mai Trang trải lòng về ngày đưa ra quyết định nghỉ việc ở bệnh viện công, nơi chị đã gắn bó suốt 15 năm.

 
Bác sĩ, nhân viên y tế ở bệnh viện công thường làm việc vất vả, nhưng thu nhập thấp. Ảnh minh họa: NL

“Tôi cũng như nhiều anh chị bác sĩ khác phải học rất nhiều năm mới được hành nghề. Tôi từng làm ở bệnh viện công lớn nhất nhì thành phố và tiếp xúc với nhiều loại bệnh khác nhau nên tay nghề ngày càng được nâng cao và cơ hội được cống hiến là có. Tôi yêu thích công việc ở đó nên mới làm đến 15 năm. Thế nhưng, cuộc sống mỗi ngày một khác, mức lương thấp không đủ để co kéo cho gia đình và nuôi con ăn học tốt hơn khiến tôi quyết định xin nghỉ. Hết duyên, có lẽ phải nói thế”, chị Mai Trang chia sẻ.

Sau khi nghỉ việc, chị Mai Trang chuyển sang một bệnh viện tư nhân với với mức lương cao hơn, không còn cảnh áp lực về kinh tế như trước kia.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong năm 2021, tổng số nhân viên y tế của bệnh viện công thành phố nghỉ việc là 701 người. Trong đó, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 399 người; bác sĩ 186 người; nhân viên khác 116 người.

Còn bệnh viện tuyến quận, huyện có 235 người nghỉ việc. Trong đó, bác sĩ 57 người; điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 117; khác là 61 người.

Trung tâm Y tế quận, huyện 137 người nghỉ việc. Trong đó, bác sĩ 27 người; điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh là 44 người; khác là 72 người.

Theo sở Y tế TPHCM, một trong những nguyên nhân lớn khiến số lượng nhân viên y tế công nghỉ việc là do khi dịch COVID-19 diễn ra, khối lượng công việc lớn nhưng mức lương không tương xứng công sức nhân viên y tế bỏ ra, thậm chí là giảm lương khiến nhiều người không cầm cự nổi.

Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế, mạng lưới y tế tư nhân ngày càng phát triển. Riêng TPHCM hiện có 64 bệnh viện tư, nhiều hơn 16% so với bệnh viện công và 6.438 phòng khám đa khoa, chuyên khoa.

Trước nhu cầu của các bệnh viện tư cần nguồn nhân lực y tế chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nên nhiều bác sĩ, nhân viên y tế lần lượt chuyển sang "đầu quân" cho  bệnh viện tư. Một lãnh đạo bệnh viện tư nổi tiếng ở TPHCM chia sẻ, chỉ trong vòng hơn 2 năm qua, số lượng bác sĩ đang giữ các chức vụ hoặc có kinh nghiệm ở bệnh viện công chuyển công tác sang bệnh viện tư nhiều. Với nguồn nhân lực cao cấp này, bệnh viện tư đang từng bước đáp ứng được nhu cầu thực tế của bác sĩ là cải thiện thu nhập.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng tình trạng chảy máu chất xám xảy ra đã được thành phố lường trước sau đại dịch COVID-19. Hàng loạt giải pháp của thành phố trong thời gian qua như đưa nguồn nhân lực mới ra trường về trạm y tế làm việc, nâng mức lương cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa thay đổi chính sách nâng cao cho người đã gắn bó lâu năm, chế độ đãi ngộ ở bệnh viện công vẫn còn thấp.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh, việc này không chỉ giải quyết ngắn hạn mà phải dài hạn và TP cần có chiến lược, kế hoạch rõ ràng để từng bước thay đổi nhằm giữ chân được nhân viên y tế giỏi.

Đồng thời, cần có cơ chế mở để ngoài việc họ được làm việc thì vẫn có thời gian học hỏi thêm ở môi trường khác, nâng cao tay nghề giúp họ yên tâm làm việc hơn.

NGUYỄN LY