Những vụ vượt ngục đi vào sử sách vì độ khó không thể tin nổi

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 18:33, 01/06/2022

Vượt ngục ít khi xảy ra nhưng lại thường gây dư luận mạnh mẽ và tạo sức thu hút lớn với truyền thông.

Có những vụ vượt ngục nổi tiếng được tiểu thuyết hóa, lên phim ảnh Hollywood mà còn thách thức các nhà tội phạm học lý giải bằng cách nào các tên tội phạm lại lọt thoát khỏi những nhà tù đến con kiến cũng khó lọt qua được.

El Chapo ở nhà tù Altiplano

Joaquin Guzman Loera có biệt danh “El Chapo”, là một kẻ buôn ma túy khét tiếng người Mexico, thủ lĩnh băng Sinaloa quê nhà, nơi hắn ra đời trong một gia đình nông dân nghèo. Chính người cha đã dẫn dắt con trai vào con đường buôn bán ma túy thông qua việc trồng cần sa bán cho những tay buôn địa phương.

el_chapo_in_u.s._1-1280x854.jpg
"El Chapo" bị dẫn giải sang Mỹ năm 2016.

Cuối thập niên 1970, nhờ “thông minh và tháo vát”, Guzman được tay trùm đang lên khi đó là Héctor Salazar tuyển mộ. Guzman đã giúp đại ca mình xây dựng các tuyến đường vận chuyển ma túy độc nhất vô nhị từ Sinaloa sang Mỹ. Sau khi Hector bị thanh trừng, y đầu quân và lo việc hậu cần trong đường dây của trùm ma túy khác là Miguel Gallardo. Năm 1988, Gallardo bị bắt và thời của Guzman đã đến, bởi ngoài y khi đó không một tay giang hồ nào đủ bản lĩnh lẫn mưu mẹo để lập băng riêng.

mexico-el-chapo-tunnels-superjumbo.jpg
Miệng đường hầm nối từ công trường xây dựng đến thẳng buồng giam của Guzman.

Với kinh nghiệm của mình, Guzman còn tàn bạo hơn hai đàn anh xưa khi buôn cả cocaine, methamphetamine, cần sa, và heroin. Tất cả đều được sản xuất khép kín, từ trồng đến chiết tách, đóng gói và phân phối từ Mỹ đến châu Âu.

18chapo1-superjumbo_11zon.jpg
Lối lên của đường hầm được làm cả thang sắt.

Guzman thành công nhờ sự liều lĩnh đáng kinh ngạc khi dám thiết lập hàng loạt các đường hầm ngầm ở dọc biên giới Mexico – Mỹ để chuyển hàng và là người “xuất khẩu” ma túy vào Mỹ nhiều hơn bất cứ tay buôn nào trong lịch sử. Forbes từng xếp y vào một trong những người quyền lực nhất thế giới từ năm 2009 đến 2013. Cơ quan quản lý ma túy của Mỹ ước tính ảnh hưởng và sự giàu có của y không kém gì “huyền thoại” Pablo Escobar.

16259102-0-image-a-12_1563555212617_11zon.jpg
Bên trong đường hầm mà Guzman đã trốn thoát thành công.

El Chapo bị bắt năm 1993 và bị kết án 20 năm tù ở Mexico. Anh ta trả tiền cho nhiều nhân viên nhà tù để đổi lấy các đặc quyền và tiếp tục điều hành doanh nghiệp tội phạm của mình từ trong tù.

Năm 2001, Mỹ truy tố y và chuẩn bị dẫn độ sang San Diego xét xử vì nhập lậu ma túy và rửa tiền. Lo sợ bị án tử, hắn lên kế hoạch vượt ngục và hối lộ cho một giám thị tên Francisco Camberos. Ngày 19/1/2001, trong chiếc xe đẩy đầy ắp của bộ phận giặt ủi nhà giam được đưa ra cổng chính, Guzman nằm gọn bên dưới lớp quần áo bẩn thỉu. Chính Camberos đã lái xe tải chở chiếc xe đẩy tháo chạy trong đêm. Ở một cây xăng cách hàng trăm km, viên cai ngục điềm nhiên bước vào đổ xăng và gã trùm ma túy hất tung lớp quần áo, vùng dậy chạy thoát vào rừng, nơi các đàn em đã đợi sẵn.

Trong vụ này, có cả thảy 78 người liên quan và Camberos đến nay vẫn ngồi tù vì tội lỗi tày trời. Vụ vượt ngục được cho là đã tiêu tốn của Guzman đến 2,5 triệu USD.

140222172535-01-guzman_11zon.jpg
Trùm ma túy bị lực lượng Hải quân Mexico bắt giữ tại Mazatlan.

Guzmán đã ẩn náu trong một thời gian dài ở những khu vực hẻo lánh của vùng núi Sierra Madre mãi đến năm 2014 mới bị bắt tại một khách sạn ở Mazatlan sau một chiến dịch của Hải quân Mexico và cảnh sát Mỹ. Y bị giam tại Altiplano, trại giam an ninh bậc nhất Mexico.

Vào ngày 11 tháng 7 năm 2015, “El Chapo” lại vượt ngục ngoạn mục. Camera an ninh nhìn thấy y lần cuối vào lúc gần 9 giờ tối. Sau khi vào khu vực tắm, nơi duy nhất trong phòng giam không nhìn thấy qua camera, cai ngục đã chờ suốt 25 phút không thấy trở ra và quyết định mở cửa ập vào, Guzman đã biến mất.

Những gì còn lại là một lỗ thủng ở dưới vòi sen, dẫn ra một đường hầm đến công trường xây dựng cách đó những 1,5km. Đường hầm sâu đến 10m, có cả thang để leo xuống, được trang bị ánh sáng nhân tạo, ống dẫn khí. Vụ vượt ngục gây rúng động toàn thế giới vì sự tinh vi, liều lĩnh và vô số những nghi vấn khó hiểu.

18chapo1-web-superjumbo.jpg
Vì sao "El Chapo" đào được một đường hầm bí mật đến tận buồng giam đến nay vẫn chưa được bật mí.

Đến nay Mexico vẫn không công bố vì sao hắn có thể điều khiển đàn em thực hiện một địa đạo khổng lồ, công phu và trong thời gian dài đến vậy để giải cứu. Guzman bị bắt giữ năm 2016 và hiện đang thụ án chung thân tại trại giam ADX Florence, Colorado (Mỹ).

John Dillinger - vượt ngục bằng súng gỗ

John Herbert Dillinger là một tên cướp ngân hàng người Mỹ trong thời kỳ Suy thoái. “Thành tích” của y là đã cướp hơn 20 ngân hàng và tấn công 4 đồn cảnh sát. Nhưng Dillinger càng nổi tiếng hơn vì rất nhiều lần vượt ngục thành công trong thập niên 1930s.

Năm 1933, Dillinger thực hiện một loạt các vụ cướp ngân hàng nổi tiếng và cuối cùng bị bắt. Sau đó, anh ta được vượt ngục ở Lima, Ohio. Dillinger đã kết thân và giúp đỡ một nhóm bạn tù đã quen trong thời gian ngồi tù trước đó, vượt ngục thành công. Chẳng biết tay cướp ngân hàng này đã chỉ dạy thể nào mà chính nhóm vượt ngục trên đã quay lại trại giam 4 ngày sau đó, đóng giả…sĩ quan cao cấp của trại giam Indiana và giải thoát thành công Dillinger. Vụ vượt ngục đã gây chấn động nước Mỹ khi đó vì sự táo bạo và…như tiểu thuyết.

dillinger_11zon.jpg
John Dillinger thách thức nhà tù Mỹ chỉ bằng một khẩu súng bằng gỗ.

Dillinger tiếp tục đi cướp và lại bị bắt vào năm 1934, được đưa đến Indiana để xét xử vì đột nhập ngân hàng Chicago và giết hại một nhân viên tuần tra. Y thụ án tại trại giam Crown Point.

Giới chức lúc đó đã khoe rằng đây là nhà tù “nội bất xuất ngoại bất nhập”, chỉ riêng Dillinger là cười khẩy. Không mưu toan như lần trước, lần này Dillinger trở nên lặng lẽ lạ thường, lén lén lút lút. Với một mảnh dao cạo râu, y kiên nhẫn gọt một tấm ván gỗ ở bệ rửa thành…khẩu súng.

Ngày 3/3/1934, với khẩu súng gỗ giả này, y đã khống chế được lính canh cửa, cướp được khẩu súng thật và bắt giữ 17 phạm nhân khác làm con tin. Sau khi nhốt tất cả vào chính buồng giam của mình, Dillinger cướp thêm một chiếc xe hơi và bỏ trốn. FBI đã phát hiện ra y tại Chicago vài tháng sau đó khi đang âm thầm chuẩn bị…cướp tiếp.

Ngày 22/7/1934, một cuộc bao vây và đấu súng ngoạn mục giữa FBI với Dillinger diễn ra tại Chicago. Tên cướp lãnh 3 phát đạn trúng ngực, chết tại chỗ. Vụ vượt ngục của Dillinger gây chấn động nước Mỹ suốt nhiều thập niên.

Đào thoát khỏi Alcatraz

Có biệt danh là ‘The Rock’, Alcatraz là một trại giam nổi tiếng của Mỹ. Nằm biệt lập và chiếm toàn bộ diện tích một hòn đảo nhỏ ngoài khơi vịnh San Francisco.

gettyimages-111846886.jpg
Một góc đảo Alcatraz nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng tại San Francisco.

Đây là trại giam hiện đại và an ninh bậc nhất của Mỹ, “nội bất xuất ngoại bất nhập” do nằm biệt lập nên rất khó tiếp cận từ bên ngoài lẫn đào thoát từ bên trong.

0_traveljails_11zon.jpg
Toàn cảnh Alcatraz, nơi từng được xem là nhà tù nghiêm ngặt nhất thế giới.

Âý vậy, trong 29 năm hoạt động, nhà tù đã phải đối mặt với khoảng 14 lần vượt ngục .Alcatraz cũng là nơi diễn ra vụ vượt ngục ngoạn mục bậc nhất lịch sử nước Mỹ, được tiểu thuyết hóa và Hollywood dựng thành phim.

31-featured-blog-post-image_11zon.jpg
Frank Morris và anh em nhà Anglin.

Vụ việc xảy ra năm 1962 khi bộ ba tù nhân Frank Morris và hai anh em ruột Clarence – John Anglin trốn thoát. Chỉ với một chiếc muỗng ăn, cả ba đã kiên nhẫn khoét tường trong hàng tuần lễ để tháo bung các lỗ thông gió trên tường phòng giam, đủ để bò qua. Vài chục năm sau, thi thoảng trên thế giới vẫn có các vụ vượt ngục mà phạm nhân sử dụng chính phương pháp dùng muỗng ăn khoét các lỗ mạch ở tường để trốn thoát.

alcatraz_11zon.jpg
Lỗ thủng để vượt ngục vẫn được giữ nguyên hiện trạng tại nhà tù.

Để qua mắt các cai ngục, nhóm này đã nặn ra hình nộm đặt trên giường. Thậm chí mãi hơn 1 ngày sau khi trốn thoát, cai ngục nhìn vào mà vẫn không mảy may. Tất cả chỉ sực tỉnh khi đặt nghi vấn: “sao họ ngủ từ hôm qua đến giờ chưa thức”.

5ef2281667b15_11zon.jpg
Chiếc bè làm từ hàng chục áo mưa được tìm thấy tại bờ biển trong tình trạng rách bươm.

Còn với bộ 3 này, sau khi thoát ra đến rìa đảo, họ liên kết 50 chiếc áo mưa đã trộm được thành chiếc bè để bơi vào San Francisco. Tuy nhiên, đây là những hình ảnh cuối cùng của nhóm vượt ngục vì đã mất tích hoàn toàn đến nay không dấu vết. Có nguồn tin khẳng định cả 3 đã chết đuối.

dau-morris.jpg
Đầu hình nộm Frank Morris được nặn một cách tỉ mỉ và công phu.

Vụ vượt ngục ly kỳ này khiến quản giáo Alcatraz bị chỉ trích nặng nề và chỉ một năm sau nhà tù được cho là “bất khả xâm phạm” này đã phải đóng cửa vĩnh viễn. Vì nó quá ly kỳ, nhà văn J. Campell Bruce đã hư cấu thành cuốn tiểu thuyết ăn khách “Escape from Alcatraz” (Đào thoát khỏi Alcatraz). Tiểu thuyết sau đó được đạo diễn Don Siegel dựng thành phim cùng tên với sự tham gia của nhiều của siêu sao điện ảnh Hollywood như Clint Eastwood (vai Frank Morris), Patrick McGoohan, Fred Ward (vai John Anglin), Jack Thibeau (vai Clarence Anglin)…

escape-from-alcatraz-uk-quad-30-ins-x-40-ins-1979.jpg
Bộ phim Escape from Alcatraz với sự tham gia của Clint Eastwood.

Năm 2013, chuyện ly kỳ tiếp tục xảy ra khi đồn cảnh sát Richmond ở San Francisco nhận được một lá thư của một trong 3 tên vượt ngục. Mãi đến năm 2018, đài CBS San Francisco mới công bố chuyện này, theo đó người viết xác nhận: "Tên tôi là John Anglin. Tôi trốn khỏi Alcatraz vào tháng 6 năm 1962 cùng với anh trai Clarence và Frank Morris. Tôi đã 83 tuổi và sức khỏe đang rất yếu. Tôi bị ung thư. Vâng, tất cả chúng tôi đã vào bờ đêm đó và không ai phát hiện ra”.

escape_alcatraz_cell.jpg
Căn phòng của John Anglin nguyên hiện trạng luôn thu hút đông khách du thăm quan.

Một phòng thí nghiệm của FBI đã kiểm tra dấu vân tay và DNA lưu trên bức thư, đồng thời phân tích chữ viết bên trong, nhưng kết quả không có kết luận. Vì thế kết cục của bộ ba phạm nhân vẫn mãi ẩn sâu như dưới lòng biển.

alcatraz-evidence_11zon.jpg
FBI trưng bày các hình nộm và vật chứng liên quan vụ vượt ngục tại Alcatraz.

Alcatraz hiện trở thành một điểm du lịch và căn phòng của anh em John Anglin luôn đón lượng khách kỷ lục. Mọi thứ vẫn được bảo quản nguyên vẹn, kể cả lỗ thủng trên tường sơn màu xanh mồng két.

Yoshie Shiratori – từ tội phạm thành nhân vật manga

Yoshie Shiratori là một tội phạm nổi tiếng tại Nhật trước Thế chiến thứ 2 với 4 lần vượt ngục thành công, chinh phục những nhà tù hà khắc và nghiêm ngặt nhất. Tại Nhật hiện có rất nhiều câu chuyện mô tả cuộc vượt ngục của Shiratori nhưng phần nhiều mang tính văn học dân gian hơn là sự thật.

2260707345.jpg
Yoshie Shiratori

Yoshie Shiratori bị buộc tội trộm cướp và giết người năm 1936 và thi hành án tại nhà tù Aomori. Nắm được quy luật sinh hoạt của lính canh, ông đã lấy trộm được chìa khóa và trốn thoát vào một đêm mưa gió.

3 ngày sau hắn bị bắt lại khi trộm đồ tại một bệnh viện. Lần này, Shiratori bị kết án chung thân và chuyển đến nhà tù Akita. Bị giam trong một căn phòng thiết kế đặc biệt để chống vượt ngục với trần nhà cao, tường trơn nhẵn, nhưng gã vẫn phát hiện ra phần gỗ ở các ô cửa đã bị mục. Không hiểu bằng cách nào, tối tối hắn lại leo lên để kiên nhẫn cạy từng chút và lại trốn thoát.

800px-.jpg
Mô hình diễn tả lại quá trình vượt ngục của Shiratori tại Bảo tàng nhà tù Abashiri ở Bắc Hokkaido.

Trong mùa đông năm 1943, Shiratori được chuyển đến nhà tù Abashiri ở Bắc Hokkaido. Ông bị khóa bằng chiếc còng đặc biệt do một chuyên gia mỗi tuần một lần đến mở để tắm và luôn mất hai giờ mới mở được. Nhưng Shiratori đã lợi dụng lúc đưa bữa ăn để nhỏ nước súp miso lên còng khiến chúng bị ăn mòn. Gần 1 năm sau, hắn tháo được còng và trốn thoát ngoạn mục.

Khi ăn trộm cà chua ở một trang trại, hắn lại đâm chết người vì bị đuổi đánh, Shiratori bị Tòa án Sapporo kết án tử hình. Cai ngục ở đây tin vào nhà tù Sapporo đến mức không cần cùm tay Shiratori nữa. Năm 1947 ông lại vượt ngục lần thứ 4 trong sự ngỡ ngàng.

djlhd_humaaddwj.jpg
Bộ truyện manga Golden Kamuy kể về cuộc đời của Yoshie Shiratori.

Sau khi hối cải và đầu thú, Tòa án Tối cao Sapporo đã xem xét lại vụ việc và nhận thấy Shiratori thực chất chỉ tự vệ nên hủy án tử và giảm xuống còn 20 năm tù. Yêu cầu được giam giữ ở Tokyo của ông ta cũng được chấp thuận. Ông được ân xá năm 1961 và mất 18 năm sau đó, ở tuổi 71.

Yoshie Shiratori trở thành nhân vật đặc biệt khi nhà văn Akira Yoshimura đã tiểu thuyết hóa đời ông thành tác phẩm “Hagoku”. Ông cũng trở thành nhân vật Yoshitake Shiraishi trong manga Golden Kamuy của tác giả Satoru Noda. Năm 2017 Nhật phát hành bộ phim tài liệu mang tên “Vượt ngục” về cuộc đời ông. Tại Bảo tàng của nhà tù Abashiri từng giam dữ Shiratori, có hẳn một mô hình diễn tả lại quá trình trốn chạy của ông.

Bình An (tổng hợp)