'Bàn cờ' xung đột Nga-Ukraine thay đổi, ai đang 'chiếu tướng' ai?

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:25, 01/06/2022

Ba tháng sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine, mục tiêu ban đầu của hai bên đã thay đổi khiến xung đột vì vậy càng lún sâu chưa có hồi kết.
Bàn cờ xung đột Nga-Ukraine thay đổi
Xung đột Nga-Ukraine có thể còn kéo dài và nhiều tổn thất. (Nguồn: Threat Post)

Trong một bài bình luận gần đây trên trang The Interpreter của Viện Lowy (Australia), Giáo sư Ian Hill, chuyên gia nghiên cứu an ninh, quốc phòng và là một cựu quan chức ngoại giao của New Zealand đã nhận định về 'cục diện bàn cờ xung đột' Nga-Ukraine. TG&VN lược dịch bài phân tích.

Hướng đi nào cũng "vướng"

Xung đột Nga-Ukraine có thể còn kéo dài và nhiều tổn thất. Cuộc tấn công đa hướng theo tính toán ban đầu của Nga vào phía Bắc, Đông và Nam của Ukraine có thể không đạt kết quả như họ mong đợi, do sự kháng cự bền bỉ của Ukraine.

Nga hiện nay đã thu hẹp quy mô tấn công để tập trung vào việc đảm bảo hoàn toàn quyền kiểm soát khu vực Donbass và bảo vệ cây cầu nối Crimea đến Nga.

Sự tự tin của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga có vẻ đang tăng lên. Điều này được thể hiện ở hiệu suất chiến đấu trên chiến trường cũng như năng lực quân sự của Ukraine. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tăng cường của phương Tây đang củng cố thêm năng lực của Ukraine, trong khi thương vong và tổn thất trang thiết bị có thể làm xói mòn năng lực chiến đấu của Nga.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, khó có một bên nào có thể đạt được chiến thắng quyết định bằng cách sử dụng các phương tiện chiến đấu thông thường.

Cùng với đó, triển vọng trên bàn đàm phán thương lượng giữa hai bên cũng rất ảm đạm. Không bên nào sẵn sàng giải quyết xung đột theo hướng đi này.

Cho đến nay vẫn chưa rõ ý định thực sự của Moscow đối với chiến dịch quân sự đặc biệt là gì. Với Ukraine, các mục tiêu cũng không ngừng thay đổi. Do vậy, những lợi ích mấu chốt tương ứng của hai bên trong đàm phán ngoại giao chưa hề rõ ràng.

Nếu hai bên tiếp tục đàm phán, điều duy nhất có thể dự đoán được đó là duy trì trạng thái trung lập sẽ là “cái kết” khả thi nhất đối với Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã ngầm chấp nhận điều này nhằm đáp ứng mục tiêu của Nga là ngăn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đổi lại, Ukraine sẽ yêu cầu phương Tây đảm bảo an ninh và tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ để xây dựng năng lực quân sự nhằm ngăn chặn Nga trước các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.

Tuy nhiên, trọng tâm trong bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa hai bên vẫn sẽ là vấn đề lãnh thổ.

Những tính toán tham vọng

Mặc dù còn khá vất vả ở phía Đông nhưng dường như Ukraine đang dần lấy lại được sự tự tin và có những tính toán tham vọng hơn.

Ban đầu, Ukraine chỉ tập trung vào bảo vệ sự sống còn của đất nước, sau đó là mong muốn khôi phục những vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng kể từ ngày 24/2.

Nhưng hiện nay, dường như Kiev có ý định giành lại toàn quyền kiểm soát lãnh thổ-thậm chí có thể giành lại Crimea (nơi mà Nga khó có thể từ bỏ).

Song đó là một tham vọng không dễ dàng. Nga tuy gặp phải nhiều trở ngại trong chiến dịch quân sự trong suốt 3 tháng qua nhưng vẫn không chấp nhận nói về sự thỏa hiệp. Thay vào đó, Nga đang tăng gấp đôi lực lượng ở Donbass. Điện Kremlin cũng không né tránh các tham vọng lớn hơn, bao gồm cả việc đẩy lực lượng về phía Tây, dọc theo Biển Đen đến Odesa.

Trong mọi trường hợp, Tổng thống Putin sẽ không lùi bước. Nga nghĩ rằng, thời gian “đứng về phía mình”, tính toán rằng các quốc gia phương Tây sẽ mệt mỏi trong việc hỗ trợ Ukraine khi xung đột kéo dài, đặc biệt là khi chi phí kinh tế như năng lượng và lương thực tăng lên.

Ai tính giỏi hơn ai?

Điều đáng chú ý là phản ứng mạnh mẽ và mạch lạc của phương Tây cho đến nay. Quyết định từ bỏ quan điểm trung lập và tìm kiếm tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển đã cho thấy chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga phản tác dụng như thế nào.

Hơn nữa, chiến dịch quân sự đã củng cố bản sắc dân tộc của Ukraine. Nếu như mục tiêu của Moscow là đe dọa phương Tây, đẩy NATO ra xa thì thực tế chiến dịch quân sự này đã củng cố lại NATO, củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và đưa liên minh này đến gần hơn biên giới của Nga.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây càng khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, đang có một số dấu hiệu đáng lo ngại về xích mích trong lập trường của phương Tây đối với Ukraine.

Mỹ và Vương quốc Anh đã nỗ lực hơn trong việc ủng hộ Ukraine đi đến chiến thắng cuối cùng trước Nga, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi nhấn mạnh cần thiết phải có một sự dàn xếp thương lượng, mang lại cho Tổng thống Putin một "lối thoát".

Do đó, việc duy trì sự thống nhất giữa các cường quốc phương Tây ủng hộ Ukraine sẽ là một thách thức quan trọng trong những tháng tới.

Ukraine và các đối tác phương Tây đang hy vọng rằng, khả năng quân sự của Nga sẽ suy yếu theo thời gian, đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga.

Thế nhưng đó là khía cạnh mà Kiev và phương Tây không nên đặt cược. Cho đến nay, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi khi được hỗ trợ bởi nguồn thu từ dầu và khí đốt, nhu cầu toàn cầu đối với ngũ cốc, phân bón và khoáng sản của Nga có thể vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự phản đối chính quyền trong nội bộ nước Nga.

Xung đột sẽ được giải quyết theo hướng vào và khi nào nó đi đến hồi kết vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Chắc chắn những tính toán của cả hai bên sẽ thay đổi khi xung đột còn tiếp diễn.

Có một điều rõ ràng rằng, bất kỳ một thỏa hiệp nào vào lúc này cũng sẽ khiến một bên hoặc cả hai bên “hậm hực”, bực bội chờ đợi một cơ hội khác để giải quyết vấn đề. Đây không phải là cách giải quyết ổn định và lâu bền.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Phương Hà