Nga có thể bị loại khỏi OPEC+, chuyên gia nói gì?

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:42, 02/06/2022

Wall Street Journal dẫn thông tin từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) cho hay, một số thành viên OPEC đang xem xét khả năng ngừng tham gia thỏa thuận OPEC+ của Nga do các hạn chế từ các nước phương Tây.

Theo ấn phẩm của Mỹ, một số thành viên OPEC không hài lòng với việc Moscow bị các hạn chế từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đến mất khả năng sản xuất và bán khối lượng lớn dầu, điều này ảnh hưởng đến giá thành nhiên liệu.

Năm ngoái, Nga đã đồng ý với OPEC và 9 nước không phải thành viên để tăng sản lượng khai thác dầu hàng tháng. Tuy nhiên, theo WSJ, sản lượng dầu của Nga sẽ giảm khoảng 8% vào năm 2022.

OPEC+ vào tháng 5/2020 đã giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng mỗi ngày do nhu cầu giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Sau đó, các điều khoản của thỏa thuận đã nhiều lần được sửa đổi.

Nga có thể bị loại khỏi OPEC+, chuyên gia nói gì?
Một số thành viên OPEC đang cân nhắc khả năng đình chỉ Nga khỏi thỏa thuận OPEC+ hạn chế lượng dầu thô mà mỗi thành viên có thể thai thác. (Ảnh: RIA)

Một số gói trừng phạt đã được áp đặt đối với Moscow do tình hình ở Ukraine. Trong khi, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng chính sách kiềm chế và làm suy yếu Nga là một chiến lược lâu dài của phương Tây và các lệnh trừng phạt đã giáng một đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Wall Street Journal cho biết, một số thành viên OPEC không hài lòng với việc Moscow bị các hạn chế từ Mỹ và EU đang mất khả năng sản xuất và bán khối lượng lớn dầu, điều này ảnh hưởng đến giá thành nhiên liệu.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, ông Maxim Shein, chuyên gia trưởng về chiến lược đầu tư của tập đoàn “Broker Credit Service”, bày tỏ quan điểm rằng sẽ không có lợi nếu loại Nga khỏi OPEC+ vì sự thống nhất của các nước sản xuất dầu.

“Đối với tôi, dường như nếu Nga bị đình chỉ tư cách thành viên trong thỏa thuận OPEC+, thì đây sẽ là thời điểm mang tính chiến thuật. Tôi không nghĩ các nước sản xuất dầu quan tâm đến việc loại trừ hoàn toàn Moscow. Không thể nói một cách nghiêm túc về một kịch bản như vậy nếu các thành viên OPEC muốn bỏ ít nhất một số điều phối trên thị trường dầu mỏ”, ông Shein cho hay.

Chuyên gia này cho biết thêm, nếu thông tin trên Wall Street Journal được xác nhận và việc Nga tham gia OPEC+ bị đình chỉ, điều này sẽ dẫn đến sự bất ổn của thị trường dầu mỏ toàn cầu.

“Có thể các nước OPEC, bằng cách loại trừ Nga khỏi thỏa thuận OPEC+ muốn thêm khối lượng dầu vào châu Âu, nhưng trên thực tế điều này sẽ không hiệu quả. Việc loại Nga khỏi thỏa thuận OPEC+ càng gây thêm bất ổn cho tình hình thị trường năng lượng. Theo tôi, đây sẽ là một quyết định sai lầm về mặt chiến thuật”, ông Shein kết luận.

Trước đó, hôm 30/5, EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 6 áp đặt lên Nga, trong đó có thỏa thuận cấm nhập khẩu phần lớn dầu từ Nga.

“Biện pháp trừng phạt này sẽ lập tức ảnh hưởng tới 75% lượng dầu nhập từ Nga”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên Twitter sau cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu tại Brussels cùng ngày.

Lệnh cấm sẽ áp dụng với dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển, chiếm khoảng 2/3 lượng dầu nhập từ Nga vào châu Âu.

Ngoài ra, việc Đức và Ba Lan cam kết ngừng nhập khẩu dầu thông qua phần phía bắc của đường ống Druzhba dự kiến sẽ đưa lượng dầu Nga bị EU cấm nhập khẩu lên tới 90% vào cuối năm nay.

EU vẫn sẽ miễn trừ tạm thời lệnh cấm với dầu được vận chuyển từ Nga bằng đường ống. Điều này nhằm giúp Hungary, Slovakia và Czech có thêm thời gian chuẩn bị để dừng hẳn việc nhập dầu của Nga.

Thanh Bình (lược dịch)